Sản xuất sản phẩm cá tra, ba sa xuất khẩu tại ĐBSCL: Không chỉ là cá sạch
Đã gần một năm sau ngày An Giang manh nha mô hình nuôi cá sạch
với hàng loạt tiêu chuẩn được đưa ra thực hiện, để có những sản phẩm làm vừa
lòng những khách hàng nhập khẩu khó tính. Tuy nhiên, ngành chế biến cá tra, ba
sa xuất khẩu vẫn đang phập phồng trước tình trạng thừa mà thiếu nguyên liệu. Vấn
nạn chất kháng sinh cấm sử dụng luôn tiềm ẩn làm nhiều người phải nghĩ lại và
đẩy nhanh hơn việc đưa quy trình sản xuất sạch vào chăn nuôi. Với việc ra đời
Liên hợp sản xuất cá sạch Agifish và mới đây là mô hình sản xuất cá sinh thái
thành công của 2 hộ dân tại Long Xuyên – An Giang, đã mở ra một hướng đi bền
vững hơn cho nghề nuôi cá tra, ba sa tại ĐBSCL.

KHỞI ĐẦU Ý NGHĨA...
Từ lâu An Giang nổi tiếng với nghề nuôi cá tra, ba sa. Con cá
tra, ba sa bắt đầu khẳng định thế đứng đối với ngành công nghiệp chế biến xuất
khẩu của địa phương. Với sản lượng cá luôn đạt mức 200 – 400 tấn/ha lượng cá
nguyên liệu luôn đảm bảo cho 9 nhà máy chế biến hoạt động hết công suất. Tuy
nhiên, trước rào cản chất kháng sinh từ các nước nhập khẩu, làm người dân còn
rất dè dặt khi nuôi cá và trong đó không ít hộ đã dẹp bè để chuyển sang nuôi các
loài thủy sản khác. Còn các nhà máy lại thiếu nguyên liệu, mà cụ thể là nguyên
liệu sạch. Từ đó bộc lộ một sự bất cập trong phát triển nghề nuôi, để tạo một
vùng nguyên liệu ổn định và đảm bảo chất lượng.
Ngày 29-9-2005 thật sự là một ngày vui của nông dân nuôi cá
tra, ba sa cũng như nhà doanh nghiệp tại An Giang, khi Công ty Agifish tổ chức
ra mắt Liên hợp sản xuất cá sạch. Có 19 hộ dân đầu tiên được trao bằng chứng
nhận tiêu chuẩn SQF 1000 và Công ty Agifish được trao bằng chứng nhận tiêu chuẩn
SQF 2000. Một bước đi mới chứng minh con cá tra, ba sa tại An Giang vẫn có thể
sản xuất theo mô hình sạch. Ông Ngô Phước Hậu, Tổng Giám đốc Công ty Agifish cho
biết: “Cần phải xem người nuôi, vùng nuôi la trung tâm của mối liên kết. Từ đó
hình thành vùng nguyên liệu sạch để tạo ra những sản phẩm sạch từ con giống đến
bàn ăn”.
Ông Huỳnh Thế Năng, Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang khẳng
định: “Đây là mô hình rất có ý nghĩa, nó sẽ đưa ngư dân nuôi trồng thủy sản An
Giang hội nhập khu vực và thế giới, chủ động vượt qua rào cản kỹ thuật của các
nước nhập khẩu và từng bước đưa ngành thủy sản tiến lên một cách bền vững”.
Mô hình sản xuất cá sạch theo tiêu chuẩn SQF buộc người nuôi
phải cam kết đảm bảo chất lượng ở tất cả các khâu chăn nuôi nhưng được đảm bảo
một mức giá cao khi tiêu thụ. Anh Nguyễn Văn Thanh, ngư dân xã Hòa Bình - huyện
Chợ Mới, cho biết: “Theo tôi, quy trình sản xuất này rất hay. Không dùng hóa
chất, kháng sinh cấm từ đó đầu ra rất đảm bảo; chẳng còn lo ngại, vì nếu gặp
trục trặc thì có Ban quản lý Liên hợp giải quyết”.
Anh Thanh hiện có 6 bè cá với sản lượng 220tấn/bè/năm. Trước
đây anh đã tham gia CLB 20.000 tấn do chính Công ty Agifish thành lập. Xuất phát
từ các yêu cầu đầu ra và áp lực của thị trường, anh đã tích cực theo học và được
cấp chứng nhận chất lượng SQF 1000. Anh Thanh cho biết thêm: “Các cam kết như
cung cấp sản phẩm sạch, bảo vệ môi trường, cải tiến hệ thống sản xuất hiện nay
ngư dân đều có thể làm được. Với mô hình liên kết này, tôi tin nghề nuôi cá tra,
ba sa sẽ phát triển bền vững”.
TỪ CÁ SẠCH ĐẾN CÁ SINH THÁI
“Cá sạch rất hay nhưng vẫn là thứ yếu” - ông Phan Văn Danh, Phó
Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và chế biến thủy sản An Giang nói. Từ khi Công ty
BinCa – Cộng hòa Liên bang Đức đến An Giang liên hệ để hợp tác mô hình nuôi cá
tra, ba sa sinh thái lại mở ra cho ngành thủy sản của tỉnh một hướng đi.
