Tìm kiếm thông tin:
  Chuyên đề Bạn nhà nông
Nuôi
Trồng
Giống
Vật tư
Thiết bị - Công cụ
  Nhà nông tôn vinh
DNghiệp thân thiện
SPhẩm ưa chuộng
Nông dân thành đạt
  Trao đổi kinh nghiệm
Kinh nghiệm SX
Hỏi & đáp
  Danh bạ Bạn nhà nông
Cơ quan - Ban nghành
Hội - Hiệp hội
DN Sản xuất
DN Chế biến
DN D.Vụ-Thương mại
Trang trại
  Giới thiệu Bạn nhà nông
Website
Cẩm nang
Hồ sơ
Liên hệ


 Nông dân thành đạt

Trùn quế đẻ... vàng

Xin bạn đọc... bình tĩnh, vì đây hoàn toàn không phải là "chuyện lá cải... bẹ" như kiểu heo đẻ ra voi, bò đẻ ra... chó, cua đồng có mặt người... mà một số tờ báo đã đăng tải ầm ầm cách đây chừng chục năm. Trùn (giun) quế đẻ ra vàng là câu chuyện giản dị nhưng nặng trĩu những khát khao, nỗ lực mà người nông dân trên đồng đất Triệu Phong - Quảng Trị đã và đang trải qua trên con đường mày mò đi tìm "chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp" suốt nhiều năm qua.

Treo thưởng gần chục năm

Tôi tìm về thôn Đạo Đầu thuộc xã Triệu Trung - huyện Triệu Phong - thôn đầu tiên của tỉnh Quảng Trị triển khai mô hình nuôi trùn quế. Ghé vào cái quán may áo quần nho nhỏ ở bên đường, thấy cô thợ trẻ xinh đẹp tất bật với hàng đống hàng, chủ yếu là của học trò sắp nhập học, tôi nghĩ đời sống của làng chắc không đến nỗi nào. Hỏi cô đường đến nhà ông Chủ nhiệm hợp tác xã tên là Phan Văn Bình, cô bảo: "A, có phải chú Bình sách báo không? Cách quán của cháu đúng bốn nhà nữa".

Chủ nhà bỏ dở việc phụ hồ cho các thợ nề đang sửa nhà cho chủ, rửa ráy rồi đóng bộ vào tiếp chúng tôi, ra vẻ một trí thức cũ hơn là... cán bộ hợp tác(!). Ông hỏi: "Nhà báo quan tâm chuyện gì nhất ở làng tui?". Tôi nói... xa xôi: "Nói to tát thì là chuyện chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, còn trực tiếp ở làng miềng thì chuyện cây gì con gì...". Không đợi tôi hết câu, ông Bình cười rất dịu dàng: "Ui, chuyện đó nói nó đã quá cũ cũng được mà nói nó rất mới cũng rất đúng. Cũ vì cán bộ nói lâu, nói dai lâu nay rồi, còn mới là vì tất cả vẫn trên vai người nông dân, bầy tui vẫn đang phải tiếp tục tìm tòi, thử nghiệm.

Nói thì dễ, bắt tay vào làm là rất khó. Nuôi vịt thôi, có người thành triệu phú nhưng có người trắng tay, nợ nần tùm lum... Rồi gà, heo cũng vậy. Chạy hết thứ này sang thứ khác. Nói nông dân cứ chạy theo phong trào là cũng oan cho bầy tui. Không chạy răng được, mần thứ ni thất bại thì phải qua thứ khác, rút cuộc thứ nào cũng không thành công thì rồi về... ôm lại "cây lúa non chờ từng cơn mưa nhỏ" thôi (!)".

Đoạn, ông dừng lại mời tôi uống nước, rồi nói tiếp: "Tất nhiên, đó là chuyện của 5 - 7 năm trước, trả học phí mãi rồi người nông dân cũng phải khôn lên chứ, việc làm ăn của bà con hợp tui được trên đánh giá là năng động, đổi mới vào hàng nhất huyện đó nghe. Tui làm chủ nhiệm hợp tác xã đến nay đã 15 năm, là người nghiền sách báo, đọc thấy chuyện làm ăn hay, lạ là tui quyết tâm triển khai cho xã viên làm bằng được. Trở lại với chuyện con trùn quế mà anh hỏi, suốt gần chục năm qua hợp tui đã treo thưởng trị giá 3 triệu đồng cho ai phổ biến và hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nuôi thành công con trùn đất. Nhiều người đến rồi đi... Ba triệu tiền thưởng vẫn còn nguyên đó...".

