Nuôi hươu, nai - nghề mới trên vùng Bảy Núi
Từ năm 2000 đến nay, nhờ sự khuyến khích của chính quyền địa phương và
sự hỗ trợ của Chi cục Kiểm lâm, nhiều hộ dân vùng Bảy Núi - An Giang đã mạnh dạn
đầu tư phát triển nuôi bò thịt và bò sữa. Ðặc biệt, một số hộ còn mở mũi đột phá
tiến tới xây chuồng trại nuôi hươu, nai.
Khởi đầu là anh Nguyễn Văn Ban,
Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi và bảo vệ rừng, nhà tại ấp Thiên Tuế, xã An Hảo,
huyện Tịnh Biên (núi Cấm) đã được trạm kiểm lâm cấp cho con giống và hướng dẫn
kỹ thuật chăn nuôi, đồng thời được ngân hàng cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để
mua thêm con giống.
Kể từ năm 2003, Chi cục Kiểm lâm đã nhân rộng mô hình nuôi
hươu, nai theo phương thức: Chi cục Kiểm lâm giao con giống, Trung tâm khuyến
nông rót vốn làm chuồng và cung cấp cả màn, thuốc ngừa, thức ăn tinh cho những
hộ đã được chính quyền địa phương xác nhận là hộ nghèo và có đủ tiêu chuẩn chăn
nuôi. Về phía chủ hộ, họ được quyền bán sừng và hưởng trọn 100%, nhưng khi nào
trong chuồng có hai con giống mới thì cặp bố mẹ sẽ được chuyển giao cho hộ khác.
Với phương thức này, tại hai huyện miền núi đã có được 28 hộ chăn nuôi, gồm 24
hươu sao và 28 nai.
Anh Nguyễn Thanh, Trưởng Trạm Kiểm lâm núi Cấm cho biết, đàn
hươu, nai trên núi Cấm và các vùng lân cận phần nhiều đều lấy giống từ Lâm
trường Vĩnh An và Mã Ðà - Ðồng Nai, rất phù hợp phong thổ và đặc điểm sinh thái
của núi rừng Tây Nam. Bảy Núi lại là nơi có nhiều đồng cỏ, nguồn thức ăn dồi dào
và khí hậu trong lành nên đàn hươu, nai phát triển rất tốt. Một số chủ trại ở
đây phấn khởi cho biết "chỉ lo thiếu giống chứ không thiếu cỏ". Nhiều người còn
tận dụng đất trống trồng thêm cỏ voi, cỏ sả để phục vụ cho chăn nuôi có hiệu quả
cao hơn.
Nhờ vậy, sau một thời gian nuôi thử nghiệm, anh Nguyễn Văn Ban
phấn khởi cho biết: Nghề nuôi hươu, nai lời gấp mấy lần nuôi bò và đơn giản hơn
nuôi gấu lấy mật rất nhiều. Người nuôi chỉ cần làm chuồng trại cho chắc chắn,
mua con giống và bỏ công đi cắt cỏ mỗi ngày. Nai cái, sau 24 tháng tuổi sẽ bắt
đầu đẻ con, mỗi năm một lứa, mỗi lứa một con. Con đực bảy tháng tuổi bán ra bảy
triệu đồng, con cái năm triệu đồng. Con đực, sau hai năm tuổi bắt đầu có nhung
(sừng non).
Người nuôi thường cắt lấy nhung vào tháng tư và tháng năm âm
lịch. Năm sau, cũng vào các tháng đó nhung sẽ bắt đầu mọc lại và phải cắt lấy
sau 60 ngày. Bình quân mỗi cặp nhung cân nặng từ 1 đến 3 kg (tùy theo tuổi của
con đực). Giá lộc nai hiện nay là sáu triệu đồng/kg và lộc nhung là bảy triệu
đồng/kg. Nhiều cơ sở bào chế đông dược thu mua lộc nhung, coi đó là một thứ dược
liệu mà các bậc danh y tiền bối đã từng ca ngợi trong các sách y dược - "sâm
nhung đại bổ". Thị trường mua bán con giống, lộc nhung, rượu huyết nhung và
nhung tươi đang và sẽ là đề tài hấp dẫn.
Gần đây, một số tỉnh đồng bằng cũng đã nuôi thử nghiệm hươu,
nai và đã thu kết quả rất phấn khởi, điển hình như ở Bắc Ninh, Ðồng Nai và mới
đây ở Vĩnh Long cũng lấy giống từ núi Cấm.
Theo Gia Dũng (Nông
nghiệp – Nông thôn Việt Nam)
|