Chuyện chưa biết về những người thầy
Từ khi có con giống sinh sản nhân tạo và quy trình ương nuôi hiệu quả, ngư dân miền Tây giàu lên nhờ con cá. Từ sản lượng 15.000 tấn/năm 1998, nay đã lên 300 ngàn tấn/năm (xuất khẩu hơn 70%). Và cả những chiếc máy thay trời làm khô lúa cho cả vùng châu thổ sông Cửu Long… Nhưng đến nay, nhiều người vẫn chưa biết cha đẻ thật sự của nó là ai.
Sự mất tích của những dải lúa vàng
“…Chú à, những năm gần đây, về vùng đồng bằng, hiếm khi thấy những dải lúa vàng rực chạy dài trên quốc lộ 1, từ Bình Chánh đến Long An, dọc xuống Tiền Giang, sông Hậu…”. Nghe tôi nhắc lại cảnh xưa của đất chín rồng, ông Mười Đen (ông tên thật là Văn Công Một), chủ nhà máy sấy lúa Tấn Tài ở cầu Tân Hương (thị xã Tân An, tỉnh Long An) phấn chấn: “Dễ chừng 7 - 8 năm rồi, vùng này không còn cảnh lúa phơi la liệt trên mé lộ, nhớ lại cái thời trông nắng ngó mưa đặng canh lúa mà muốn đổ mồ hôi…”.
Tay cầm chiếc que sắt, vừa cời lửa trong chiếc lò đang đỏ rực, ông Mười vừa chỉ vào hệ thống sấy lúa nói giọng tự hào: “Ai mà dè có ngày mình cũng chế được cái máy mà ông trời có muốn hành nông dân thêm cũng chịu thua…”.
Ông kể, giọng miền Tây trầm đục: Trước đây, nhà tui xay lúa thuê cho bà con trong vùng, cái nhà máy diện tích 500m2 này lúc đó là cái sân phơi lúa, trời thương cho nắng hai ngày liền thì lúa đủ khô, nhưng gặp bữa ui ui thì 10 ngày cũng vậy, mà đợt nào mưa thì coi như mất hết.
Nhớ mấy năm dân thu hoạch vụ hè-thu, vừa gặt xong bày ra phơi thì trời đổ mưa suốt một tuần liền. Tới chừng mưa tạnh đem phơi lại, trời ơi, lúa ở trên lộ nẩy mầm, ra rễ xanh um, bà con khóc ròng…
Gặp mưa, xui thì chịu, nhưng ngặt nỗi, cứ hễ gặt xong, thấy dự báo trời có thể mưa là lúa rớt giá, có vụ lúa rớt năm ba trăm đồng/ký, từ 1.400/ký xuống còn 800 đồng/ký mà không lái nào muốn mua, nông dân kêu trời không thấu…
Ông dẫn tôi tới gần chiếc lò hình trụ mà một công nhân vừa đổ trấu vào làm nguyên liệu đốt, tiếp tục câu chuyện: Hồi đó, tui nghe nói khi tăng vụ hè-thu trên diện rộng, nhiều tỉnh mất hơn 40% lúa sau thu hoạch, có nơi mất 90% đậu nành vì mưa bão kéo dài.
Lúc ấy, mấy thầy Trường ĐH Nông Lâm TPHCM có chế tạo ra máy sấy lúa cho tỉnh Sóc Trăng. Ban đầu là máy loại 2 tấn/mẻ và sau là 8 tấn/mẻ. Hai máy này sấy được 600 tấn, lập kỷ lục đầu tiên phục vụ sản xuất với lượng lớn như vậy. Lúc đó, chưa có máy nào, kể cả máy ngoại nhập sấy được vài chục tấn lúa ẩm. Từ cái máy này, bà con nhiều tỉnh ở đồng bằng này mới học theo cải tiến thêm, đặng rẻ tiền hơn, nhưng sấy lúa hay bị khét…
Tới chừng tui lắp đặt lò, năm 1996, là máy sấy được mấy thầy cải tiến thêm nhiều lắm. Kể từ khi có máy, bất luận ngày hay đêm, trời mưa hay bão gì bà con cũng không sợ lúa hư. Mà máy này ngon, lúa sấy khô đều, xay ra còn nguyên hạt không mẻ một miếng. “Dzậy mới xuất khẩu được chớ…” - ông tự tin nói.
Vẫn giọng miền Tây trầm đục, nhưng khi kể đến đoạn có máy sấy, ông Mười hào hứng hẳn: “Bây giờ vùng này nhà máy nào cũng lắp đặt máy sấy của mấy thầy Nông Lâm (của Trường Đại học Nông Lâm TPHCM - PV). Hồi nẳm tui đi dự hội nghị khuyến nông, nghe đâu cả vùng đồng bằng này lắp được 6.000 máy sấy vỉ ngang của mấy thầy rồi…”.
Ông tiếp: “Tui nói thiệt, nông dân khóc vì mất mùa là chuyện ai cũng biết, nhưng khóc vì mất lúa sau thu hoạch thì không phải ai cũng hiểu được cho… Trước đây, giá lúa nhiều khi rớt thê thảm vì hai nguyên nhân: do xuất khẩu và do thời tiết. Bây giờ thì lúa không còn rớt giá vì thời tiết nữa…”.