Nhưng, đã có một người... ở lại

Trong số những người đến rồi đi, có cả người cháu họ của "anh chủ nhiệm" Bình, là một kỹ sư nông nghiệp học đại học ở Huế ra hẳn hoi. Năm 1998, ông Bình và Hợp tác xã Đạo Đầu "động viên" anh kỹ sư chưa xin được việc làm mở "mô hình" nuôi trùn đất, làm gương cho bà con xã viên trong làng noi theo. Công việc triển khai ban đầu rất rầm rộ, nhưng rồi... trùn chết, "phong trào" tan rã. Nhắc đến thất bại của thằng cháu kỹ sư, ông Bình có vẻ không vui, ông vào tủ lục tìm đưa cho tôi tập tài liệu kỹ thuật nuôi trùn, rồi nói: "Thực ra, nuôi trùn không khó, chỉ cần phân gia súc và độ ẩm. Thế nhưng, chỉ cần quên tưới nước một, hai ngày coi như toi cả "sự nghiệp nuôi trùn". Thằng cháu tui còn trẻ, ham chơi, chỉ cần một bữa rượu say là... quên trùn. Hậu quả của nó xấu lắm, nông dân xã viên nhìn vào đó, mất niềm tin, họ dài môi ra bảo nhau: Kỹ sư nông nghiệp còn chưa nuôi được trùn huống chi mình. Trùn chết, cháu tui rời quê "Nam tiến", chừ là cán bộ ở trong Bình Thuận. Tôi nghĩ, may cho mình quá, bởi hoá ra làm nông dân khó hơn làm cán bộ nhiều!".

Nhưng Chủ nhiệm Bình và bà con nông dân Đạo Đầu không chịu thua. Mới năm ngoái đọc trên báo thấy trong miền Nam người ta nhập từ nước ngoài về giống trùn quế năng suất rất cao (200kg/1m2/ năm), ông Bình liền chạy đôn chạy đáo đi tìm thầy, tìm giống. Được huyện hỗ trợ 1 triệu đồng, hợp bỏ ra thêm 1 triệu nữa, ông Bình đi mua được 8kg giống (200.000 đồng/kg) về tổ chức bắt thăm giao cho 8 hộ nuôi, trong mỗi chuồng rộng 1m2. Sau đó, mua thêm được 10kg giống nữa, vị chi cả hợp có 18 hộ nuôi. Trùn đẻ, các hộ nhận giống ban đầu trả lại 1kg giao cho hộ khác, cứ thế, chừ đây đi quanh Đạo Đầu đã nghe thơm nức... mùi quế rồi - những người xã viên nói với tôi như vậy. Anh Phan Hựu mở nắp cho tôi xem chuồng nuôi trùn quế của nhà anh, chỉ mới khươi một lớp đất mỏng trên cùng đã thấy một lớp trùn đỏ tươi.

Anh kể: "Mới đầu, nghe hợp phổ biến chuyện nuôi trùn, tui thấy... nản lắm, kỹ sư kỹ siếc nuôi còn chết lên chết xuống, cỡ miềng mà bày ra, mần răng nổi. Dưng rồi, có chị Lộc kỹ sư chăn nuôi ở trên huyện về, đều đặn lắm, bày vẽ, động viên bầy tui cách nuôi, chăm sóc. Hoá ra, chỉ cần siêng năng là được, ngày nào cũng phải tưới nước ít nhất là 2 lần, dưng có điều không phải nước nào cũng được, nước giếng là trùn chết, phải nước đồng. Chỉ kinh nghiệm đó thôi, dưng không có kỹ sư Lộc thì bầy tui không biết. Dưng mà quan trọng nhất là kỹ sư Lộc là người nói được đi liền với mần được. Tham quan chuồng trùn nhà chị Lộc trên thành cổ về, bà con tui thấy tin tưởng tuyệt đối luôn...".

Chị Nguyễn Thị Lộc cũng học ở Đại học Nông nghiệp Huế ra. Chị bảo: "Mình phải vào tận nhiều tỉnh miền Nam lăn lóc cả tháng trời trong đó, học, theo dõi, ghi chép cách nuôi trùn của nông dân rồi mới ra làm. Học trong trường là một chuyện, ra đời làm là một chuyện khác". Để đến được ngôi nhà của chị ở phường 1, thị xã Quảng Trị phải băng qua một con đường ray không có barie ngay trên trục đường nhựa chạy dọc theo con kênh Nam Thạch Hãn. Nguy hiểm thế, nhưng ngày nào nhà chị cũng đông khách, họ đến hỏi kỹ thuật, mua trùn giống. Nhìn ngôi nhà đang xây có cái móng 2 tầng lầu phải vài trăm triệu mới đủ, tôi hỏi: "Có phải trùn quế đó không?". Chị cười xác nhận: "Mỗi năm mình nuôi 2 - 3 lứa gà, mỗi lứa từ 100 - 150 con, rồi heo nữa, chúng đều được vỗ béo bằng trùn quế cả, đỡ tốn thức ăn công nghiệp, nên thu lãi khá lắm".

