Nuôi ếch đồng
Khi nghe tôi đặt vấn đề: "Tại sao trong lúc nhiều người đang nuôi ếch
công nghiệp với những giống ếch nhập ngoại lớn con, như: Ếch Thái Lan, ếch
Malaysia, ếch Cuba, ếch Panama, ếch Costarica... thì anh lại đi nuôi ếch đồng?".
Anh Nhổng, một thanh niên đang nuôi ếch đồng trả lời một cách
rành rẽ:
Tôi chọn ếch đồng để nuôi thử vì... nghèo, không có vốn đầu tư
nuôi ếch ngoại. Và con ếch đồng của mình dễ tiêu thụ, có bao nhiêu bán cũng hết,
mặc dù ếch đồng nhỏ hơn ếch Thái, nhưng cặp đùi nó to hơn và ngọt thịt, phù hợp
với thị hiếu của nhiều người.
Câu trả lời của anh nông dân trẻ ở ấp Thới Sơn, xã Bình Hòa,
huyện Vĩnh Cửu làm tôi chợt nhớ đến một tài liệu về nuôi ếch công nghiệp của thế
giới. Trong đó có chi tiết: "Ở Ấn Độ ngoài việc nuôi ếch bò" (Rana Catesbeina),
còn nuôi thêm ếch đồng (Rana Tigrina Rugoloss) để lấy đùi xuất khẩu". Và: "Tại
nhiều nước Âu - Mỹ, nhu cầu nhập ếch sống và đùi ếch đông lạnh mỗi năm cứ tăng
dần, năm sau tăng hơn năm trước, (khoảng 15%/năm). Năm 2000 vừa qua, Pháp nhập
hơn 7.500 tấn đùi ếch đông lạnh, các nước châu Mỹ cũng đang cần nhập một số
lượng lớn thịt ếch, đa phần là đùi ếch đông lạnh. Được biết, giá đùi ếch đông
lạnh trung bình 10 USD/kg, còn ếch sống có giá 2,5 USD/kg".
Thì ra, từ thực tiễn cuộc sống anh nông dân này đã xác định giá
trị chủ yếu của con ếch đồng nằm ở cặp đùi.
Từ một cao thủ câu ếch trở thành người nuôi ếch!
Năm nay 31 tuổi, Hồ Văn Hóa được người dân ở Bình Hòa biết đến
với cái tên thường gọi là Nhổng. Nhà nghèo, vợ đi làm công nhân và đã có 2 con,
Nhổng bèn xin vào đội vác lúa của xã Bình Hòa. Với sức vóc mạnh khỏe, khi vô vụ
có ngày anh được chia cả trăm ngàn đồng tiền công. Vậy mà đêm đêm anh còn đi câu
ếch, bẫy chồn và đã có hàng trăm con chồn bạc má bị dính bẫy tự chế của anh.
Nhưng anh Nhổng nổi tiếng nhất là tài câu ếch. Chỉ cần đi ngang qua đám ruộng bờ
mương là anh có thể xác định được chỗ đó có nhiều ếch hay không và thậm chí còn
xác định được ếch lớn hay nhỏ qua tiếng kêu cũng như dấu mòn trước hang. Hàng
đêm, với 50 cần câu gắn mồi nhử tẩm thuốc có mùi dẫn dụ, anh kiếm được từ một
đến vài ba kg ếch thật dễ dàng. Việc cung cấp ếch thường xuyên cho các quán nhậu
làng du lịch sinh thái ở chợ Bình Hòa có một phần không nhỏ là ếch do anh Nhổng
câu được.
Hai ba năm gần đây, số lượng ếch ở Bình Hòa câu được cứ giảm
dần, ngay cả những con ếch to cỡ 3-4 lạng/con thường đào hang sống rải rác ở các
hàng rào, hầm cá... cũng vắng bóng. Bởi có nhiều tay câu ếch trẻ xuất hiện và
những người đi soi cá cũng tranh thủ bắt ếch bán với cái giá khá cao so với các
loại cá, cua... Điều này đã làm cho anh Nhổng suy nghĩ: "Ếch ngoài thiên nhiên
bị đánh bắt ráo riết đã cạn kiệt, trong khi nhu cầu tiêu thụ ngày một lớn, sao
mình không thử nuôi ếch để chủ động cung ứng cho thị trường?". Những thông tin
về nơi này nơi kia nuôi giống ếch ngoại với phương pháp công nghiệp làm cho anh
hết sức chú ý.
Nhưng khi biết giá giống ếch ngoại vừa đắt tiền vừa có nhược
điểm là bụng to, đùi nhỏ, lại ăn thức ăn chế biến sẵn khá tốn kém, anh Nhổng
quyết định... "ta về ta tắm ao ta". Trên mảnh vườn trồng chôm chôm nằm cạnh nhà
rộng chừng 2 sào đất, anh đào hai cái hầm có chiều dài 10 mét, ngang 5m rồi mua
lưới ny-lông về bao quanh. Vào đầu mùa mưa vừa rồi, anh đi câu ếch con loại bằng
ngón tay đem về thả vô hầm để nuôi. Có ngày anh nhập được vài chục con, có hôm
lên đến cả trăm con, cứ thế anh thả hết vào hầm. Tính ra trong suốt mùa ếch con,
anh Nhổng đã lần lượt thả vào hầm tất cả hơn 1.400 con ếch con. Nắm khá vững tập
tính của loài ếch đồng là chúng rất thích ăn các loài côn trùng và ốc, nhái, bù
tọt... nên đêm nào anh Nhổng cũng đi soi bù tọt và bắt ốc về cho chúng ăn.
