Những điều kì diệu đến từ cây nấm
10.000 bịch nấm trên 100 m2 đất, sau 6 tháng có thể cho lãi tới 20 triệu đồng. Tết này, nhiều người dân trong diện xoá đói giảm nghèo ở một số tỉnh ĐBSCL đã biết kiếm tiền bằng nghề trồng nấm bào ngư. Thông qua các cơ quan khuyến nông địa phương, người giúp họ kiếm tiền chính là ông Nguyễn Văn Yết ở xã Tấn Thới Nhì, huyện Hóc Môn, TP.HCM.
Năm 1973, khi đang là sinh viên ngành sinh vật Trường khoa học Sài Gòn thì Nguyễn Văn Yết bị chính quyền cũ đôn quân bắt lính. Năm 1975, ông Yết trở về quê nhà ở ngoại thành huyện Hóc Môn, làm người nông dân thứ thiệt. Bấy giờ lương thực khá khó khăn, ai cũng bắt tay làm lúa, trồng khoai nhưng ông lại bắt tay vào trồng nấm rơm. Đây vốn là nghề truyền thống cuả làng, có lúc xóm ông có tới hơn 100 lò nấm. Nhưng do không có đầu ra, thời tiết khắc nghiệt, nấm bị bệnh nhiều người bỏ không theo.
Niềm đam mê vượt trên nỗi lo thất bại
Vạn sự khởi đầu nan, hết đợt nấm bệnh thì tới lứa nấm không nơi tiêu thụ. Có khi nấm vừa sinh sôi nảy nở thì gặp ngay khí hậu khắc nghiệt. Những lò nấm cuối cùng bám trụ với nghề vì thế mà lụi đi. Riêng ông thì mất đến vài lượng vàng là vốn chắt chiu từ bao năm. Những cây nấm chết khô như trêu ghẹo và thách thức sự kiên trì của ông. Đồ đạc trong nhà theo cây nấm đội nón ra đi. Ông "cầm" những gì có thể, kể cả phương tiện duy nhất là chiếc xe Honda, để đầu tư lại trại nấm. Với bản tính kiên trì, ông không có ý định chuyển sang nghề khác.
Mấy năm sau, một lần tình cờ, ông Yết gặp lại Lê Duy Thắng, bạn cùng khóa thời sinh viên, bấy giờ là cán bộ nghiên cứu của một trung tâm công nghệ sinh học. Thấy bạn ưu tư, ông Thắng hỏi rõ nguyên nhân và lẳng lặng bỏ về. Lần gặp sau, ông Thắng mang theo giống nấm là lạ: to, dầy và trắng hơn nấm rơm, lại có mùi thơm dễ chịu. Đó là nấm bào ngư có nguồn gốc từ Đài Loan. Ông Thắng hỏi: "Muốn trồng thử không?". Câu hỏi đơn giản nhưng đối với ông Yết thật khó trả lời trong lúc này. Hình ảnh những cây nấm rơm chết khô còn giày xéo trong lòng ông chưa nguôi ngoai. Hơn nữa, bây giờ "không đồng nào dính túi".
Song bản tính không thích bỏ cuộc đã thôi thúc ông nhận lời: cứ "đánh cược" một lần nữa xem sao. Dù gì thì cũng thất bại, thêm một lần nữa cũng không sao nhưng biết đâu đây lại là cơ hội. Cầm số vốn của ông Thắng cho mượn và mấy chục nghìn bịch giống nấm mới, ông tự hứa với lòng mình là không được thất bại.
Sau này, ông Thắng nói rằng, lúc ấy cơ quan đang tìm người trồng thử nghiệm. Ông chọn ông Yết, vì "Đó là người kiên trì nên tôi không ngần ngại giúp vốn". Hàng ngày, hàng giờ, hi vọng của ông Yết len qua từng cây nấm từ lúc nhú chồi con đến phát triển thành chùm. Chưa hết vui mừng vì thành công của nửa chặng đường ban đầu, thì ông lại phải trằn trọc cho đầu ra.
Phần vì thấy nấm lạ, phần thì giá đắt nên người tiêu dùng ngại mua. Có khi cả nhà phải ăn nấm ròng rã như cơm bữa khi thì canh nấm, khi nấm luộc hoặc có khi cho người thân vì nấm tồn không bán được. Lúc này, ông chỉ mong bán được ở các chợ trong thành phố để gom đủ số vốn trả cho bạn. "Ba chìm bảy nổi" với cây nấm mới dần dần có nhiều người biết đến và tìm mua.
"Có tâm với nghề thì nghề không phụ"
Những năm 90, biết ông là người duy nhất trồng nấm bào ngư, những khách hàng Đài Loan tìm đến trại nấm hợp đồng bao tiêu đầu ra. Đó cũng là lúc người tiêu dùng trong Tp.Hồ Chí Minh biết về giống và công dụng của nấm bào ngư. Vậy là, bao nhiêu lượng nấm hái được cũng không đủ đáp ứng cho nhu cầu thị trường. Tính riêng siêu thị và tiệm cơm chay trong TP, mỗi ngày cơ sở ông cung ứng khoảng 2-3 T với giá là 15.000 đồng/ kg. Đầu năm 2004, cơ sở ông đã xuất khẩu 3-5 tấn/tuần sang Đài Loan.
