Nuôi đà điểu
Nuôi đà điểu - Giàu to
Mãi đến năm 1994 những con đà điểu châu Mỹ (Rhea) đầu tiên được đưa vào
Việt Nam bằng con đường quà tặng. Đó là món quà của vườn thú Munster (CHLB Đức)
tặng Vườn thú Hà Nội và những con đà điểu này được đưa về nuôi trong công viên
Thủ Lệ. Sau một thời gian nuôi, những con đà điểu ở Thủ Lệ cũng bắt đầu đẻ
trứng. Năm 1996, ông Hoài Phương, một Việt kiều ở Australia, tặng Phó Thủ tướng
Nguyễn Công Tạn, khi đó là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn
(NN&PTNT), hai quả trứng đà điểu. Món quà liền được giao cho Viện Chăn nuôi.
Tháng 11/1996, sau chuyến công cán sang Zimbabwe, Phó Thủ
tướng giao tiếp cho Viện Chăn nuôi 100 quả trứng đà điểu Ostrich châu Phi do Tập
đoàn TATE & LYLE tặng. Số trứng này sau nở được 37 con cả khoẻ mạnh cả còi
cọc. Chỉ sau 5 năm thành lập, đến nay Trại Nghiên cứu Đà điểu Ba Vì đã có một cơ
ngơi rất khang trang trên khu đất rộng 15 ha ngay cạnh đường vào khu du lịch
Khoang Xanh cùng đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ đủ sức giải quyết mọi vấn
đề liên quan tới đà điểu.
Nuôi... vàng!
Đà điểu mới nở nặng chừng 1 kg. Sau ba tháng chúng nặng trên 20
kg và có thể bán ở dạng giống. Sau một năm chúng nặng tới 100 kg đủ tiêu chuẩn
bán thịt. Sau hai năm, đà điểu bắt đầu đẻ và đẻ trong vòng 50 năm. Đà điểu
Ostrich có thể sống được tới 70 năm.
Hiện nay, đà điểu bắt đầu được nhiều doanh nghiệp chăn nuôi tại
TP.Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Cần Thơ. Con giống đà điểu có tỷ lệ nở của trứng không
được cao, khoảng 40%. Vì thế giá một con 2 - 3 tháng tuổi khoảng 3 triệu đồng.
Trại giống Ba Vì đang có kế hoạch xuất khẩu giống đà điểu sang Lào. Thiết nghĩ,
đây là một tiềm năng trong chăn nuôi cần được phát huy thành thế mạnh, phổ biến
cho bà con nông dân trên khắp cả nước.
Đà điểu có thể chạy đạt tới tốc độ 50km/giờ trong vòng nửa giờ,
ở giai đoạn nước rút có thể tăng tốc lên 70km/giờ với sải bước dài 3,5 mét.
Hàng ngàn năm trước, người ta đã dùng da đà điểu làm một số đồ
vật. Năm 1860, việc thuần dưỡng đà điểu được bắt đầu tại Zimbabwe và Australia.
Sang thế kỷ 20, hàng loạt trang trại mọc lên không chỉ ở khắp Nam Phi mà còn lan
sang tận Algeria, Italia, Pháp, v.v... Năm 1970, nhà máy thuộc da đà điểu đầu
tiên trên thế giới được thành lập tại đây và từ đó da đà điểu trở thành loại da
cao cấp nhất.
Da đà điểu có chứa một loại mỡ đặc biệt nên không bị gãy, nứt,
cứng và khô. Nó bền và mềm gấp 5 lần da bò. Hiện 1m2 da đà điểu có giá 400 USD.
Còn ở Mỹ, một tấm da đà điểu rộng 1,2m2 giá 800 USD. Một đôi giầy làm bằng da đà
điểu bán không dưới 2.000 USD. Lông tơ đà điểu còn được dùng cho những quần áo
cao cấp. 1kg lông đà điểu chào bán với giá hơn 100 USD ở châu Âu, 1kg lông tơ
hơn 2000 USD. Vì lông đà điểu không tạo ra dòng tĩnh điện nên được làm những
chiếc bàn chải lau máy vi tính và những máy móc có giá trị khác. Chúng cũng có
thể được dùng để lau sạch những chiếc ô tô cao cấp trước khi đưa vào phun sơn.
