Nuôi đà điểu - đừng quá lạc quan !
Chăn nuôi đà điểu ở Việt Nam vẫn còn là một ẩn số. Không nên quá lạc quan với nghề chăn nuôi loài chim chạy này khi cho nó là vật nuôi của thế kỷ 21.
Nghề chăn nuôi đà điểu đã phát triển quá mức vào những năm 80 và 90 của thế kỷ trước. Sự cân bằng giữa nhu cầu thị trường và khả năng cung cấp giống đã bị phá vỡ. Do đua nhau sản xuất con giống để được siêu lợi nhuận nên đã tạo ra sự "sốt giống" và chẳng bao lâu sau giá con giống đã rớt thảm hại từ cái đỉnh 25 đến 50 nghìn đô la Mỹ cho một cặp đà điểu giống, rớt xuống còn một ngàn đô la Mỹ. Trứng và đà điểu con, trước đây có giá trên 1000 USD phải bán dưới 100 USD (Ray Hansen- Đại học Quốc gia Iowa, Mỹ 8/2003). Sản xuất đà điểu đã vượt quá sự chấp nhận của thị trường và tiền bán đã không bù đắp được cho việc sản xuất con giống.
Mặc dù thịt đà điểu là sản phẩm chất lượng cao, có lượng mỡ và mức cholesterol thấp, nhưng cũng không làm sao thuyết phục được đông đảo người mua chịu bỏ tiền thêm để tiêu thụ sản phẩm này. Và kết quả hiển nhiên phải đến đó là sự đổ vỡ. Khủng hoảng tài chính châu Á những năm 1997-1999 đã làm co hẹp thêm thị trường vốn đã khó khăn.
Sau những sóng gió dữ dội trên, ngành nuôi đà điểu rồi cũng được hồi phục dần và sát với thị trường hơn. Từ một thị trường con giống không mấy thực tế nó đã phát triển theo hướng một ngành hàng sản xuất nông nghiệp. Mãi đến gần đây ngành đà điểu mới được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công nhận và lần đầu tiên được đưa vào thống kê nông nghiệp năm 2002. Tiếc là có rất ít các số liệu thống kê về ngành này, do Bộ Nông nghiệp Mỹ vẫn không theo dõi thường xuyên thị trường hàng hoá của đà điểu, bởi nó vẫn còn quá nhỏ bé so với các ngành chăn nuôi khác.
Nhìn sang các nước xung quanh như Trung Quốc và Thái Lan, tình hình chăn nuôi đà điểu cũng còn quá nhỏ nhoi và hiện cũng đang tìm kiếm thị trường. Miền nam Trung Quốc đã phát triển đà điểu trước ta nhiều năm, nhưng thị trường vẫn rất chật vật. Ở Thái Lan từ hơn mười năm trước, một số Cty tư nhân như CP Group đã làm các thử nghiệm ban đầu. Đối với Thái Lan trở ngại chính của ngành chăn nuôi này không phải là khâu kỹ thuật và quản lý mà là nhu cầu "nội địa" là "thị trường". Theo Tiến sĩ Somkiat- Viện Chăn nuôi Quốc tế thì ở Đông Bắc Thái Lan, người ta chủ yếu sản xuất con giống để bán cho những nông dân muốn nuôi. Nói chung ngành chăn nuôi đà điểu và thị trường của Thái Lan cũng rất bé nhỏ.
Việt Nam là nước đến với ngành nuôi đà điểu chậm hơn và đến đúng vào lúc ngành đà điểu đang suy thoái cùng với khủng hoảng tài chính những năm 1997-1999. Theo Tiến sĩ B. Davis thì năm 1997 số trại chăn nuôi đà điểu của Australia đã giảm từ trên 3.000 trại xuống còn hơn 1.000 trại do sự chao đảo của thị trường. Xem ra đến nay nước ta mới ở giai đoạn nuôi giống và trao đổi giống, việc sử dụng thịt mới bắt đầu để gây thói quen, còn da thì chưa được chú ý. Tiếc là do thiếu thông tin hoặc do một lý do nào đó một số ngộ nhận đã xuất hiện, một số người đã quá lạc quan với nghề chăn nuôi loài chim chạy này khi cho nó là vật nuôi của thế kỷ 21!
Theo kinh nghiệm của Australia thì để chăn nuôi đà điểu có lãi, quy mô tối thiểu nên là 30 con mái giống nhưng tốt nhất là 50 con mái giống để hàng năm mỗi con đà điểu mái có thể sinh sản và nuôi sống được 15 đà điểu con. Với quy mô này thì trại cần có 50 ha đất để trồng cỏ và làm bãi chăn (khoảng 0,4 ha cho một đôi đà điểu giống). Xem ra nuôi đà điểu là rất tốn đất! Khi giá cả thị trường thuận lợi có thể bán được 400 ASD /con đà điểu; 250 ASD/tấm da và 12 ASD/kg thịt (đô la Úc). Từ tình hình trên có thể thấy:
- Thị trường đà điểu trên thế giới là rất hạn chế, lại biến động nhiều bởi không nhiều khách hàng sẵn sàng tiêu tiền cho những đôi giày, túi xách tay với giá cắt cổ. Cũng như Thái Lan và một số nước, nuôi đà điểu chủ yếu là để thoả mãn nhu cầu trong nước. Cần phải điều tra kỹ thị trường để quyết định phương án sản xuất giống tránh hiện tượng giống bão hoà dẫn đến sụp đổ.
- Đà điểu (châu Phi) là con vật quý và đắt tiền, cần có vốn lớn cho mua con giống, thức ăn và có đất rộng cho trồng cỏ và bãi chăn.
- Vì da và thịt là hai sản phẩm quý nên việc chăn nuôi phải đáp ứng đầy đủ dinh dưỡng để có sản phẩm tốt mang tính cạnh tranh, nhất là trong điều kiện hội nhập kinh tế.
- Sản xuất phải đi liền với chế biến nhất là chế biến da đòi hỏi có nhà máy chế biến chuyên dụng.
- Ngoài những bệnh phát sinh do nuôi dưỡng và quản lý kém như các bệnh ký sinh trùng, tắc ruột, sưng khớp cũng nên quan tâm đến các bệnh truyền nhiễm như bệnh cúm H5N2 vừa phát hiện.
Trong quá trình đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hoá việc các công ty tìm kiếm các đối tượng mới là điều đáng khuyến khích. Nhưng chăn nuôi đà điểu ở Việt Nam còn là một ẩn số. Như đã trình bày ở trên, có thể thấy đà điểu chưa là một lợi thế đối với hệ thống nông nghiệp của nước ta, nhất là ở miền Trung, nơi con bò vàng đang là mối quan tâm và nguồn thu nhập hàng đầu của nông dân. Con đà điểu chỉ mới nên nuôi thử nghiệm và cần đặc biệt nghiên cứu thị trường để có phương án sản xuất hiệu quả lâu dài, chứ không phải chỉ nhằm sản xuất con giống nhất thời.
Gia Dũng (Theo NNVN)
|