Cải thiện năng suất sinh sản heo nái
Trong công tác giống, muốn theo dõi, cải thiện một đặc tính sinh sản nào đó ở heo nái thì cần nghiên cứu các tính trạng liên quan có ảnh hưởng đến sức sinh sản của nái. Sức sinh sản của nái phụ thuộc vào các tính trạng: tuổi thành thục và tuổi phối lần đầu tiên, tỷ lệ đậu thai và tỷ lệ đẻ, thời gian chờ phối sau khi cai sữa, số lượng heo con trong một lứa…
Ở tuổi thành thục, thú cái thường có biểu hiện động dục và xuất noãn lần đầu tiên. Heo cái trưởng thành sinh dục khoảng 5 – 7 tháng tuổi. Tuổi thành thục thay đổi tùy theo giống. Heo lai có tuổi tàhnh thục sớm hơn heo thuần khoảng 11 ngày. Heo nái lai rụng nhiều trứng và có số con đẻ ra trên ổ nhiều hơn nái thuần. Heo cái có tuổi thành thục trễ nếu mẹ nó trưởng thành sinh dục trễ Tiếp xúc với nọc sẽ giúp nái hậu bị thành thục sớm hơn. Trong cùng một giống, nếu giao phối cận thân thì thành thục sinh dục sẽ chận hơn giao phối không cận thân. Ngoài ra, chế độ ăn tự do hay định lượng, mức năng lượng và tỷ lệ protein trong khẩu phần, yếu tố mùa vụ, thời gian chiếu sáng trong ngày cũng ảnh hưởng tới tuổi thành thục của nái.
Việc hoãn phối giống lần đầu tiên qua một hoặc hai chu kỳ động dục ở heo hậu bị sẽ giúp tăng số heo con sinh ra trong một lứa. Theo Leman (1992) nên phối giống heo hậu bị lúa 210 ngày tuổi với thể trọng 120 kg và ở chu kỳ động dục lần hai.
Tỷ lệ đậu thai ở heo lai thường cao hơn heo thuần và heo hậu bị thấp hơn heo nái rạ 10 – 15%. Gieo tinh nhân tạo có tỷ lệ đậu thai thấp hơn nọc phối 10%. Nọc phối kép với lần phối thứ hai cách lần phối thứ nhất từ 12 – 24 giờ sẽ cải thiện đáng kể tỷ lệ đậu thai. Tỷ lệ đậu thai thấp khi thời gian tiết sữa của lứa đẻ trước bị rút ngắn. Tỷ lệ đậu thai giảm 17% ở nái cai sữa heo con lúc 14 ngày tuổi so với khi cai sữa ở 28 ngày (Leman, 1992). Heo nái nuôi chuồng cá nhân có tỷ lệ đậu thai cao hơn heo nhốt theo nhóm. Nếu nhốt chung heo nái chữa trước khi chúng động dục thì tỷ lệ đậu thai giảm 7% Ngoài ra các yếu tố mùa vụ, nhiệt độ, kết cấu chuồng nuôi, bộ phận sinh dục bị nhiễm trùng… cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ đậu thai.
Theo King và Young (1957) khoảng 30 – 40% số noãn thụ tinh bị chết trong tử cung heo mẹ. Theo Perry (1960) tỷ lệ hao hụt càng cao khi trứng rụng càng nhiều. Gần đây người ta chú ý đến khả năng phân tiết của tử cung thú mẹ.
Ngoài ra, trong chọn lọc các tính trạng liên quan đến sinh sản ở nái, người ta còn quan tâm đến số noãn xuất, khả năng của tử cung, độ hữu hiệu của nhau thai… Thông thường các tính trạng sinh sản thuộc tính trạng số lượng, do nhiều cặp gen quy định, luôn có sự tương tác, liên kết hay tổ hợp giữa các gen.
Do đó, người chăn nuôi rất khó dự đoán thế hệ sau. Muốn dự đoán được thế hệ sau ta phải thông qua hệ số di truyền. Nghiên cứu các tính trạng ảnh hưởng đến sức sản xuất của một nái cũng như các hệ số di truyền liên quan đến các tính trạng đó giúp ta xác định đúng đắn hướng chọn lọc hay lai giống thích hợp. Hầu hết các tính trạng sinh sản có hệ số di truyền thấp và do các gen không cộng hợp quy định.
Do đó, việc chọn lọc sẽ không cho kết quả tốt bằng biện pháp lai giống, lai giống giữa các dòng khác nhau để tận dụng ưu thế lai (UTL), giúp cải thiện năng suất hiện có. Lai giống mang lại hiệu quả kinh tế. Chính lai giống tạo ra những tổ hợp lai mới mang những đặc tính tốt hơn những đặc tính cũ, là phong phú thêm vốn gen cũ, nâng cao các đặc tính tốt của giống.
Tùy thuộc vào năng lực quản lý, qui mô nọc nái, các tính trạng có được mà ta chọn hệ thống lai phù hợp. Trên cơ sở xác định các tính trạng cần cải thiện thông qua chọn lọc hoặc lai giống, cơ sở sản xuất cần xây dựng hệ thống thu thập số liệu để có thể ước lượng các thông số di truyền như hệ số di truyền, phương sai di truyền. Từ đó xây dựng khả năng ước lượng các giá trị gây giống, các chỉ số chọn lọc; tiến tới chuẩn hóa dòng đực, dòng cái trong hệ thống tháp giống theo phương pháp chọn lọc cá thể.
Theo www.vietfeed.org.vn |