Thịt và trứng đà điểu giàu dinh dưỡng và là món ăn hấp dẫn. Vỏ
trứng và móng, vuốt đà điểu có thể làm thành các đồ trang sức hoặc tác phẩm nghệ
thuật. Giác mạc đà điểu có thể dùng trong phẫu thuật để thay thế giác mạc của
con người. Gân đà điểu đã được cấy ghép thành công cho người. Mô và não đà điểu
là nguồn dược liệu quý, mỡ đà điểu có khả năng chữa bệnh thấp khớp, v.v..
Làm giàu - Sao không?
Là loại gia cầm khá dễ nuôi trong điều kiện khí hậu đất đai
Việt Nam, chỉ sau chưa đầy một năm tuổi, đà điểu có thể đạt trọng lượng 80 - 100
kg/con. Việc chăm sóc cũng như thức ăn của đà điểu khi được nuôi dưỡng tại nước
ta không khó khăn như một số loài động vật nhập ngoại khác. Thịt đà điểu được
bán với giá 60.000 đồng/kg và đang là loại thực phẩm được ưa chuộng tại nhiều
nhà hàng.
Đà điều cần một khoảng không gian rộng để chạy nhảy và rất...
sợ tiếng ồn. Bởi vậy, muốn nuôi đà diểu, điều đầu tiên là cần một khu đất rộng
và càng yên tĩnh càng tốt. Ngoài ra, là loài ăn tạp, nó có thể ăn bất kì thứ gì
từ gỗ vụn tới mảnh thuỷ tinh. Hàng ngày công nhân phải làm vệ sinh khu chăn nuôi
rất cẩn thận.
Sau tất cả những thử nghiệm và nghiên cứu, các nhà khoa học
Việt Nam đã khẳng định, Việt Nam có đầy đủ điều kiện để chăn nuôi đà điểu. Đến
nay những con giống cung cấp cho trang trại ở Hà Giang, Nghệ An, TP. Hồ Chí
Minh, Khánh Hoà, v.v..., đều sinh trưởng rất tốt. Đặc biệt, đàn đà điểu ở Khánh
Hoà bắt đầu đẻ trứng và tương lai có thể tự sản xuất được giống. Như vậy ở mọi
vùng, miền có thể nuôi được đà điểu, nhất là các tỉnh miền Trung có dải bãi cát
tự nhiên . Một con đà điểu trọng lượng ban đầu 1kg sau một năm nuôi với trọng
lượng 100 kg ăn hết 4 tạ rau cỏ, 4 tạ thức ăn tinh, cộng với tiền giống. Tất cả
khoảng 3 triệu đồng. Trong khi đó với giá hiện nay 60.000đ/kg, con đà điểu đó có
giá trị tới 6 triệu. Trừ mọi chi phí, người nuôi vẫn lãi tới 3 triệu. Mặt khác,
đà điểu rất ít khi mắc bệnh dịch nên tỉ lệ rủi ro thấp hơn rất nhiều so với gà,
bò.
Nuôi đà điểu ở Việt Nam: những tín hiệu đáng mừng
Kể từ năm 1999, Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Thụy Phương tiến
hành chăn nuôi và nhân giống đà điểu ở Việt Nam, người ta thấy đà điểu là giống
dễ thích nghi nhất đối với khí hậu Việt Nam so với các con giống nhập ngoại
khác. Đàn đà điểu Ostrich nhập từ Australia gồm 150 con hiện đã phát triển lên
hàng ngàn con. Giống này cho năng suất trứng, thịt, da, lông nhiều hơn các giống
đà điểu khác. Đến nay có thể khẳng định chúng có thể sống và sinh trưởng tốt ở
nước ta.
Điều kiện nuôi đà điểu khá đơn giản về thức ăn, chuồng trại.
