Dấu vết buồn của tôm trên cát: Những vết bằm trên dải cát miền Trung
Không chỉ hàng chục tỉ đồng đã bị trôi theo cát, người nuôi tôm ở ven biển miền Trung còn phải oằn mình gánh chịu những hậu quả từ ô nhiễm môi trường.
Nỗi đau thiếu nước
Khi mô hình nuôi tôm trên cát đưa vào triển khai, đã có nhiều ý kiến khen chê khác nhau đối với mô hình này. Bà Nguyễn Thị Hòa, phó giám đốc Sở Thủy sản Khánh Hòa, nhớ lại: "Khi Bộ Thủy sản đưa ra chủ trương này, chúng tôi đã không đồng ý do lường trước các ảnh hưởng đến môi trường sinh thái từ việc nuôi tôm trên cát. Chúng tôi đã từng nuôi tôm trên nước lợ và phải trả giá về môi trường". Thế nhưng không phải tỉnh nào cũng kiên quyết không nuôi tôm trên cát để bảo vệ môi trường như Khánh Hòa.
Không chỉ hộ dân nhỏ lẻ lao vào nuôi tôm, các công ty trong nước và ngoài nước cũng lập dự án xin nuôi với qui mô vài chục đến vài ngàn hecta như: Công ty Việt Mỹ nuôi với qui mô 2.000ha ở huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy (Quảng Bình); Công ty CTI của Đài Loan với những dự án ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị với diện tích lên đến 5.000ha; Công ty Thiên Tân (Quảng Ngãi) với qui mô 27ha...
Theo tính toán của Viện Kinh tế và qui hoạch (Bộ Thủy sản), vùng cát của các tỉnh ven biển miền Trung thuộc vùng bãi ngang, phần lớn đều hoang sơ, chưa có vết tích của sản xuất công nghiệp nên môi trường nước biển rất sạch, lý tưởng cho việc nuôi tôm. Thế nhưng chỉ sau một vài năm hồ hởi đào ao nuôi tôm, người dân phải đối mặt với chuyện thiếu nước.
Chỉ nuôi có bốn sào tôm sú (khoảng 8.000m2), song hộ ông Lê Văn Lơ (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) phải khoan tới năm giếng nước ngọt, mỗi giếng sâu 12m, mỗi ngày bơm 5 tiếng mới đủ nước cho tôm. Mỗi tháng ông Lơ phải thay nước ba lần, mỗi lần bơm nước máy chạy hết 3-4 thùng dầu, mỗi vụ nuôi phải bơm nước hết gần trăm lít dầu. "Rứa mà hắn chết cứ chết, nuôi cái con tôm ni khó lắm", ông Lơ nói.
Theo Viện Kinh tế và qui hoạch (Bộ Thủy sản), một hecta nuôi tôm cần 15.000-20.000 m3 nước lợ mỗi năm. Thế nhưng khi về đến các vùng nuôi tôm trên cát, hầu như các vùng cát được qui hoạch để nuôi tôm đều không có nguồn nước hồ thủy lợi, chỉ có các ao hồ nhỏ không đáng kể. Cả doanh nghiệp lẫn người nuôi tôm đều sử dụng nước ngầm để nuôi tôm trên cát. Nếu cứ theo thống kê sơ bộ của Bộ Thủy sản, hiện cả nước có khoảng 20.000ha nuôi tôm trên cát thì lượng nước ngầm sẽ cần đến là… 400 triệu m3/năm.
Ở Ninh Thuận, tại các xã Phước Dinh, Khánh Hải, những hàng phi lao chắn cát cũng chết héo, giếng của người dân trong vùng bị khô cạn.
Trong cái nắng loang loáng như đổ lửa, cả dải đất khô hạn cằn cỗi, ít thấy bóng cây, chỉ có các đám cỏ bụi. Chúng tôi ghé nhà ông Võ Bảy nhấp ngụm nước trà ông Bảy rót mời, nghe mặn chát. Ông Bảy nói: "Bây giờ nước ở vùng này nhiễm mặn hết trơn rồi. Trước người ta gọi đất Ninh Thuận là vắt cát ra vàng, bây giờ vàng đâu chẳng thấy, chỉ thấy nước ở đây vốn khô hạn giờ càng trở nên khan hiếm".
Ông Lê Việt Can (thôn An Hải, xã Phước Dinh) cho biết sau khi phong trào nuôi tôm rầm rộ diễn ra ở các xã, nước giếng của các hộ sống trong vùng bị kiệt dần và nhiễm mặn. Thiếu nước dùng, ông phải đào giếng sâu đến hơn 30m nhưng vẫn không có nước.