Một hướng ra... để chống hạn

Năm nào cũng vậy, cứ vào độ tháng 6, tháng 7 là Quảng Trị lại khô nước, "câu chuyện thời sự" ấy cứ... thời sự hết năm này sang năm khác. Năm nay, các nhà hữu trách đã phải kêu to lên rằng phải mau chóng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, để ưu tiên các nguồn nước cho sinh hoạt, nếu không thì... chết khát có ngày. Phải mau chóng giảm diện tích trồng lúa để giảm nhu cầu sử dụng nước ngọt. Cứ với cách nghĩ ấy thì tôi xin mạn phép nói rằng Hợp tác xã Đạo Đầu của "anh Chủ nhiệm" Bình đã đi trước không chỉ một bước như thói quen nói của nhiều cán bộ hiện nay mà thực sự đã đi trước rất nhiều bước. Cả hợp có 280 hộ thì tại thời điểm này đã có trên 100 hộ chuyển diện tích lúa sang nuôi cá, có ao rộng cả ngàn mét vuông, hàng chục hộ đã thu được 15 - 20 triệu đồng từ ao cá. Vợ chồng anh Nguyễn Tương và chị Lệ là một trong số "điển hình chuyển dịch" đó. Nhà anh chị có hai ao cá, một ao đất nuôi các loại cá trắm cỏ, chép, mè; một ao xây bêtông hẳn hoi để nuôi cá trê phi.

Chị Lệ phấn khởi khoe: "Nói để chú mừng, anh chị cũng mới "chuyển dịch" hơn năm nay, nhờ vay được vốn Ngân hàng Nông nghiệp mới có cái ao trê phi này đây. 60m2 thôi nhưng nuôi 2 tháng thu hoạch lãi gần cả triệu bạc, gấp 4 - 5 lần làm lúa em ơi. Tối ni mấy đứa em ở lại, anh chị vớt cá trê phi lên nhậu chơi".

Chạy xe máy một vòng quanh Đạo Đầu trên những con đường bêtông hoá - tôi bắt gặp thật nhiều những ao cá bêtông trong vườn nhà và trên những cánh đồng lúa. Cá sẽ ăn trùn quế để chóng lớn, giúp nông dân hái ra vàng... và giúp quê hương chống hạn nữa đấy! Trong cơn gió nhiều của Triệu Phong, tôi ngửi thấy mùi thơm ngào ngạt của trùn quế và tôi tưởng tượng thấy trước mắt tôi cả ngàn ngôi nhà - trùn quế của nữ kỹ sư Lộc.

Lâm Chí Công (Lao động)



° Các tin khác
• Tỷ phú nông dân Lâm Thành Mỹ: Người vượt qua số phận
• Ông Trần Xuân Tịnh làm giàu từ mô hình cá, lúa, vịt
• Ông Năm giỏi nghề nuôi vịt đẻ
• Người có bàn tay vàng
• Làm giàu từ thảo quả.
• Làm nên từ tay trắng
• Chân dung cuộc sống: Tỷ phú làng
• Nuôi bò vỗ béo, nghề dễ làm giàu tại Chợ Mới
• Đổi đời từ con tôm Càng xanh
• Anh Mai Dung: Gương sáng vượt khó, vươn lên thoát nghèo
• Phan Văn Thương, nông dân điển hình làm kinh tế, nuôi con ăn học thành đạt
• Sáng tạo vì lợi ích của nông dân.
• Đột phá để lên “vua”
• Bà “Chúa” nấm linh chi.
• Thành công trong chăn nuôi heo ở tuổi 30
• Chuyện " Anh Tư Liều "
• Trên trùn, dưới cá - Mô hình làm giàu
• Ông Thương làm giàu từ trồng chuối lùn.
• Máy tuốt lúa thương hiệu làng
• Ông chủ vườn ươm
• Nuôi cá cảnh thu 50-60 triệu đồmg/năm
• Người hiến đất, bỏ tiền mở đường liên thôn
• Nguyễn Văn Hưởng
• Nguyễn Văn Năm
• Trần Văn Xà
• Trương Thị Sáu
• Nguyễn Văn Phên
• Nguyễn Thành Long
• Huỳnh Ngọc Thành
• Nguyễn Văn Lập (Ba Lờ)

 

Trang web được thiết kế và lưu trữ tại VietnamNetweb