Chủ yếu cần bãi chạy, sân chơi phủ cát để loài chim này có không gian sinh tồn
phù hợp. Thức ăn cho đà điểu gồm thức ăn tinh tận dụng từ nguồn thức ăn được chế
biến trong nước và thức ăn xanh được cung cấp qua việc trồng giống cỏ nhập ngoại
đã thích nghi ở Việt Nam.
Giá trị kinh tế của việc nuôi đà điểu khá cao. Đây là tiềm năng
lớn cho việc sản xuất thịt, da, lông đà điểu phục vụ cho chế biến thực phẩm và
đồ may mặc. Giá 1 kg thịt nạc đà điểu là 170.000 đồng. Một con đà điểu giống từ
3 đến 12 tháng tuổi có thể bán được từ 2,5 đến 6 triệu đồng. Hiệu quả của nuôi
đà điểu lớn hơn 5 - 8 lần so với nuôi bò và 1,5 - 2 lần so với nuôi lợn.
Năm 2002, Trung tâm cung cấp khoảng 1.500 con giống cho các
trang trại. Từ 150 con giống ban đầu, đến nay đàn đà điểu của Việt Nam lên tới
hàng ngàn con. Trung tâm còn nghiên cứu và xử lý các bệnh thường gặp ở đà điểu
một cách hiệu quả. Giống đà điểu của Trung tâm được xuất khẩu sang Lào. Đến nay,
đã có khách hàng từ một số nước như Pháp, Hàn Quốc sang khảo sát tình hình chăn
nuôi đà điểu tại Trung tâm với ý định hợp tác phát triển đàn đà điểu ở Việt
Nam.
Nuôi đà điểu làm giàu
Gia đình ông Nguyễn Thích ở đội 2B, nông trường Thanh Hà, huyện
Kim Bôi (Hoà Bình) đã nuôi 10 con đà điểu từ cuối năm 2002. Đây là giống đà điểu
châu Phi được Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thuỵ Phương lai tạo để nuôi lấy
thịt.
Loại đà điểu này nuôi trong thời gian ngắn, tăng trọng nhanh,
thịt ngon, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông mua về lúc mới 1 tháng tuổi, nặng
15kg/con với giá 2,5 triệu đồng/con. Đến nay sau 3 tháng nuôi, con lớn nhất đã
tăng 65kg. Ông đã bán 2 con cho các nhà hàng đặc sản ở Hà Nội thu về 30 triệu
đồng.
Chuồng trại nuôi đà điểu rất đơn giản, thức ăn gồm cỏ trộn với
cám, cứ 4-5kg rau cỏ cho tăng trọng 1kg. Ngoài thịt được bán với giá 300.000
đồng/kg, da đà điểu được thu mua với giá từ 400-600 USD/m2, lông đà điểu bán với
giá từ 100-200 USD/kg.
Ông Nguyễn Thích đang đầu tư để nuôi lứa đà điểu tiếp theo.
Chạy cùng đà điểu
Sau gần 5 năm có mặt tại Việt Nam không phải với tư cách là một
"của lạ" phục vụ "văn hoá nhìn" và "công nghiệp không khói" tại các vườn bách
thú mà là để phục vụ ngành nông nghiệp chăn nuôi, những chú đà điểu Ostrich hiện
đang cố vươn những bước chạy sở trường để đi từ trại chăn nuôi thí điểm ra đến
kinh tế hộ, chinh phục nhu cầu thịt sạch trên thị trường "chữ S". Mà bước dạo
đầu nhẹ nhàng của nó là sản phẩm giống và thịt đang được nhà cung cấp bán ra với
giá khuyến mãi (rẻ hơn 1/2 so với thế giới).
Đã qua công đoạn "nhập gia tuỳ tục"
So với thế giới, Việt Nam quả đã chậm hơn 30 năm trong việc
thuần dưỡng những chú chim khổng lồ không biết bay nhưng lại được dự đoán là
"nguồn thực phẩm sạch cho nhân loại ở thế kỷ 21" này. Với một số nước Châu Aẽ
như Trung Quốc, Malaysia, sự học hỏi này cũng đã được bắt đầu từ năm 1998. Nhà
"đà điểu học" Trần Công Xuân - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương
(thuộc Viện Chăn nuôi) cho hay, đà điểu được biết ở Việt Nam với tư cách là vật
nuôi chứ không chỉ là "của lạ để nhìn" thì phải bắt đầu từ tháng 11.1996.
