Cúm gia cầm 24 giờ qua: 9 tỉnh thành đã "đỏ"!
Mới có 7 tỉnh công bố dịch, nhưng theo thông báo của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), cúm gia cầm đã lan ra 9 tỉnh, thành (trong đó có Hà Nội). Nhiều đàn gia cầm tiếp tục chết hàng loạt, cả ở tỉnh còn "an toàn" là Kiên Giang.
Thông báo mới nhất của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho thấy, từ 1/10 đến nay, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở 30 xã thuộc 22 huyện của 9 tỉnh, thành. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu huỷ là 29.022 con, trong đó 14.634 gà và 14.388 vịt.
Tuy nhiên, đến 16h chiều 10/11, mới có tỉnh thứ 7 là Hải Dương công bố dịch, bùng phát tại 5 xã thuộc hai huyện Chí Linh và Thanh Hà. Toàn bộ đàn gia cầm, thủy cầm bệnh đã bị tiêu hủy. Các thôn, xã thuộc vành đai dịch cũng đang khẩn trương tiêu độc, khử trùng các khu chăn nuôi và vệ sinh môi trường.
Đây đó, nhiều đàn gà vịt vẫn lần lượt nhận án "tử" của H5N1. Tại Quảng Nam, dịch lấn thên 2 xã, "quét" sạch 3 đàn gà. Ở tỉnh tưởng chưa phát dịch Kiên Giang, 200 con vịt của một hộ chăn nuôi ấp Thạnh Thắng, xã Thạnh Lộc huyện Giồng Riềng vừa đồng loạt chết chưa rõ lý do. Chúng được bỏ vào bao, vứt xuống sông; cơ quan chức năng phải vớt lên, mang đi tiêu huỷ.
Gia cầm chết được dân tự "huỷ" như vậy, gia cầm còn sống trong vùng dịch được "giải quyết" ra sao? Mức hỗ trợ chưa thỏa đáng cộng với tâm lý tiếc rẻ, "xót ruột" của bà con chăn nuôi đang khiến công việc khoanh vùng và gom gà, vịt để tiêu hủy gặp nhiều khó khăn. Một phần nguyên nhân, theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh, là do quy định hỗ trợ 15.000 đồng/con gia cầm bị tiêu huỷ chưa thỏa đáng với một số đối tượng hộ chăn nuôi.
Băn khoăn liên quan cúm gia cầm "nóng" 1, lo ngại về khả năng bùng phát đại dịch cúm A/H5N1 trên người "nóng" 10. Ở Vĩnh Phúc, nhiều đàn gà chết hàng loạt, gà vẫn "ngự" trên các mâm cỗ. Ở TP.HCM, gia cầm lậu vẫn được tuồn vào nội thành.
Điều dễ nhận thấy là có rất ít người có kiến thức thường thức liên quan cúm gia cầm, đặc biệt cúm A/H5N1 trên người. Cụ thể: Ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội, cả gia đình bệnh nhân vừa qua đời sau khi ăn lẩu gà, nhiễm H5N1 bị cô lập. Phụ huynh học sinh trường mầm non bên cạnh nằng nặc đòi chuyển địa điểm mới. Hàng xóm liên tục ăn tỏi để chống lây bệnh. Gia đình nạn nhân thì không cho cán bộ y tế phun thuốc khử trùng, với lý do các thành viên còn lại đều âm tính với H5N1.
Dư luận đặt câu hỏi: Đã đến lúc cần thiếp lập một đường dây nóng 11X cho người dân báo tin cúm gia cầm?
Trong khi cả nước chưa có số điện thoại 11X, 24h qua, hàng ngàn độc giả đã tìm câu trả lời cho thắc mắc và phát hiện của mình trong mục HỎI - ĐÁP và ĐƯỜNG DÂY NÓNG trên trang ĐẠI DỊCH CÚM của VietNamNet.
Theo VietNamNet
|