Nuôi bò gầy cơ nghiệp
Ông bà ta có câu “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Còn với nhiều nông dân ở
ấp Phúc Lộc 1, xã Trung Nhứt, huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ, con bò đang ngày càng
trở nên gần gũi vì đã giúp họ thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ nhiều năm qua.
Không chỉ nuôi riêng lẻ, bà con ở đây đã xây dựng nhiều tổ chăn nuôi bò để giúp
nhau khá, giàu…
Những người mở đường
Gần đến “xóm nuôi bò” người
ta đã nghe những tiếng “ụm bò...” vang vang, phá tan sự tĩnh lặng của vùng quê
yên ả. Dọc theo Rạch Rít, nhiều xuồng ghe xuôi ngược tỏa đi khắp nơi để tìm cỏ
cho bò. Tôi cùng với ông Phạm Văn Huống, một lão nông có thâm niên trong nghề
nuôi bò ở đây, tản bộ trên bờ rạch. Gặp ông Huống, một lão nông chèo ghe đi cắt
cỏ, cất giọng hỏi: “Ông không đi cắt cỏ sao? Bữa nay tụi tôi vô tận Thạnh Phú để
cắt cỏ đây!”. Ông Huống hạ giọng nói với tôi: “Ở đây bây giờ không còn nhiều cỏ,
vì vậy nhiều người phải chèo ghe ngót chục cây số lên tận Thạnh Phú để cắt cỏ.
Nghề nuôi bò vất vả lắm!”.
Năm nay 63 tuổi, mái tóc đã bạc trắng, nhưng trông ông Huống
thật khoẻ mạnh, hoạt bát. Chèo ghe mỏi cả đôi tay ông mới tìm được vạt cỏ non
cặp bờ kinh. Ông nhanh nhẹn lên bờ, đưa lưỡi hái cắt những vạt cỏ non nghe rào
rào, ngọt lịm. Từng nắm cỏ xanh mượt được bó lại, lần lượt nằm gọn trong lòng
xuồng. Vừa cắt cỏ ông vừa kể chuyện. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo,
nhà không cục đất cắm dùi, 14 tuổi ông đã phải nối nghiệp cha đi chăn bò, dắt bò
đi cày mướn để đổi lấy chén cơm. Những tháng ngày nếm trải cuộc sống khổ cực ấy
đã giúp cho lão nông Phạm Văn Huống tích lũy nhiều kinh nghiệm quí giá trong
việc nuôi bò.
Cầm nắm cỏ non mượt trên tay, ông Huống giải thích: “Cắt cỏ cho
bò phải cắt vào buổi sáng, lúc ấy cỏ thật tươi và non. Nhất là phải tìm cho được
giống cỏ mồm xanh, loại này bò rất thích và ăn rất mau lớn”.
Trước đây, ở Phúc Lộc 1 chỉ độc canh cây lúa, nhiều hộ nông dân
mấy đời nuôi bò để cày bừa, kéo lúa... Gần đây, khi máy móc phục vụ cho sản xuất
nông nghiệp ngày càng hiện đại, con bò không còn đáp ứng được việc cày bừa, số
lượng đàn bò trong ấp giảm dần. Đến năm 2000, chương trình khuyến nông khuyến
cáo bà con nuôi bò làm giàu, nhiều địa phương đẩy mạnh phong trào nuôi bò thịt,
thì ông Huống, ông Xướng, ông Phơ – những người bạn nối khố, đã từng một thời đi
chăn bò – có ý định nuôi bò thịt. Các ông tập hợp những lão nông có kinh nghiệm
để bàn chuyện thành lập tổ chăn nuôi. Đề nghị này được xã chấp thuận.
Năm 2001, tổ chăn nuôi bò đầu tiên được ra mắt với 10 thành
viên. Lúc đó, người thì lo mời kỹ sư về hướng dẫn cách nuôi, người thì hướng dẫn
các thành viên làm chuồng trại... Riêng ông Huống, ông Xướng, ông Phơ có nhiều
kinh nghiệm nên được phân công đi mua bò giống. Ông Hà Văn Phơ, hiện là tổ
trưởng tổ chăn nuôi bò số 2 của ấp, kể: “Lên đến Tri Tôn, An Giang tưởng được
mua bò chính hiệu, nào ngờ đây là nơi tập hợp đủ giống bò từ nhiều nơi chở đến.