Một ngày nọ, TATE & LYLE - một tập đoàn đa quốc gia có trụ
sở tại London xa xôi đã bất ngờ tặng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nước
ta một món quà hết sức độc đáo: 100 quả trứng đà điểu Châu Phi. Số trứng này sau
đó đã được giao xuống Trung tâm Thụy Phương để nghiên cứu từ khâu ấp đến quá
trình nuôi dưỡng. Tháng 8.1997, một cơ sở nghiên cứu và phát triển chăn nuôi đà
điểu thuộc trung tâm được xây dựng tại Ba Vì - Hà Tây và "xông chuồng" cho nó là
150 chú đà điểu giống, tầm 3- 4 tháng tuổi được nhập về từ Australia.
Anh Bạch Mạnh Điều - Trại trưởng Trại giống Ba Vì - phấn chấn
mở... cổng trại đón chúng tôi vào để "mục sở thị" gần 200 chú đà điểu đang được
nuôi tại đây. Đã qua rồi "cái thuở ban đầu... lo lắng ấy": Từng có lúc các anh
đã phải thở dài đưa một chú đà điểu lớn tướng đi chôn, hay những giây phút hồi
hộp chờ đợi một quả trứng khổng lồ sắp nở.
Đà điểu đẻ khá dày: Kéo dài từ đầu xuân đến cuối hè. Trung bình
một con mỗi năm đẻ được tầm 30 quả trứng... Thời gian ấp trứng trên dưới 40
ngày. Đà điểu phát triển bình thường và sinh sản đúng quy luật, sử dụng nguồn
thức ăn sẵn có và dễ kiếm ở Việt Nam - bấy nhiêu đủ là tín hiệu xanh cho thấy đà
điểu hoàn toàn có khả năng thích ứng được với điều kiện sinh thái Việt Nam, đặc
biệt là ở những vùng có địa hình dốc nhẹ và điều kiện chăn thả rộng rãi.
"Đi đầu đón tắt"
Ông Xuân bỏ già nửa buổi để ngồi "thuyết" cho tôi một "bảng ghi
công" dài dằng dặc về các công dụng của đà điểu. Nào là da để sản xuất ra áo da,
giày da, thắt lưng, ví, túi xách, bọc đệm mút sopha..., được đánh giá là đẹp và
bền hơn da cá sấu, bền gấp 3 - 5 lần so với da bò bởi đặc tính chứa một loại mỡ
đặc biệt nên không bị nứt gẫy, khô cứng... Một mét vuông da đà điểu trên thị
trường thế giới hiện nay trung bình vào khoảng 400USD! Một đôi giày bằng da đà
điểu thét giá 2.000USD; nào là lông tơ đà điểu (cùng với móng, vuốt và mỡ...)
được coi là nguồn nguyên liệu quý phục vụ thời trang cao cấp (trang trí quần áo,
mũ mãng, chế biến mỹ phẩm...).
Tính sơ sơ, trung bình một con đà điểu có thể cung cấp được 1kg
lông tơ. Giá 1kg lông thô đà điểu tại thị trường Âu - Mỹ hiện nay vào khoảng hơn
100USD, 1kg lông tơ trị giá hơn 2.000USD. Vỏ trứng đà điểu khắc chạm thành tác
phẩm nghệ thuật được bán với giá 70-150USD. Chưa hết, người ta còn từng vận dụng
cấy ghép thành công gân, giác mạc đà điểu vào người bệnh...
Nhưng đáng kể nhất phải kể đến thịt. Người ta đã tính ra rằng:
Một con đà điểu trưởng thành, một năm có thể sinh sản được từ 30-40 đà điểu con.
Sau 12 tháng nuôi, trọng lượng mỗi con có thể đạt trên 100kg. Tính ra một con đà
điểu mẹ một năm có thể sản xuất được 2-3 tấn thịt, gấp khoảng 1,5 - 2 lần so với
cung cấp của một lợn nái, so với bò cái là gấp khoảng 5 - 8 lần.
