Mô hình nuôi cá tra hầm đạt hiệu quả cao
Hiện nay, nuôi trồng thủy sản đã trở thành ngành mũi nhọn trong kinh tế
nông nghiệp của cả nước. Riêng ở An Giang, nghề nuôi cá tra, ba sa (Pangasius)
phát triển mạnh mẽ, hiện đang được ngành nông nghiệp qui hoạch vùng nuôi nhằm
đảm bảo cho nhu cầu sản lượng, đảm bảo vệ sinh nguồn nước và còn nâng cao giá
trị xuất khẩu.
Để đạt được kết quả như mong muốn, nhiều ngư dân đã mạnh dạn
đầu tư vốn, kỹ thuật, cùng với kinh nghiệm đã được tích lũy, tạo nên những thành
công vượt bậc. Điển hình như ông Nguyễn Văn Bé ấp Tây Huề 2, Xã Mỹ Hòa, Thành
Phố Long Xuyên.Với diện tích 1.200 m2 ông thả 32.000 con cá tra giống sau 7
tháng, sản lượng thu hoạch đạt 22 tấn và bán giá taại thời điểm là 12.500 đ/kg.
Sau khi trừ tất cả các chi phí và con giống, ông còn lãi 65 -
70 triệu đồng. Theo đánh giá của cán bộ chuyên môn, đây là mô hình đạt hiệu quả
cao về kinh tế lẫn kỹ thuật, chất lượng cá rất tốt như thịt mỡ cá đều trắng và
trọng lượng phi lê cao.
Khi hỏi về sự thành công của ông trong lĩnh vực này, ông phấn
khởi trả lời: Tôi bắt đầu khởi nghiệp nuôi cá từ năm 2000 đến nay cũng được 5
năm nên tôi cũng có chút ít kinh nghiệm cho mình và học hỏi thêm một số bạn bè
đồng nghiệp. Đặc biệt là nhờ sự hướng dẫn tận tình của cán bộ khuyến ngư tỉnh
nhà. Muốn cá nhanh lớn và đạt chất lượng phải áp dụng đúng qui trình kỹ thuật
nuôi, đặc biệt là trong khâu chọn con giống, chọn vùng nuôi, và khẩu phần thức
ăn.
Ngoài ra, chế độ thay nước cũng là một trong những yếu tố quan
trọng góp phần nâng cao giá trị cá thành phẩm. Khi cá còn nhỏ thì cho ăn thức ăn
viên, cá độ khoảng 500g trở lên thì cho ăn thức ăn tự chế như cá biển, cá vụn,
cám, bánh đậu nành ... nên thường xuyên bổ sung một số chất dinh dưỡng và
vitamin C giúp cá chóng lớn, ít bệnh giảm tỉ lệ hao hụt đặc biệt ông không sử
dụng thuốc kháng sinh để phòng bệnh cho cá.
Với những con cá tra thịt mỡ trắng, tiêu thụ nhiều, đạt giá cao
thì tất cả các ngư dân đều mơ ước. Nhưng để đạt được đều ấy, thiết nghĩ các ngư
dân cần phải áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật, cũng như quy hoạch vùng nuôi
của địa phương nhằm tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị xuất
khẩu, vừa giúp ngư dân tăng lợi nhuận, đồng thời thúc đẩy nuôi trồng thủy sản An
Giang ngày càng phát triển bền vững.
Trang Nghiêm (Nông
nghiệp An Giang)
|