Tôi rời nhà máy ông Mười Đen mang theo nỗi niềm của người nông dân và những câu hỏi về chiếc máy sấy. Nhớ có lần dự hội nghị nghiên cứu khoa học khối Nông lâm ngư toàn quốc, tôi nghe thông tin về chiếc máy sấy của Nhà giáo ưu tú - TS Phan Hiếu Hiền và học trò của ông đã được chuyển giao kỹ thuật cho 5 nước trong khu vực.
Trong đó Philippines là nước có nhiều nghiên cứu về sấy và cũng đã ra đời nhiều mẫu sấy. Nhưng một trong những chiếc máy sấy của Trường ĐH Nông Lâm lại được Viện Nghiên cứu lúa Philippines chuyển giao nhiều nhất cho người dân nơi đây sử dụng.
Tại hội nghị đó, giữa hàng trăm thành quả về chuyển giao công nghệ của Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, tôi, người chỉ thích nhìn những dải lúa vàng rực trải dài quốc lộ 1, đã quên phắt một sản phẩm rất hữu ích của các nhà khoa học.
…Và những con cá không có ngày thứ bảy
Lại nhớ, có lần đi công tác, ngang qua sông Tiền, người bạn đồng hành rủ tôi về nhà anh Ba Lâm, một ngư dân ở Hồng Ngự lên Tiền Giang quê vợ lập nghiệp. Đêm sáng trăng, nhìn bữa cơm với hơn 5 món ăn chế biến từ cá basa, người bạn tôi, vốn cũng có bè cá ở Đồng Tháp nói với anh chị Ba: “Khó có thể hình dung con cá tra, basa của mình có ngày vượt đại dương chu du thiên hạ, làm ngành thủy sản Việt Nam nổi tiếng trên trường quốc tế…”.
Vừa nhấp rượu, anh Ba tiếp chuyện, thủng thẳng kể về thời còn ở Hồng Ngự theo cha lội ngược dòng Cửu Long vào lãnh thổ Campuchia vớt cá tra bột về ương nuôi thành giống. Dọc theo câu chuyện của anh là bế tắc của ngư dân sông Hậu khi gắn nghiệp với con cá tra.
Những cuộc lội ngược dòng đi tìm con giống của họ ngày càng khốn khó hơn khi nguồn cá cạn kiệt và Campuchia cấm tiệt việc bắt cá tra bột… Anh nói: “Không biết rồi chuyện gì sẽ xảy ra, nếu năm đó mấy ông thầy Nông Lâm không vô cuộc…”.
Năm 1996, TS Lê Thanh Hùng - Phó khoa Thủy sản Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cùng nhóm nghiên cứu của ông (TS Philippe Cacot, TS Nguyễn Thanh Phương) đã bắt tay vào nghiên cứu nhiều công đoạn: từ nuôi vỗ cá bố mẹ, kích thích sinh sản nhân tạo, ương nuôi cá bột sao cho tỷ lệ sống cao, sức sống tốt… “Việc ép cá đẻ không khó, cái khó là ương nuôi con giống sống được…” - TS Lê Thanh Hùng cho biết.
Ông kể: “Sau khi ép đẻ thành công, cá tra bột ương nuôi đến ngày thứ 5, thứ 6 là chết hàng loạt. Hơn 30 lần thử nghiệm là bấy nhiêu lần không thấy được ngày thứ 7 của con cá…”.
Hai năm trời lao tâm nghiên cứu, công trình thành công và được chuyển giao rộng rãi đến người dân khắp vùng đồng bằng. Từ khi có con giống sinh sản nhân tạo và quy trình ương nuôi hiệu quả, ngư dân miền Tây giàu lên nhờ con cá. Từ sản lượng 15.000 tấn/năm (trong đó chỉ có 5.000 tấn xuất khẩu) trong năm 1998, nay đã lên 300 ngàn tấn/năm (xuất khẩu hơn 70%).
Sau vụ kiện ở Mỹ, danh tiếng con cá nhỏ nhoi này nổi như cồn, và nó đang làm một cuộc hành trình vững chắc vào thị trường châu Âu. Nhưng, do nhiều thông tin lệch lạc, hiệu quả khoa học của một nghiên cứu có giá trị đó đã bị lãng quên, nhiều người vẫn chưa biết cha đẻ thật sự của nó lài ai.
Nhớ về bữa cơm ở nhà anh Ba, tôi lại nhớ về những câu chuyện mà những người nông dân có mặt ngày hôm đó nói về những “ông” thầy ở Trường ĐH Nông Lâm: chân đất, quần ống thấp ống cao, đêm trước lội ruộng cùng bà con thử nghiệm giống lúa mới, ngày sau có mặt ở giảng đường, ngày nọ đã thấy trên truyền hình diễn thuyết trong một hội nghị quốc tế…
Tôi đến trường trong những ngày thầy trò Nông Lâm đang tất bật chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Lại nhớ câu nói của ông Mười Đen: “Cháu nội tui giờ đương học năm thứ hai ở ĐH Nông Lâm, được học với mấy ông thầy như vậy làm sao mai này không có ích…”.
Nguồn tin: SGGP (LINH AN)
|