Thủy sản ứng phó với dịch cúm gia cầm
Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc cho biết kế hoạch xây dựng
mô hình khuyến ngư, mô hình cung cấp giống và lo trước về vấn đề thị trường đang
được Bộ Thủy sản đẩy mạnh triển khai để ứng phó với dịch cúm gia cầm.
Dịch cúm gia cầm có tác động như thế nào đối với ngành thuỷ
sản, thưa Bộ trưởng?
Trước đây, hàng ngàn trại nuôi tôm trên cả nước vẫn thường sử
dụng actemia làm thức ăn cho tôm. Vì vậy, ngay đợt chống cúm gia cầm năm ngoái,
chúng tôi đã huỷ bỏ hết phương thức chăn nuôi này. Và đến đợt dịch lần này,
tuyệt đối cấm việc nuôi ấp actemia bằng phân gà.
Thứ hai là có hạn chế về nuôi gia cầm thì rõ ràng sẽ có thiếu
hụt về mặt thực phẩm. Chúng ta đừng để lúc thiếu hàng, giá tăng mới lo. Bộ Thủy
sản đang tính toán bổ sung nuôi trồng một số nghề khác như thế nào đó để đáp ứng
được phần nào nhu cầu của thị trường.
Mới đây tôi có đi Quảng Ngãi và thăm quan một số hộ nuôi ếch.
Người dân ở đây đã có sáng kiến thay thế gà nhà bằng "gà đồng" và năng suất nuôi
đạt khá cao. Ếch nuôi khoảng 2-2,5 tháng nặng 3 lạng. Trên diện tích 600m2, một
gia đình nuôi cả ếch, baba, cá trê mà doanh thu đạt được 600 triệu đồng.
Từ những kết quả thực tế đó, chúng tôi đang cho lập kế hoạch
xây dựng mô hình khuyến ngư, bên cạnh đó là mô hình cung cấp giống và lo trước
về vấn đề thị trường. Đây là 4 việc chính đang được Bộ Thủy sản triển khai để
ứng phó với dịch cúm gia cầm.
Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về công tác lo trước thị
trường?
Tôi nói lo trước thị trường là vì thực tế hiện nay ở nước ta
đang có tình trạng sản phẩm sản xuất ra nhiều nơi thiếu trong cả nước nhưng lại
thừa cục bộ. Tức là thương nghiệp cá lẻ của chúng ta rất dở. Nhiều người nuôi
con nọ con kia khi ít thì bán được giá nhưng khi đua nhau sản xuất và vào vụ thu
hoạch, hàng rộ lên thì lại bán lỗ. Vậy nên phải lo trước việc này để có kế hoạch
điều tiết phù hợp.
Với năng lực sản xuất thuỷ sản hiện nay của các doanh nghiệp và
tình hình dịch cúm xảy ra, các doanh nghiệp có đảm bảo nguồn thuỷ sản để cung
cấp?
Thuỷ sản qua chế biến cũng lớn nhưng bản thân nghề cá ở nông
thôn tự cấp tự túc cũng nhiều. Nếu phát huy cả các nguồn đó và có kế hoạch tốt
thì không có vấn đề gì.
Do cúm gia cầm, dự báo sản phẩm thuỷ sản sẽ bán chạy, Bộ đã có
phương án dự trữ lượng hàng cho dịp cuối năm?
Nhà nước không làm thay tất cả các công việc của doanh nghiệp.
Có việc doanh nghiệp làm có việc Nhà nước làm. Chúng tôi chỉ hỗ trợ thúc đẩy
doanh nghiệp theo đúng quy định. Mỗi doanh nghiệp một vẻ, họ có nhiều cách khác
nhau để kinh doanh.
Bộ có định hướng cho các doanh nghiệp?
Có rất nhiều định hướng. Chẳng hạn như đừng có vì thiếu nguyên
liệu mà đi mua nguyên liệu tùm lum bên ngoài. Làm như vậy, chúng ta sẽ không
quản được chất lượng nguyên liệu. Thứ hai, coi chừng vi phạm các quy ước về
thương mại chúng ta đã cam kết thực hiện.
Liên quan đến việc một số đơn đặt hàng của châu Âu cho các nhà
xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam bị từ chối do đặt hàng nhiều hơn công suất chế biến
của ta. Để chuẩn bị cho nhu cầu thực phẩm thuỷ sản tăng do lo sợ cúm gà ở châu
Âu, Việt Nam đã chuẩn bị việc đó như thế nào trong thời gian tới đây, đặc biệt
trong hai tháng vừa qua, thiên tai đã ảnh hưởng đến nuôi trồng thuỷ sản ở miền
Trung?
Đúng là trong thời gian vừa rồi có đơn đặt hàng nhưng chúng ta
không có hàng để bán, đặc biệt là tôm. Sản xuất theo mùa vụ có lúc ít hàng, có
lúc nhiều hàng và nó biểu thị không chỉ về giá mà nhiều điều khác cho nên lượng
hàng khai thác phần nào bị giảm.
Để khắc phục tình trạng này, biện pháp cần thiết là chúng ta
phải có dự báo tốt hơn nữa. Cũng có thể có vấn đề chúng ta không đáp ứng được
nhu cầu về lượng của thị trường nhưng trước mắt những thăng giáng của yếu tố
thời tiết cũng ảnh hưởng không nhỏ. Điều này cũng liên quan đến cúm gà vì không
có bộ ngành địa phương nào không tham gia phòng chống và khắc phục hậu quả của
bệnh dịch.
Vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay không chỉ là đòi hỏi khắt khe
của các thị trường nhập khẩu mà nhu cầu của người dân trong nước cũng ngày một
nâng cao. Nhưng thực tế sản xuất của nước ta hiện nay chủ yếu là các hộ nhỏ lẻ,
trong tương lai, để bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng trong nước, có bắt buộc
phải áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế?
Tất cả những việc cấm đều có lý trừ trường hợp hãn hữu. Rất
nhiều vấn đề vệ sinh hiện nay chúng ta phải tuân thủ. Trong thực tế sản xuất,
chúng ta đang vừa phải tuân thủ các tiêu chuẩn đặt ra bên cạnh trình độ năng lực
vẫn còn thấp. Vấn đề là đi lên như thế nào để thoả mãn yêu cầu số một của người
tiêu dùng hiện nay là tránh độc hại và phù hợp với điều kiện sản xuất ngày một
tiên tiến hơn.
Bắt buộc như thế nào khi các cơ sở sản xuất của ta chủ yếu là
các hộ nhỏ lẻ sẽ rất khó kiểm tra?
Bây giờ là thời kỳ kinh tế thị trường, chúng ta sẽ kiểm soát
trên giao thông. Chính lực lượng quản lý thị trường đóng vai trò tích cực trong
việc này. Bộ Thủy sản, Bộ Y tế chỉ ban hành các quy định, còn người thực thi các
quy định đó là chính quyền địa phương và các cơ quan chức trách liên quan đến
lưu thông phân phối mà trực tiếp là lực lượng của Bộ Thương mại.
Các bộ đã có các cuộc họp để quy định trách nhiệm?
Liên quan đến an toàn thực phẩm, Thủ tướng đã họp và có chỉ
thị. Theo đó sẽ có sự phối hợp vai trò của các bộ kể cả Bộ Giao thông Vận tải.
Tất nhiên, Bộ có liên quan nhiều nhất là Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Bộ Thuỷ
Sản.
Theo Thùy Trang (Báo
Điện tử - Thời báo Kinh tế Việt Nam)
|