An Giang có 63 cơ sở nuôi cá Sấu nước ngọt, với tổng đàn 22.201 con
Sáng ngày 16 tháng 12 năm 2004, Chi cục Kiểm lâm An Giang, tổ chức phổ biến Pháp luật về gây nuôi sinh sản, kinh doanh các loài động vật hoang dã (ĐVHD), chủ yếu là cá Sấu nước ngọt. Đến dự có đại diện của trên 44 cơ sở chăn nuôi ĐVHD trong toàn tỉnh.
Các văn bản được phổ biến tại buổi họp là Nghị định số 139/2004/NĐ- CP ngày 25/6/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản ; Danh mục thực vật, động vật hoang dã quý hiếm ; Chỉ thị số 32/2004/CT-UB ngày 16/9/2004 của UBND tỉnh An Giang v/v tăng cường công tác chống chặt phá rừng, mua bán gỗ, lâm sản và động vật hoang dã trái phép.
Cá Sấu nước ngọt có tên khoa học là Crocodylus siamensis, được xếp vào danh mục nhóm IB động vật hoang dã nghiêm cấm khai thác và sử dụng, ban hành kèm theo Nghị định số 48/2002/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2002 và phụ lục 1 của Công ước Cites (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp) mà Việt Nam là thành viên chính thức thứ 121 vào ngày 20/01/1994.
Ngày 27/9/2004, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1021/QĐ-TTg về phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về tăng cường kiểm soát buôn bán động vật, thực vật hoang dã đến năm 2010. Hiện nay, nuôi Cá sấu là một nghề mới đối với tỉnh An Giang, cho nên những thông tin về đặc điểm sinh học và điều kiện để chăn nuôi cá Sấu vẫn còn rất hạn chế. Việc chăn nuôi cá Sấu là tự phát.
hưng do nguồn lợi kinh tế khá hấp dẫn, cho nên thu hút ngày càng nhiều hộ tham gia chăn nuôi, trên cơ sở tham quan, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để làm. Theo báo cáo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang, hiện nay đã có 63 cơ sở nuôi cá Sấu, với tổng đàn là 22.201 con, trong đó cá bố mẹ hiện có 763 con, gồm 168 con đực, 595 con cái.
Trong số 63 cơ sở nuôi cá Sấu nước ngọt, có trại cá Sấu Long xuyên là có đầu tư kỹ thuật, qui mô chuồng trại lớn, đáp ứng đúng quy định của Cites và được tổ chức SITES quốc tế kiểm tra, công nhận đạt tiêu chuẩn trại nuôi xuất khẩu. Cơ sở nầy đã được cấp hạn ngạch xuất khẩu 300 con cá Sấu năm 2003, đến năm 2004 đã xuất chào hàng 50 tấm da và xuất 500 tấm da cá sấu nước ngọt sang Hàn Quốc.
Qua buổi phổ biến pháp luật lần nầy, đã tạo điều kiện để những cơ sở tham gia nuôi cá Sấu có thêm thông tin cần thiết, nắm bắt kịp thời, chấp hành đúng quy định những chủ trương, luật pháp quy định của nhà nước về quản lý, kinh doanh, gây nuôi và mua bán các loại động vật hoang dã. Đối với những cơ sở gây nuôi cá sấu nước ngọt để kinh doanh, cần phải xây dựng chuồng trại nuôi đúng qui định, đãm bảo an toàn cho cộng đồng dân cư tại chổ.
Theo Bành Thanh Hùng, Chi cục Kiểm lâm An Giang
|