Hiện tại nhiều người còn ngộ nhận cá sạch là cá sinh thái. Ông
Phan Văn Danh lý giải: “Thực chất không phải vậy. Việc nuôi cá sinh thái khó
khăn hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn cá sạch. Phải nuôi với mật độ thưa, gần môi
trường tự nhiên. Xa vùng sinh hoạt dân cư và khu vực nuôi truyền thống ít nhhất
là 300m”. Để thực hiện mô hình này, Công ty BinCa đã khảo sát, nghiên cứu và đặt
vấn đề từ cuối năm 2003, nhưng phải giữa năm sau mô hình mới bắt đầu triển khai
với 2 hộ dân tại Mỹ Hòa Hưng - TP Long Xuyên. Chị Nguyễn Thị Dung, một trong
những hộ tham gia mô hình, cho biết: “Kỹ thuật nuôi cá sinh thái khác hoàn toàn
với nuôi trước đây. Đặc biệt chi phí đầu tư rất lớn nên dễ làm người nuôi e
ngại.
Tuy nhiên, sản phẩm được công ty bao tiêu hoàn toàn nên cũng
yên tâm”. Với mô hình này chị Dung đã mạnh dạn đầu tư 1 tỉ đồng với 2 quầng nuôi
và đã thu hoạch 210 tấn và dự kiến cuối tháng 11 sẽ thu về thêm khoảng 200 tấn.
Nếu như giá bán hiện nay từ 20.000 – 20.500 đồng/kg (cao gấp đôi so với giá cá
nuôi theo kiểu truyền thống) thì mỗi kg cá lãi từ 2.000-2.500 đồng. Còn anh Phan
Tùng Sơn cũng đầu tư gần 2 tỉ đồng cho 3 quầng cá sinh thái và hứa hẹn sẽ có một
mùa bội thu vào cuối tháng 11 này.
Song, mô hình nuôi cá tra, ba sa sinh thái đã có gần một năm
nay nhưng chưa thể phát triển ổn định và tạo một bước ngoặt thật sự như cá sạch.
Vì sao? Ông Phan Văn Danh cho biết: “Mô hình này có rất nhiều ưu điểm và rất đảm
bảo trong quá trình nuôi. Tuy nhiên, việc đầu tư quá lớn, lại chỉ nuôi đăng
quầng sẽ là một trở ngại không nhỏ cho việc phát triển trong tương lai”. Với
những đòi hỏi về kỹ thuật và môi trường nuôi của đối tác là Công ty BinCa, theo
tổng kết bước đầu vốn đầu tư cho nuôi sinh thái cao gần gấp đôi nuôi theo mô
hình cá sạch. Trong đó cụ thể nhất ở nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn hiện nay
chỉ mua nguồn cám từ lúa mùa vùng cao tại Tịnh Biên, Tri Tôn, bột cá, bánh dầu
phải mua từ nguồn có chất lượng từ Kiên Giang và Trung Quốc.
Ngoài ra trước sự phát triển rầm rộ của phong trào như vừa qua,
việc tìm và quy hoạch một vùng nuôi thật sự an toàn cũng là vấn đề nan giải. Do
đó không phải ngẫu nhiên mà những người nuôi cá tra, ba sa ở An Giang lại mặn mà
hơn với con cá sạch, đồng thời hợp sức với nhau để phát triển nuôi cá sạch chứ
không phải cá sinh thái. Nếu có sự so sánh giữa 2 mô hình nuôi này thì cá sạch
vẫn chiếm ưu thế. Hiện nay các doanh nghiệp đã mua cá sạch khoảng 11.400 đồng/kg
thì bà con chăn nuôi cũng đã lãi khoảng 1.400 đồng/kg lại đầu tư nhẹ hơn rất
nhiều so với cá sinh thái. Bên cạnh đó, mật độ nuôi cá sạch rất cao đảm bảo tổng
sản lượng bình quân từ 200-400tấn/ha là một lợi thế không nhỏ để mô hình sản
xuất cá sạch phát triển mạnh hơn so với mô hình cá sinh thái.
Dù vậy, với 2 mô hình sản xuất đang định hình cho phép nghề
nuôi An Giang hướng đến một bước tiến vững chắc trong tương lai. Với kết quả
bước đầu, ông Phan Văn Danh, cho biết: Hiện nay, hiệp hội đang đề xuất với đối
tác để cá sinh thái có thể nuôi hầm và lồng bè. Nếu được, mô hình sẽ phát triển
mạnh. Còn năm tới, tỉnh sẽ khuyến khích bà con ngư dân tham gia nuôi cá sinh
thái và nâng sản lượng lên khoảng 1.500 tấn. Con số này tuy còn khiêm tốn so với
nhu cầu từ thị trường nước ngoài, tuy nhiên là một bước tiến đáng kể trong việc
tìm một hướng đi bền vững.
Còn với mô hình sản xuất cá sạch, đòi hỏi người chăn nuôi phải
có mức độ đầu tư, để có một sản lượng hàng năm từ 200 tấn trở lên. Còn nếu các
hộ nuôi nhỏ lẻ thì không thể thực hiện vào mô hình liên hợp. Ông Huỳnh Thế Năng
khẳng định: “Để phát triển bền vững, không còn cách nào khác là phải liên kết.
Các hộ sản xuất nhỏ lẻ phải liên kết lại để tạo thành một tổ hoặc HTX, mới đảm
bảo thực hiện đúng theo tiêu chuẩn chất lượng”.
Trong những ngày qua, giá cá tra, ba sa tại An Giang bắt đầu
nhích lên từ 10.000-10.500 đồng/kg. Tuy nhiên, nếu cá đủ tiêu chuẩn chất lượng
được nhiều doanh nghiệp mua với mức giá 11.400 đồng/kg. Đã có sự chênh lệch rất
rõ trong giá cá nguyên liệu từ chất lượng của cá thương phẩm. Nếu cá tra, ba sa
nguyên liệu đảm bảo chất lượng thì người nuôi hoàn toàn yên tâm về đầu ra sản
phẩm. Hơn lúc nào hết, người sản xuất cần bắt tay để xây dựng một vùng nuôi an
toàn và đảm bảo hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai.
Theo BÌNH NGUYÊN (www.vietlinh.com.vn)
|