Thấy anh Nhổng nuôi ếch đồng một cách quá đơn giản, trong đó
nguồn giống và thức ăn đều sẵn có tại chỗ, nhiều cán bộ ở xã và bà con chung
quanh đến xem. Có một người ở cùng ấp đã từng đào hầm và xây tường gạch để nuôi
ếch bị thất bại, tò mò đến nhìn và hỏi Nhổng:
- Tao xây tường kiên cố như vậy mà nuôi ếch không xong vì bị
cua khoét lỗ, rắn bò vô ăn hết ếch. Mày làm đơn giản như vầy thì làm sao mà nuôi
ếch được?
Kết quả bước đầu
Sau 4 tháng rưỡi nuôi thử ếch đồng (dài hơn nửa tháng so với
phương pháp nuôi ếch công nghiệp), vào hạ tuần tháng 9 vừa rồi, anh Nhổng đã bắt
đầu thu hoạch. Hơn 1.400 ếch con thả nuôi, nay chỉ còn chưa đến 500 con ếch
trưởng thành với trọng lượng không đồng đều (cỡ chừng 4-5 hoặc 7-8 con/kg). Bán
ra với giá 35.000đ đến 38.000 đồng/ kg, anh thu được hơn 3 triệu đồng. Cầm số
tiền bán ếch trên tay anh Nhổng lẩm nhẩm: "Vậy là bị... lỗ công! Vì tính ra một
ngày đi bắt bù tọt, ốc... nuôi ếch chỉ có hai mươi mấy ngàn đồng, trong khi đi
vác lúa có ngày cả trăm ngàn...". Nhưng rồi anh lại cười vui vẻ ngay, vì theo
anh, việc nuôi thử vụ ếch đầu tiên này anh lời được nhiều thứ lắm. Lời ở đây là
lời về kinh nghiệm.
Chẳng hạn, khi thả ếch con thì nhiều mà thu hoạch ếch lớn ít là
do ếch giống anh đưa vào nuôi không đồng đều nên xảy ra tình trạng ếch lớn ăn
ếch nhỏ, làm cho số lượng ếch nuôi bị tiêu hao rất lớn. Bên cạnh đó, việc cho ăn
cần bảo đảm đầy đủ, kịp thời, vì có những lúc vào vụ thu hoạch anh phải đi làm
đến tối mịt mới về nhà, đàn ếch bị bỏ đói dẫn đến chúng ăn thịt nhau. Một kinh
nghiệm nữa được anh rút ra là nuôi ếch đồng nên che phủ bằng cây, cỏ và giữ yên
tĩnh thì ếch mau lớn và có màu da xanh đen rất đẹp, còn ếch nuôi ngoài trảng
trống chậm lớn màu da vàng ệch, rất xấu!
Nuôi ốc bươu để tăng vụ nuôi ếch!
Anh Nhổng tiết lộ với chúng tôi một chi tiết mà anh cho là rất
thú vị:
- Thấy thiên hạ nuôi ếch công nghiệp bằng cách cho ăn thức ăn
chế biến sẵn rất thuận lợi tôi cũng mua thử một bao đem về trộn với ốc đập nhỏ
thả xuống bè thì thấy đám ếch chụp con ốc rồi quẹt cho thức ăn trộn sẵn ra hết
mới chịu ăn. Từ đó, tôi biết cái món ăn khoái khẩu nhất của ếch đồng chính là
ốc, bù tọt, chớ không phải thức ăn vo viên. Mà nói thật, một ngày mua một bao
thức ăn gần trăm ngàn đồng cho 500 ếch nuôi tôi cũng không đủ sức... còn ốc, bù
tọt thì sẵn có tại chỗ. Mỗi tối tôi đi một vòng là hốt về hàng bao ốc bươu
vàng.
Anh Nhổng cho biết thêm rằng: Bây giờ ở nhiều nơi người ta đang
kêu trời về con ốc bươu vàng. Còn anh từ ngày nuôi ếch đồng đến giờ, muốn kiếm
con ốc này đã bắt đầu thấy khó. Do đó, anh đang khoanh kín lại một cái hầm để
nuôi ốc bươu.
Ốc bươu chỉ ăn cỏ và rất mắn đẻ. Trong mùa mưa, chúng đẻ đến
2-3 đợt, nhưng vào mùa nắng nước cạn, ốc bươu chui xuống sình rất khó kiếm nên
anh phải nuôi để chủ động nguồn thức ăn chủ lực này!
Anh nói: "Khi tạo được nguồn thức ăn chủ động tại chỗ trong mùa
nắng tôi sẽ đưa việc nuôi ếch thiên nhiên lên 2 vụ trong năm, chứ không phải chỉ
nuôi một vụ vào mùa mưa như vừa rồi. Và lần này tôi cũng sẽ mở ra 10 hầm nuôi
ếch để bảo đảm độ đồng đều của đàn ếch ở mỗi hầm và tiến tới, mua gạch mộc xây
thành từng ngăn để nuôi ếch đồng theo lứa. Chỉ cần xây gạch cao 1 mét là ếch
không nhảy ra được, đồng thời có thể ngăn chặn nạn cua đào hang và rắn nước lợi
dụng hang này để chui vào hầm ăn ếch. Vì hầm nuôi ếch nào bị rắn thâm nhập thì
một thời gian sau chỉ thu hoạch được toàn rắn là rắn".
Việc nuôi thử ếch đồng có nhiều triển vọng thành công của anh
Nhổng là một tín hiệu đáng mừng trên đồng ruộng Bình Hòa hôm nay. Từ kết quả
nuôi thử ếch đồng của anh Nhổng, một thanh niên cùng ấp vừa hoàn thành nghĩa vụ
quân sự về đã học tập và mua của anh Nhổng 500 con ếch về nuôi đang phát triển
tốt.
Theo Báo Đồng Nai.
|