Theo một tài liệu khoa học mà ông Xuân cung cấp cho chúng tôi,
có một bảng số thống kê rằng: Ơ Mỹ hiện có 1,8 vạn con đà điểu, ở Australia có
1,4 vạn con, ở Nam Phi có 1,2 triệu con và ở Trung Quốc có khoảng 3.000 con. Các
nhà kinh tế cũng đã tính ra rằng: Nếu toàn thế giới hàng năm tiêu thụ trên 200
triệu tấn thịt các loại, thịt đà điểu chiếm 1% trong số này thì số đà điểu giết
mổ mỗi năm sẽ là 40 triệu con. Với đặc tính đề kháng cao, giàu protein và lượng
cholesterol thấp, thịt đà điểu được nhiều nhà sinh học trên thế giới đánh giá là
loại thịt sạch lý tưởng cho sức khoẻ của con người.
Trong bối cảnh diễn ra nhiều đại dịch thực phẩm: Bò điên, lở
mồm long móng... như vừa qua, đà điểu được dự báo là sẽ trở thành một nguồn thịt
quan trọng ở thế kỷ 21... Nằm trong chiến lược phát triển ngành chăn nuôi gia
cầm ở nước ta từ nay đến năm 2005 là phải đưa sản lượng thịt gia cầm lên tới
497.000 tấn - ông "đà điểu học" bấm máy tính cho hay - ở Việt Nam, số đà điểu
thịt nếu phát triển đến 100.000 con cũng mới chỉ đáp ứng được 10.000 tấn, chỉ
giải quyết 2% nhu cầu. Với tỉ lệ khiêm tốn đó, thịt đà điểu ở ta trong nhiều năm
tới vẫn sẽ được coi là một loại thực phẩm quý hiếm chứ chưa đến mức phải lo là
không có chỗ tiêu thụ. Chính vậy, đầu tư vào phát triển chăn nuôi đà điểu lúc
này âu cũng chính là một kiểu "đi đầu đón tắt".
Đầu ra cho đà điểu
Mặc dù vậy, nhà đà điểu học" vẫn nói rằng: Chừng nào chưa ổn
định được đầu ra thì còn chưa ai dám "xui" nông dân đầu tư vào chăn nuôi đà
điểu, phát triển kinh tế hộ và đưa đà điểu vào công nghệ sản xuất hàng hoá ở ta.
Phát triển một cách tự phát và chưa theo một quy hoạch cụ thể nào - đó là đặc
điểm nổi bật trong chăn nuôi đà điểu ở một số không ít vùng miền nước ta hiện
nay. Và nói gì thì nói, với thị trường trong nước, đà điểu hiện vẫn đang được
xem là thực đơn của những người giàu, dù theo ông Xuân, giá thịt đà điểu hiện
đang được bán ra từ trung tâm là với giá khuyến mãi và chỉ vào khoảng 1/2 so với
thế giới: Một kilôgam thịt hơi đòi giá 50 nghìn đồng (trên thị trường thế giới
là 80 - 120 nghìn đồng), một kilôgam thịt tinh là 150 nghìn đồng (giá thế giới
là 300 - 400 nghìn đồng).
Hiện nay ở Hà Nội, đã có tám nhà hàng trưng biển mời chào món
thịt lạ này như: Texmex (Giảng Võ), Phúc Lộc quán (Trần Quốc Toản), Song Hồ quán
(Tây Hồ). Và trong tám địa chỉ tiêu thụ hàng này, theo thông báo từ Phòng kinh
doanh của Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương, hiện chỉ có hai địa chỉ là
dám mua đà điểu nguyên con.
Theo anh Trần Huy Vương người quản lý ở Phúc Lộc quán (một
trong hai địa chỉ mới nói) - thì: Trung bình một con đà điểu có trọng lượng tầm
trăm cân, mua vào với giá 5 triệu đồng, bán ra cùng lúc tại ba địa điểm thuộc
nhà hàng có tốc độ tiêu thụ trong một tuần. Thực đơn từ đà điểu khá hấp dẫn và
phong phú với các món như: Đà điểu bíttết, đà điểu lúc lắc, đà điểu nướng vỉ, đà
điểu nướng xiên, gỏi, hấp, om, nấu xúp kèm gia vị thuốc bắc, gan, dạ dày hấp,
xào... Tại Phúc Lộc quán hiện nay, trung bình mỗi món xướng giá 50.000 đồng/đĩa.