Qua khách hàng trung gian này, cây nấm đến với thị trường châu Âu. Dự kiến năm 2005, khách hàng đòi mua đến 5-10 tấn/tuần. Nhưng thực tế cung không đủ cầu, cơ sở chỉ đủ sức làm ra 1-2 tấn/ ngày, mà nhu cầu trong nước ngày càng nhiều, nhất là khi "cúm gà" có dấu hiệu lan rộng.
Sản phẩm được ưa chuộng và người trồng cũng hiểu cây hơn. Theo ông, nghề nấm đòi hỏi kinh nghiệm rất cao từ khâu tưới nước, nhà trồng... đến khâu hái nấm. Chẳng hạn, nấm thích hợp với vùng nước ngọt và sạch. Mỗi ngày chỉ nên tưới 2 lần, nhưng không tưới nhiều nước trong một lần. Hái nấm thì phải vào buổi sáng, trưa hoặc tối... Kinh nghiệm đó do ông tích luỹ từ những thất bại trước đây. Dần dần, ông nhân rộng thành cơ sở rộng 6.000 mét vuông, vừa sản xuất nấm, vừa nhân giống nấm.
Bước vào cơ sở, người ta khó đoán được ai là chủ nếu không có người chỉ dẫn. Căn phòng nhỏ với nhiều lọ meo đang lên men là nơi ông nghiên cứu. Những kiến thức chuyên môn ngày xưa cộng thêm kinh nghiệm, ông mày mò những kĩ thuật cấy giống. Ông cho biết, công nghệ nhân giống nấm trong bịch không phải ai cũng thực hiện được. Nó đòi hỏi kinh nghiệm nhưng cần nhất là môi trường chung quanh thật sạch. Hiện nay, cơ sở của ông gồm nhiều giống nấm bào ngư từ các nước khác nhau như: Nhật, Đài Loan... Đó là do ông biết cách phân giải từ những tai nấm thương phẩm loại tốt mà khách hàng hay các nhà khoa học quen biết gởi tặng để ông làm giống. Theo ông, giống Đài Loan có đặc tính giòn, thơm và mềm được ưa chuộng hơn thảy.
Không chỉ làm giàu cho riêng mình
Tiếng lành đồn xa, đầu tiên là tỉnh Đồng Tháp quê vợ. Năm 2003 các cán bộ Sở NN-PTNT lên xin ông cung cấp bịch, Nhà nước bỏ tiền ra mua về giúp bà con "Xóa đói giảm nghèo". Bảy Yết liền nói: quê vợ tôi, tôi biết, tuy nấm bào ngư giá khá cao, nhưng làm ra rồi ai mua. Vậy thì để cơ sở Bảy Yết bao tiêu luôn cho, miễn là hàng phải đạt tiêu chuẩn: đẹp, tai nấm to, và hoàn toàn sạch (không có dư lượng hóa chất độc hại). Cán bộ nông nghiệp và bà con làm nấm Đồng Tháp ai nấy đều hoan nghênh. Tiếng đồn "Bảy Yết" dạy nghề rồi lại bao tiêu sản phẩm vang qua bờ sông Tiền, tới An Giang. Sở NN-PTNT đề nghị UBND tỉnh cấp kinh phí vài tỷ tạo nghề làm nấm thực phẩm cao cấp, UBND tỉnh lập tức chấp thuận. Cơ sở của Bảy Yết phải mở rộng bằng cách đi mở "chi nhánh" ở huyện Củ Chi.
Nhận được thư yêu cầu, Bảy Yết cũng đã thu xếp đến tận Cần Đước của Long An xem xét điạ hình, hướng dẫn kĩ thuật trồng và hợp đồng bao tiêu đầu ra bước đầu cho khoảng 30 hộ nghèo tham gia trồng nấm. Người dân nơi này thầm cảm ơn ông bằng nhiều cây nấm to. Họ cho biết, nhờ những đồng lãi khi thu hoạch nấm mà năm nay, gia đình sẽ có bữa cơm Tết ngon lành, bọn trẻ có quần áo mới khoe với bạn bè. Còn tại quê nhà Hóc Môn, theo chương trình xoá đói giảm nghèo, ông hướng dẫn kĩ thuật trồng và bao tiêu đầu ra bước đầu cho 20 hộ thuộc diện xoá đói giảm nghèo. Những hộ có khả năng trả, ông nhận trước 50% số vốn, hộ nào không khả năng trả thì ông cho nợ đến khi thu hoạch.
Gia Dũng (Theo TBKTVN)
|