Năm 2010: Cà Mau xuất khẩu tôm đạt 1 tỷ USD
Có thể nói Cà Mau là địa phương có ngành thủy sản phát triển sôi động
nhất khu vực ĐBSCL và là điểm sáng về nuôi trồng và chế biến thủy sản của cả
nước.
Toàn tỉnh hiện có diện tích nuôi thủy sản chiếm 31%, sản lượng
tôm nuôi chiếm 30%, kim ngạch xuất khẩu chiếm 20% so với cả nước. Ngành nuôi tôm
xuất khẩu đã trở thành một ngành sản xuất hàng hóa năng động, thành phong trào
quần chúng rộng lớn, nhất là từ khi được chính quyền cho phép chuyển đổi cơ cấu
sản xuất từ nông - lâm - ngư sang ngư - nông - lâm.
Do điều kiện thiên nhiên phù hợp, nên ngay sau khi miền Nam
giải phóng, tỉnh Cà Mau đã phát triển nghề nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn ở các
huyện Đầm Dơi, Ngọc Hiển và Cái Nước. Mô hình nuôi chủ yếu là quảng canh với các
giống loài tự nhiên như: thẻ, bạc, đất...
Chặng đường từ lúa chuyển sang tôm
Đầu những năm 1990, do nguồn lợi tôm tự nhiên giảm sút mạnh nên
một số hộ nuôi tôm đã mua tôm sú giống từ miền trung về thả nuôi, bước đầu đạt
hiệu quả kinh tế cao. Diện tích và sản lượng tôm nuôi không ngừng tăng lên.
Khoảng giữa thập kỷ 1990, 100% diện tích nuôi tôm quảng canh của Cà Mau đã cơ
bản chuyển sang nuôi quảng canh cải tiến, với mật độ tôm sú thả thêm 3-4
con/m2/năm.
Diện tích và sản lượng nuôi tôm trong những năm đó còn được ghi
nhận: năm 1981 có 14.000 ha đạt 4.500 tấn; năm 1991 tăng lên 60.000 ha, 28.600
tấn; và năm 2000 có tới 153.373 ha với 35.700 tấn.
Đối tượng tôm nuôi là tôm sú đã cung ứng nguồn nguyên liệu có
chất lượng cao cho chế biến xuất khẩu, đưa giá trị kim ngạch xuất khẩu từ 2,2
triệu USD năm 1981, lên 247 triệu USD vào năm 2000. Cùng với việc tăng nhanh
diện tích, sản lượng tôm nuôi, các dịch vụ phục vụ nghề nuôi tôm cũng phát triển
nhanh.
Trong đó đáng chú ý là lĩnh vực sản xuất tôm giống. Cà Mau đã
trở thành một trong những trung tâm sản xuất tôm giống lớn của cả nước và là nơi
cung cấp giống bố mẹ cho các tỉnh trong và ngoài khu vực ĐBSCL.
Tháng 6/2000, Chính phủ có Nghị quyết 09 về một số chủ trương
và chính sách về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đã
tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ, thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế
thủy sản của tỉnh, đặc biệt là ngành nuôi tôm.
Tăng cả diện tích, năng suất và sản lượng
Các số liệu chính thức từ Sở thủy sản Cà Mau mới công bố vào
giữa tháng 9/2005 cho biết: sau 4 năm thực hiện chủ trương chuyển dịch, diện
tích nuôi tôm của Cà Mau đã tăng 157.662 ha (từ 90.512 ha năm 1999, lên 248.174
ha năm 2004).
Thống kê qua các năm ghi nhận: năm 2000 có 153.373 ha; năm 2001
có 217.898 ha; năm 2002 có 239.398 ha; năm 2003 có 245.338 ha; năm 2004 có
248.174 ha. Trong diện tích nuôi năm 2004 có các loại hình nuôi chủ yếu là:
tôm-rừng 46.300 ha, tôm-lúa 43.600 ha, tôm-vườn 22.000 ha, nuôi tôm công nghiệp
580 ha, còn lại là nuôi tôm dạng sinh thái. Năng suất tôm nuôi cũng tăng từ 218
kg/ha vào năm 1999 lên 323 kg/ha vào năm 2004.