Gia đình ông Can trước cũng nuôi tôm, khi nước không còn đủ cung cấp cho hồ, tôm bị bệnh phân trắng teo gan mà chết, ông bỏ luôn nghề. Các con ông thất nghiệp, chuyển sang nghề đi lấy nước về bán cho mọi người trong thôn. Ông xót xa: "Vì nuôi tôm mà để mọi người thiếu nước, tui xót lòng lắm".
Bằm nát cả dải cát miền Trung
Trải dọc suốt cả một vùng biển vài kilômet ở xã Đức Minh, Phổ An (Quảng Ngãi) là các ao tôm dày đặc. Những ao tôm trên cát ở đây phần lớn đều nằm phía sau những đồi dương xanh tốt, hầu hết đều có ống dẫn nước và ống bơm nước khá dài nối từ ao ra biển, còn chất thải từ các ao nuôi tôm cũng thông qua ống xả nhưng chỉ ra đến bãi cát.
Chất thải của tôm nhầy và tanh, bám thành từng mảng và chuyển sang màu xanh đen dưới nắng gắt. Những con sóng khi tràn bờ cuốn trôi luôn những mảng xanh đen đó, thế nhưng cũng có những khe chất thải không bị sóng cuốn, lâu ngày tạo thành những hố chứa nước đen trên bãi. Các hộ nuôi tôm nhỏ lẻ đẩy chất thải ra bãi, còn các công ty nuôi qui mô hàng chục hecta thì đào hố và thải chất bẩn lên đồi dương, khuất lấp trong các lùm cây.
Cả một vùng đồi dương mẹ Nghèng (Quảng Bình) 200ha bị chặt phá để nuôi tôm trên cát
Một cán bộ thuộc Sở Tài nguyên - môi trường Ninh Thuận cho biết gần như 100% các điểm nuôi tôm trên cát không có hệ thống xử lý nước thải. Nhận xét về cách xử lý chất thải theo kiểu này, TSKH Nguyễn Văn Trương - Viện Tài nguyên sinh thái - cho rằng nếu chỉ một vài hộ nuôi tôm xả bỏ chất thải kiểu đó thì không sao, nhưng vài chục ngàn hộ cùng thải nước như vậy ắt hẳn cả vùng biển bị ô nhiễm, nguồn nước biển lại thông với các cửa sông nên tác hại rất lớn.
Tác động từ môi trường nước trước hết nhắm vào các ao nuôi tôm khiến tôm bệnh, người nông dân nuôi trồng thủy sản phải tốn cả chục triệu đồng mua chế phẩm trị bệnh cho tôm, sau đó lượng thuốc trừ bệnh tôm này thải trực tiếp ra môi trường và tái gây ô nhiễm nguồn nước, tạo thành vòng luẩn quẩn ô nhiễm cho người nuôi tôm.
Khi phong trào nuôi tôm trên cát rộ lên, rất nhiều đồi dương dọc ven biển vốn rất đẹp cũng bị chặt phá xơ xác để làm hồ. Mặc dù các cán bộ ở UBND xã Đức Minh đều cho biết là chỉ cho phép xây hồ phía trước đồi dương, thế nhưng thực tế rất nhiều ao đều có dấu tích những gốc dương bị chặt phá. Một số nơi đồi dương còn được tận dụng làm các hố chôn nước thải. Ở dốc 10, xã Phổ An (Quảng Ngãi), phía trước một vùng đồi dương xanh mát chỉ còn trơ lại vài gốc cây.
Ông Phan Sưa, người nuôi tôm ở xã Bảo Ninh (Quảng Bình), kể rằng từ khi ông cùng với nhiều hộ trong xã chặt phá cả một vùng đồi dương ven biển để nuôi tôm, nắng và gió ở vùng đất này khắc nghiệt hơn. Khi gió Lào về, không có cây chắn, cát bay càng mù mịt. Dọc con đường trải dài từ Hải Ninh về Nhơn Trạch, một bên là biển, bên còn lại là các hàng rào bao quanh các ao nuôi tôm.
Cả một vùng hải đảo xã Hải Ninh nay chỉ còn vài hecta trồng dương, số còn lại đã bị khai phá để lấy đất. Không còn cây chắn gió nên mưa nắng ở đây cũng khắc nghiệt hơn. Mỗi khi trời dông, gió cuốn cát mù mịt, mưa nặng hạt theo từng cơn gió quất vào người đau đến tím mặt.
Nguồn tin THU THẢO |