Đang phân vân, có người dắt đàn bò đến gạ bán. Thấy bò đẹp, giá
rẻ, tôi định mua. May nhờ có ông Huống giàu kinh nghiệm mới thoát nạn. Thì ra,
đó là giống bò sống gần biên giới, chịu nước lợ. Khi mang về vùng nước ngọt thì
bò chậm lớn và tỷ lệ rủi ro rất cao. Quanh quẩn cả ngày trời, chúng tôi mới tìm
được giống bò tốt để mang về”. Nhờ chuẩn bị chu đáo từ kiến thức chăm sóc, làm
chuồng trại đến chọn bò giống, nên đợt bò đầu tiên nhiều hộ nuôi đạt hiệu quả
cao. Trong đó ông Hà Văn Phơ và ông Phan Văn Săng thu lãi gấp 3 lần so với số
vốn 3 triệu đồng đã bỏ ra.
Thoát nghèo
Từ một tổ nuôi bò được thành lập năm 2001,
đến nay phong trào nuôi bò của ấp đã “nở nồi” thành 3 tổ với tổng số 38 thành
viên. Ngoài những lão nông có kinh nghiệm, nhiều nông dân chưa biết gì về nghề
nuôi bò cũng nhập cuộc. Ông Võ Văn Nhường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Nhứt,
cho biết: “Trong 4 năm qua, Hội Nông xã kết hợp cùng Ngân hàng giải ngân 4 dự án
với số tiền trên 250 triệu đồng, giúp các hộ nuôi bò có vốn mở rộng chăn nuôi.
Nhờ đó nhiều hộ thoát nghèo, trong đó có những hộ không có ruộng đất sản xuất
cũng từng bước ổn định cuộc sống”.
Ông Nguyễn Văn Cọt là một trong những nông dân ở Phúc Lộc 1
thoát nghèo nhờ nuôi bò. Khi chúng tôi đến nhà, ông cũng vừa đi cắt cỏ về. Chưa
kịp ráo mồ hôi, ông Cọt đã vội xắn quần, tất bật quét dọn, vệ sinh chuồng rồi ôm
cỏ đến cho đàn bò ăn. Trong chuồng đàn bò tơ béo tròn, lông vàng óng tranh nhau
ngấu nghiến từng mớ cỏ. Khẽ vuốt ve lưng còn bò lớn nhất đàn, ông Cọt bộc bạch:
“Nhờ đàn bò, mấy năm qua gia đình tôi vượt qua đói nghèo”.
Theo từng lời kể, gương mặt sạm đen, hằn sâu những vết nhăn vốn
đã khắc khổ của ông Cọt càng đượm thêm vẻ trầm tư. Ký ức về những ngày khó khăn
chợt quay về. Nhà nghèo, không ruộng đất, ông Cọt đi làm mướn quanh năm cũng
không đủ tiền lo cho 6 đứa con ăn, học. Thấy gia đình quá khó khăn, thiếu tư
liệu sản xuất nên ông Huống, ông Xướng vận động ông vào tổ chăn nuôi bò, bảo
lãnh cho ông được vay vốn sản xuất. Ông Cọt nhớ lại: “Lúc ấy vay được 3 triệu
đồng, chi phí làm chuồng hết 500 ngàn đồng. Số tiền còn lại chỉ đủ mua đôi bò
nhỏ. Vợ tôi than ngắn thở dài.
Nhưng được anh em tận tình hướng dẫn, hễ thấy bò ăn ít, không
linh hoạt là cho thuốc điều trị, nên ngay đợt nuôi bò đầu tiên tôi lời được 4
triệu đồng”. Từ tiền lời và tiền dành dụm khi đi làm mướn, ông Cọt tiếp tục đầu
tư vào đàn bò. Đến nay đàn bò gia đình ông đã lên đến 12 con.
Cũng như ông Cọt, anh Nguyễn Hồng Rước xuất thân trong một gia
đình nông dân nghèo, ít ruộng đất. Anh phải chuyển nhượng hợp đồng sản xuất lại
cho người khác. Anh và các con sớm tối lam lũ đi làm thuê kiếm sống. Thấy nhiều
người trong xóm nuôi bò đạt hiệu quả, năm 2003 anh “làm gan” cầm cố 3 công đất
của ông bà để lại để có vốn mua bò về nuôi.