Cà Mau đã vươn lên từ chỗ phụ thuộc chủ yếu vào nguồn tôm giống
du nhập, nay đã tự cung ứng được trên 50% giống cho nuôi trồng thủy sản. Một hệ
thống sản xuất giống được phát triển, từ 438 trại sản xuất 1,5 tỷ con sú giống
vào năm 2000; tăng lên 905 trại, sản xuất 6 tỷ con giống, đáp ứng 54,5% tổng nhu
cầu tôm giống vào năm 2004.
Ngoài ra, hệ thống dịch vụ phục vụ nuôi trồng thủy sản cũng
không ngừng lớn mạnh với nghề nuôi tôm. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 300 cơ sở
kinh doanh thuốc thú y, thức ăn thủy sản, bước đầu cung ứng kịp thời các yêu cầu
sản xuất của nông dân. Hệ thống thu mua nguyên liệu thủy sản cùng phát triển
mạnh, với hơn 750 cơ sở có đăng ký và hàng trăm phương tiện thu gom, góp phần
kết nối giữa người nuôi tôm với các xí nghiệp chế biến xuất khẩu.
Thống kê của Sở thủy sản cho biết: sau 4 năm thực hiện chủ
trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nghề nuôi tôm sú Cà Mau đã đạt tổng sản lượng
tôm nuôi 258.509 tấn, chế biến xuất khẩu 170.443 tấn, đạt kim ngạch xuất khẩu
1,4 tỷ USD. Nghề nuôi tôm sú đã giúp cho nhân dân tăng thu nhập, góp phần xóa
đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nhiều hộ gia đình đã giàu có hơn lên rất
nhiều. Theo số liệu thống kê năm 2004, các hộ nuôi trồng thủy sản ở Cà Mau có
thu nhập cao hơn 22,3% so với các hộ làm nông nghiệp.
Định hướng phát triển thuỷ sản tới năm 2010
Theo định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2010, Cà
Mau sẽ có tổng diện tích nuôi trồng 282.404 ha, trong đó 240.834 ha nuôi tôm,
với các loại hình chính là: tôm-lúa 72.000-82.000 ha; tôm-vườn 8.500 ha; chuyên
tôm dạng sinh thái 110.334-119.334 ha; tôm-rừng 30.000 ha; tôm công nghiệp tập
trung 7.000-7.500 ha; tôm công nghiệp quy mô gia đình 3.000-3.500 ha. Tổng sản
lượng tôm nuôi đạt 138.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD.
Ngành thủy sản Cà Mau đã luôn đồng hành và có những đóng góp
tích cực vào tiến trình phát triển nghề nuôi tôm của tỉnh. Từ sau khi có chủ
trương chuyển dịch, công tác tập huấn khuyến ngư được tăng cường và ngày càng đi
vào chiều sâu, đáp ứng nhu cầu hiểu biết về kỹ thuật sản xuất của nông dân.
Hơn 2.250 lớp tập huấn đã được tổ chức cho hơn 79.000 hộ, nâng
tổng số hộ được tập huấn về nuôi tôm từ trước chuyển dịch đến nay lên gần 92.200
hộ. Chiếm 70,5% tổng số hộ nuôi trồng thủy sản.
Đồng thời, ngành thủy sản đã xây dựng được nhiều mô hình sản
xuất hiệu quả như: mô hình nuôi tôm sinh thái, tôm sạch bệnh; mô hình nuôi tôm
công nghiệp quy mô hộ gia đình; mô hình sản xuất một vụ lúa trên đất nuôi
tôm...
Nhiều mô hình đã chứng minh được tính hiệu quả khá bền vững
trong thực tế, nên được nhiều hộ dân lựa chọn, mạnh dạn đầu tư, như các mô hình
tôm-lúa, nuôi đa canh, xen canh, thâm canh tôm…
Hiện nay hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản đã được
quy hoạch xây dựng, theo hai vùng chính là Nam và Bắc Cà Mau. Vùng phía Nam được
phân thành 18 tiểu vùng (đã thẩm định quy hoạch cho 12 tiểu vùng, Nhà nước và
nhân dân đã đầu tư trên 300 tỷ đồng để nạo vét một số công trình bức xúc. Vùng
phía Bắc có khoảng 45.000 ha được bố trí nuôi tôm sú kết hợp với trồng lúa, về
cơ bản vẫn sử dụng hệ thống thủy lợi đã có trước đây.
Theo Phùng Văn (Báo
Điện tử - Thời báo Kinh tế Việt Nam)
|