Thiệt hại kinh tế của đại dịch cúm
Trong một báo cáo mới ra, Ngân hàng Thế giới tuyên bố rằng thiệt hại về
kinh tế có thể có của một đại dịch cúm toàn cầu là hết sức đáng quan
ngại.
Báo cáo nói kinh tế Đông Á vốn đã bị ảnh hưởng của virus cúm gia
cầm H5N1. Ngành chăn nuôi gia cầm chịu thiệt hại nặng nhất cho tới nay.
Thiệt hại vì bệnh dịch và các biện pháp kiểm soát như tiêu huỷ
gia cầm đã làm giảm từ 15 đến 20% lượng gia cầm tại những nước bùng phát dịch
mạnh nhất.
Những nhà sản xuất thức ăn cho gia cầm và các cơ sở kinh doanh
gia cầm là những hoạt động kề cận bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, người ta còn mất đi các nguồn cung cấp trứng, mặc dù
chuyện này phần nào có thể được bù đắp bằng việc gia tăng các sản phẩm từ lợn.
Báo cáo cho biết đối với Việt Nam, các thiệt hại là khoảng trên
0.1% thu nhập quốc dân.
Về mặt y tế, lo ngại lớn nhất là virus có thể biến đổi để
truyền từ người sang người. Nếu điều này xảy ra, nó còn gây ra thiệt hại lớn hơn
về kinh tế.
Theo bản báo cáo, ảnh hưởng trước mắt có lẽ là từ cái mà họ gọi
là thiếu các nỗ lực có phối hợp của các cá nhân để phòng tránh lây nhiễm.
Chuyện này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới các ngành dịch vụ
như du lịch và giao thông.
Báo cáo cho hay thiệt hại ngắn hạn của đại dịch viêm phổi cấp,
SARS, hồi năm 2003, là khoảng 2% thu nhập quốc dân tại Đông Á.
Đại dịch Sars đã giết chết 800 người, trong khi nếu đại dịch
cúm xảy ra, nó có thể giết hàng triệu người.
Ngoài những khuyến cáo này, báo cáo nói chung tỏ ra khá tích
cực, nói rằng các nền kinh tế Đông Á đã điều chỉnh tốt đối với một số cú sốc
nghiêm trọng gần đây, đặc biệt là chuyện dầu lửa tăng giá gấp đôi.
Theo VNY2K
- VIETNAM2000 |