Được anh em trong tổ chăn nuôi bò hỗ trợ về kỹ thuật, sau 12
tháng nuôi, mỗi con bò của anh nặng gần 300 kg, bán thu lãi trên 7 triệu đồng.
Đúng thời điểm này, Hội Nông dân xã bảo lãnh cho anh vay thêm 7 triệu đồng để
đầu tư tiếp vào đàn bò, đồng thời mở rộng nuôi thỏ và cá. Anh hớn hở: “Nhờ đầu
tư đúng mô hình và được anh em hướng dẫn kỹ thuật tận tình nên gia đình tôi hiện
đã thoát nghèo. Điều tôi mừng nhất là tôi đủ điều kiện để đứa con út được đến
trường, không phải chịu thiệt thòi như các anh, chị của nó...”.
Phát triển lâu dài...
Khác với nhiều thành viên của các tổ chăn nuôi bò phải ngày
ngày đi cắt cỏ, ông Hà Văn Phơ dành hẳn một khu đất trồng cỏ mồm xanh để cho đàn
bò nhà ăn. Ông nói: “Khi quyết định phát triển đàn bò thì tôi đã nghĩ đến chuyện
trồng cỏ cho bò ăn. Bởi vì số người nuôi bò càng lúc càng tăng, nguồn cỏ thiên
nhiên sẽ cạn kiệt, lúc đó lấy cỏ đâu cho bò ăn?”. Nghĩ vậy, nên mấy năm trước dù
còn lắm khó khăn, nhà chỉ có 4 công ruộng nhưng ông Phơ quyết định dành 1.000 m2
đất để trồng cỏ. Chỉ vài tháng, khu đất trồng cỏ đã xanh mượt, cứ cắt ở đầu bờ,
cuối bờ đã lên um tùm. Nhờ vậy mà giờ đây, khi nhiều người phải chèo ghe cả chục
cây số đi khắp nơi tìm cỏ cho bò, ông Phơ vẫn chủ động được nguồn cỏ cho bò
ăn.
Việc trồng cỏ nuôi bò của ông Phơ hiện nay được thành viên các
tổ chăn nuôi bò trong ấp rút kinh nghiệm, nhân rộng ra. Lợi ích đã thấy rõ, tuy
nhiên khó khăn hiện nay là nhiều hộ nuôi bò nhưng không có ruộng đất, nên không
thực hiện được mô hình này.
- Đàn bò ngày càng tăng nhanh, vậy việc tìm đầu ra cho các tổ
nuôi bò có gặp khó không? – tôi hỏi.
Nhấp một ngụm trà, ông Phơ nói tự tin: “Nhiều nơi đang gặp tình
trạng tư thương mua bò ép giá, người nuôi lỗ lã. Nhưng ở đây chuyện đó chưa có
và khó xảy ra, vì chúng tôi có cách làm riêng của mình”. Để chứng minh điều vừa
nói, ông Phơ giở cho chúng tôi xem quyển sổ tay ghi tên họ và địa chỉ của nhiều
thương lái thu mua bò ở Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, TP. Hồ Chí Minh... Ông Phơ
nhớ lại: “Lần đầu tiên tìm mối để bán bò, tôi lặn lội khắp nơi, từ Long Xuyên
đến Đồng Tháp, ở đâu cũng tìm hỏi thăm các lò giết mổ gia súc... Nhờ chịu khó
lúc đầu, bây giờ thì khỏe, cần bán bao nhiêu bò chỉ cần nhấc điện thoại...”.
Rõ ràng, trong từng bước đi lên của những nông dân nuôi bò ở
Phúc Lộc 1 thể hiện sự nỗ lực của mỗi gia đình, sự đùm bọc giúp nhau của các
thành viên. Tuy nhiên, những người nuôi bò ở đây cũng rất cần sự hỗ trợ của các
ngành, các cấp, nhất là về vốn và kỹ thuật – để nghề chăn nuôi bò thật sự phát
triển lâu dài...
Theo HOÀI THU (Báo điện tử Cần Thơ)
|