Đừng thờ ơ với sản phẩm gia cầm sạch
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã nói như vậy khi đề cập đến tình trạng người tiêu dùng ở nhiều địa phương do sợ dịch cúm, nên đã tẩy chay gia cầm và sản phẩm gia cầm. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, trong thời điểm dịch diễn biến phức tạp như hiện nay, người tiêu dùng có thể tìm các sản phẩm gia cầm đã qua chế biến công nghiệp, gia cầm sạch... để sử dụng.
Thưa Bộ trưởng, hiện nay nhiều cơ sở chăn nuôi gia cầm đã có ý kiến đề xuất với Bộ NN&PTNT tiêu huỷ "giúp" gia cầm và hỗ trợ họ theo chính sách 15.000 đồng/con. Lý do mà họ đưa ra là hiện sản phẩm gia cầm không tiêu thụ được. Ý kiến của Bộ NN-PTNT về đề xuất trên như thế nào?
- Đúng là có một số cơ sở chăn nuôi đề nghị Bộ NN&PTNT xử lý (tiêu huỷ- PV) cho đàn gia cầm của họ. Thế nhưng, theo tôi vấn đề này cần phải nghiên cứu rất kỹ vì để tiêu huỷ một đàn gia cầm quả thực là rất dễ, trong khi giữ được mới là khó. Hiện nay, chúng ta vẫn còn nhiều trường hợp khác cần phải giải quyết và xử lý để ngăn chặn dịch cúm, nên chưa thể đáp ứng yêu cầu tiêu huỷ gia cầm khoẻ mạnh để bồi thường được. Những cơ sở chăn nuôi lớn mà không có dịch vẫn phải tiếp tục tiến hành công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng để chống dịch và sản xuất gia cầm bình thường.
Nhưng trong thời điểm hiện nay nếu không cho tiêu hủy, thì gia cầm cũng không tiêu thụ được. Vậy câu hỏi đặt ra là người chăn nuôi phải làm gì?
- Vấn đề này không chỉ có nông dân mà chúng tôi cũng như đang ngồi trên đống lửa. Có thể tới đây chúng ta phải tính toán lại bài toán tiêu thụ sản phẩm gia cầm cho nông dân. Còn vào thời điểm này, trước nguy cơ đại dịch, chúng tôi đã có khuyến cáo người dân nên hạn chế sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm vì sức khoẻ, tính mạng con người mới là quý. Thế nhưng, nếu như người dân thực sự muốn sử dụng thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm thì bắt buộc phải qua kiểm dịch của thú y và đã qua chế biến nhiệt (luộc, rán, nướng, quay...) mới bảo đảm an toàn. Người chế biến gia cầm phải thực hiện đúng quy định đeo khẩu trang, găng tay chế biến gia cầm, khi chế biến xong phải thực hiện sát trùng chân tay và vệ sinh cá nhân.
Có một thực tế là do không được tiêu huỷ và cũng không tiêu thụ được nên một số cơ sở chăn nuôi cho biết họ có thể thả gia cầm ra hoặc bỏ đói?
- Làm như thế là không được. Bộ NN&PTNT đã chủ trương chống dịch cho những cơ sở trọng điểm, nếu phát hiện dịch mới tiến hành tiêu huỷ. Còn những cơ sở chăn nuôi gia cầm khoẻ mạnh, chúng tôi đã rất chú trọng hỗ trợ công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng và tiêm phòng vaccin. Không cớ gì phải tiêu huỷ hết gia cầm khoẻ mạnh và giả sử nếu làm vậy, công sức tiêm phòng, vệ sinh khử trùng từ trước đến nay coi như bằng không.
Theo Bộ trưởng, nguyên nhân chính khiến người dân hoảng hốt và không dám ăn sản phẩm gia cầm trong thời gian qua là gì? Có phải chúng ta đã tuyên truyền quá mức về nguy cơ của đại dịch?
- Tinh thần chống dịch, như Thủ tướng Phan Văn Khải nói rồi là phải hết sức quyết liệt, phải tuyên truyền để người dân không thờ ơ trước đại dịch. Tuyên truyền như thế là đúng mức dù có một số trường hợp thông tin là chưa chính xác. Chẳng hạn, thời gian qua có tờ báo nói đã xuất hiện bệnh nhân bị cúm H5N1 do ăn lẩu gà và cháo gà. Xin thưa rằng, nếu ăn lẩu gà chín trong 100oC thì không thể nhiễm virus được H5N1. Có thể người ăn lẩu gà này chưa bảo đảm chín hoặc có tiếp xúc trực tiếp với thịt gà còn sống trước khi nhúng vào lẩu. Đối với bệnh nhân ăn cháo gà nếu bị cúm chắc cũng có nguyên nhân tương tự.
Việc cấm vận chuyển và buôn bán gia cầm sống trong nội thành, nội thị cũng là một trong nhiều nguyên nhân làm cho thị trường gia cầm gần như bị đóng băng. Vậy hướng giải quyết vấn đề này như thế nào?
- Cấm không buôn bán, vận chuyển gia cầm trong nội thành, nội thị là cấm đối với các loại gia cầm chưa làm lông. Đối với gia cầm đã sơ chế và qua kiểm dịch của cơ quan chức năng vẫn có thể tiêu thụ bình thường. Với loại sản phẩm sạch này, người tiêu dùng không nên thờ ơ.
Nguồn tin: NTNN
|