Tình hình cúm gia cầm ở các địa phương
Ngày 21/11 có thêm tỉnh Quảng Ninh công bố dịch cúm gia cầm. Đây là
tỉnh có số lao động ngành công nghiệp-dịch vụ lớn và tập trung trên phạm vi địa
lý hẹp, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm từ gia cầm lớn và có đường biên giới giáp với
Trung Quốc.
Đặc biệt, Quảng Ninh là một trung tâm du lịch trọng điểm của
Việt Nam, đang trong thời kỳ cao điểm dón du khách quốc tế trong năm. Chắc chắn,
việc tỉnh Quảng Ninh công bố có dịch cúm gia cầm sẽ tác động đến kinh tế du lịch
cả nước cũng như các mặt tiêu cực khác về xã hội nếu như các biện pháp đối phó
với "dịch" không được xác định sớm.
Trước đó, Hà Nội và Bạc Liêu đã tuyên bố ngăn chặn được dịch
sau khi hơn 26 ngày không phát sinh trường hợp nhiễm bệnh mới. Một số địa phương
đã ban hành mức tiền đền bù cho mỗi đầu gia cầm bị tiêu hủy cũng như hướng
chuyển đổi vật nuôi; ngành nghề cho các hộ dân sống chủ yếu bằng nghề chăn nuôi
và kinh doanh gia cầm.
Theo tin từ các địa phương: Sáng 21/11, ông Nguyễn Quang Hưng,
Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm tỉnh Quảng Ninh công bố chính
thức: "Dịch cúm gia cầm đã bùng phát tại huyện Đông Triều".
Từ ngày 17 đến ngày 20 /11, tại một số địa phương trên địa bàn
tỉnh đã xuất hiện tình trạng gia cầm chết rải rác, đặc biệt dịch đã bùng phát
tại xã Yên Đức và xã Yên Thọ của huyện Đông Triều. Tại 2 xã trên đã có 4 đàn vịt
của các hộ tư nhân với tổng số 4.400 con bị chết hàng loạt không rõ nguyên nhân
với số lượng lớn gần 4.400 con. Ngay sau khi xảy ra hiện tượng trên, cơ quan
chức năng tiến hành ngay các biện pháp khoanh vùng dịch và gửi bệnh phẩm đi xét
nghiệm.
- Tỉnh Quảng Ninh đã thành lập 7 chốt kiểm dịch trên các
trục đường giao thông trọng yếu tại khu vực Cầu Vàng huyện Đông Triều; trạm cân
cầu Đá Bạc thị xã Uông Bí; bến phà Rừng huyện Yên Hưng; khu vực Tân Dân huyện
Hoành Bồ; ga Hạ Long; Ngã ba huyện Tiên Yên và trạm liên hợp Km15-bến tầu Dân
Tiến tại thị xã Móng Cái; tăng cường kiểm soát chặt chẽ các điểm đầu mối giao
thông và điểm giết mổ buôn bán gia cầm. Giao cho Cấp Ủy Đảng, chính quyền địa
phương các cấp chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát dịch bệnh; vận động nhân dân
không dấu dịch, không bán chạy, tẩu tán, vứt bỏ bừa bãi gia cầm ốm chết.
- Tỉnh Sóc Trăng vừa quyết định thiết lập hai hệ thống
đường dây nóng: một đường dây trực tiếp tại Chi cục Thú y tỉnh và một đường dây
nóng khác nối trực tiếp với lãnh đạo Sở Y tế để nắm bắt kịp thời thông tin trong
ngày. Mặc dù cho đến nay, tỉnh Sóc Trăng vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào bị
nhiễm cúm gia cầm, nhưng chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch khẩn cấp phòng
chống cúm gia cầm và đại dịch cúm H5N1 trên người trong đó riêng trên lĩnh vực
phòng chống đại dịch cúm trên người tỉnh sẽ chi khẩn cấp 2,915 tỉ đồng cho các
hoạt động y tế dự phòng.
- Trung tâm Giống gia súc gia cầm tỉnh Vĩnh Phúc có hàng
chục giống gia cầm quý như: gà mầu Kabir của Ixraen, gà Lương Phượng của Trung
Quốc, Vịt CV2000, Super của Anh, ngan R71 của Pháp… đang được bảo tồn để khảo
nghiệm và nhân giống phục vụ nhu cầu giống cho bà con nông dân. Để đảm bảo an
toàn nguồn giống bố mẹ trong đợt dịch cúm này, Trung tâm sử dụng 3 loại thuốc
sát trùng đó là chất BKA, Han-Ioine, Hanlamid phun xử lý phòng dịch. Đến nay,
đàn gia cầm giống bố mẹ tại Trung tâm vẫn an toàn trong suốt thời gian dịch cúm
xảy ra. Những lọai thuốc trên đang được cung ứng rộng trên địa bàn tỉnh phục vụ
nhu cầu phòng dịch của nhân dân./.
Nguồn tin: TTXVN
|