Giải pháp nào để phục hồi đàn cá ba sa của tỉnh An Giang
Nghề nuôi cá ba sa trong bè đã hình thành lâu đời ở tỉnh An Giang. Đây là quá trình lao động sáng tạo của những cư dân ở vùng sông nước phiá Tây Nam Tổ quốc. Cá basa có tên khoa học là Pangasius bocourti , thuộc loại cá da trơn cũng như cá tra Pangasius hypophthalmus, nhưng thịt cá ba sa thơm ngon và bổ dưỡng hơn. Cá ba sa có nhu cầu trao đổi Oxy cao nên chỉ nuôi được trong bè neo đậu ở vùng nước chảy mạnh, khác với cá tra, có thể nuôi được ở cả trong bè và ao hầm. Do đó, nghề nuôi cá ba sa bè chỉ có An Giang- đoạn Sông Hậu khu vực Châu Đốc và Đồng Tháp-đoạn Sông Tiền khu vực Hồng Ngự.
Tuy nhiên, nghề nuôi cá ba sa An Giang đang dần dần mai một, đàn cá ba sa địa phương có nguy cơ tuyệt chủng. Hầu như không ai nuôi cá ba sa nguyên liệu nữa, cũng không ai sản xuất cá giống mặc dù quá trình nghiên cứu thực hiện được việc sinh sản nhân tạo cá ba sa là thành công lớn về khoa học với quá trình đầu tư rất công phu và tốn kém.
Hiện nay, tổng đàn cá ba sa bố mẹ trong tỉnh chỉ còn khoảng 5 tấn do được giữ lại tại Trung tâm NCSX giống thủy sản tỉnh với chi phí thức ăn để duy trì đàn cá khoảng 150 triệu/ năm. Nguyên do là cá ba sa và cá tra đã bị đánh đồng với nhau trong khâu bán sản phẩm chế biến (gọi tên là ba sa nhưng nguyên liệu là cá tra). Cá tra được pha trộn vào sản phẩm cá ba sa chế biến nhằm tăng lợi nhuận do nó rẽ hơn và cho ra tỉ lệ fi-lê cao hơn, rồi dần dần hầu như toàn bộ nguyên liệu chế biến đều là cá tra. Ngư dân không nuôi cá ba sa nữa vì không ai mua để che biến, hoặc có mua thì cũng với giá xấp xỉ giá cá tra (nuôi bè), thậm chí thấp hơn làm người nuôi bị lỗ vì chi phí nuôi cá ba sa cao hơn chi phí nuôi cá tra do con giống mắc hơn và thời gian nuôi kéo dài hơn.
Để phục hồi nghề nuôi cá ba sa trong tỉnh, cần có giải pháp để tạo ra đặc trưng riêng cho cá ba sa và đồng thời đẩy mạnh công tác tiếp thị cho cá ba sa như là một sản phẩm mới để tạo ra nhu cầu tiêu dùng cá ba sa trên thị trường. Cá ba sa phải có giá cao hơn giá cá tra như trước đây thì nghề nuôi cá bsa sa mới phục hồi được. Tuy nhiên, thực tế hiện nay các doanh nghiệp không thể trở lại đăng ký thương hiệu cho cá tra riêng, cá ba sa riêng vì như thế se không bán được cá tra. Do vậy, cần có giải pháp khác để phục hồi sản xuất cá ba sa mà không làm ảnh hưởng đến việc chế biến tiêu thụ cá tra.
Xin đề nghị các biện pháp đồng bộ sau đây:
Trước hết là đăng ký thương hiệu cá basa bằng một tên mới, gắn liền với tên khoa học và địa lý An Giang để dễ phổ biến và tạo thành đặc thù của địa phương. Thí dụ: Đặt tên là Bocourti An Giang với nguyên liệu là cá Pangasius Bocourti với chỉ dẫn địa lý là nuôi và chế biến tại An Giang. Việc hình thành tên mới này có mất thời gian nhưng cũng không quá lâu, cũng như tên cá ba sa mới được giới thiệu gần đây sau khi các đối thủ cạnh tranh ở Mỹ không cho dùng tên catfish.
Thêm vào đó, Tỉnh có chính sách hỗ trợ chi phí đăng ký thương hiệu ở các thị trường lớn nước ngoài cho doanh nghiệp nào thực hiện đăng ký tên đặc trưng mới cho cá ba sa, đồng thời treo giải thưởng và khen thưởng thích đang doanh nghiệp nào đưa được sản phẩm chế biến cá ba sa (P.bocourti) trở lại thị trường trong nước và quốc tế .
Đồng thời, Tỉnh đặt hàng cho Trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống thủy sản An Giang, nơi còn giữ lại đàn cá bố mẹ sản xuất ra lượng cá ba sa bột theo công suất bình thường và mang thả trở lại môi trường tự nhiên để duy trì quá trình sinh sản nhân tạo cá ba sa và làm phong phú nguồn cá ba sa trong thiên nhiên. Việc nầy được thực hiện trong vài năm cho đến khi nghề nuôi cá ba sa trở lại bình thường.
Tóm lại, nghề nuôi thuỷ sản là một trong những thế mạnh chủ yếu của An Giang, trong đó, cá ba sa là sản phẩm đặc thù, quí giá cần được bảo vệ. Các giải pháp khôi phục đàn cá ba sa cần thực hiện khẩn trương trước khi quá muộn. Mong rằng các đề xuất trên đây góp phần tích cực cho việc tìm ra biện pháp tốt nhất nhằm nhanh chóng phục hồi đàn cá ba sa của tỉnh nhà.
Theo Đoàn Ngọc Phả (Sở Nông nghiệp & PTNT An Giang) |