Một mức giá mà theo anh Vương là không cộm hơn bao nhiêu so với các loại đặc sản
hiện hành khác tại Hà Nội như: Nhím, rắn, ba ba... nhưng cái bất cập trong chế
biến thực phẩm từ đà điểu nguyên con hiện nay ở ta đó là hầu như mới chỉ sử dụng
được khoảng 30% giá trị mặt hàng, còn những sản phẩm khác "nghe nói có giá trị
như da và lông... thì quả chưa biết cách tận dụng tiêu thụ thế nào".
Cần một quy trình chế biến và tiêu thụ đồng bộ, khép kín để vừa
tận dụng triệt để và tối đa hết mọi công dụng của đà điểu vừa giảm bớt giá thành
sản phẩm cho khách mua đà điểu nguyên con - đó là một yêu cầu song song đang
được đặt ra cùng với việc phát triển chăn nuôi đà điểu. Điều đó đòi hỏi phải có
thời gian, kinh nghiệm và quan trọng hơn cả là tìm kiếm đầu ra. Đáng kể nhất là
nguồn xuất khẩu. Sớm nhất, hiện đã có năm nước: Australia, Anh, Canada, Nhật, Mỹ
"đánh tiếng dạm ngõ" nhưng chưa đi vào trao đổi và ký kết hợp đồng chính
thức.
Để chạy được cùng đà điểu, và nhanh bằng nó, xem ra luôn là một
thách thức vậy!
Đà Lạt: Nuôi thử nghiệm thành công đà điểu châu Phi
Ông Kwieon Ki Duk (một doanh nhân Hàn Quốc) đã nuôi thử nghiệm
thành công đà điểu có nguồn gốc từ châu Phi tại Đà Lạt (ảnh). Ông đã mua 9 con
đà điểu (3 con đực, 6 con mái) từ một cơ sở tại TPHCM và thuê 2 sào đất ở chân
núi Phượng Hoàng (đường vào thiền viện Trúc Lâm, TP Đà Lạt). Sau hơn 6 tháng,
đàn đà điểu đã thích nghi tốt với khí hậu Đà Lạt, trọng lượng bình quân là
130kg/con và cả 6 con đã đẻ trứng (mỗi quả có trọng lượng từ 1 - 1,5kg). Theo
ông Kwieon, nếu chăm sóc tốt, cứ 10 ngày đà điểu sẽ đẻ 1 trứng. Mỗi quả trứng đà
điểu được thị trường mua với giá 50 USD. Bình quân mỗi con đà điểu tốn hết 3,5kg
thức ăn ngày gồm bắp, lúa và rau. Ông Kwieon dự định sẽ gầy dựng một trang trại
nuôi đà điểu khoảng từ 100 - 200 con và trồng sâm Hàn Quốc để xuất khẩu.
Bến Tre: Một nông dân đầu tư nuôi 3 con đà điểu
Ông Hứa Huy Hữu ở ấp Gia Khánh, xã Hưng Khánh Trung, huyện Chợ
Lách - Bến Tre đã mua 3 con đà điểu giá 40 triệu đồng về nuôi làm giống, mỗi con
đà điểu nặng 100kg. Đây là lần đầu tiên một nông dân ở Bến Tre đã mạnh dạn đầu
tư vốn, đưa con giống vật nuôi rất mới mẻ về ĐBSCL.
Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách, Nguyễn Ngọc Phong cam kết sẽ bảo
lãnh với Ngân hàng để hỗ trợ vốn vay khoảng 40-50 triệu để ông Hữu mua thêm 3
con đà điểu và khi đà điểu đẻ trứng, UBND huyện Chợ Lách sẽ mua tặng cho ông Hữu
một máy ấp trứng đà điểu!
Theo www.vietlinh.com.vn
|