Nuôi bò vỗ béo, nghề dễ làm giàu tại Chợ Mới
Anh Hà Văn Dũng ở ấp Mỹ Tân, xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới nói: Mua 2 con bò tơ 6 triệu đồng, nuôi 5 tháng lãi 3 triệu đồng, nuôi lớn đúng sức (8 - 10 tháng) lãi từ 6 - 7 triệu đồng. Ba năm trước, gia đình anh làm 4 công lúa, mỗi năm canh tác 2 vụ, vẫn không kham nổi cái ăn, cái mặc và học hành cho con. Thấy mô hình nuôi bò vỗ béo có hiệu quả, anh làm theo. Lúc đầu, ít vốn nuôi 2 con, cắt cỏ dại và xin phế phẩm hoa màu cho bò ăn.
Nhờ chăm sóc tốt, bò mau lớn, lời nhiều, đàn bò trong chuồng tăng nhanh. Anh chuyển 4 công đất trồng lúa sang trồng cỏ, hiện đàn bò được 12 con. Theo anh, đây là mô hình chăn nuôi khép kín. Phân bò phơi khô bón cho ruộng cỏ, thả thêm cá đồng dưới chân ruộng cỏ, tạo thực phẩm cho bửa ăn gia đình. Chọn mua bò đực mau lớn, 2 năm xuất chuồng 3 đợt, mỗi đợt lãi trên 30 triệu đồng. Anh nói: 4 công đất trồng cỏ của tôi, mỗi năm cầm chắc lời 50 triệu đồng.
Đi tiên phong trong phong trào nuôi bò vỗ béo ở huyện Chợ Mới là ông Nguyễn Văn Chuyển (ấp Mỹ Tân xã Mỹ Luông). Hiện trang trại của ông nuôi 60 con, trừ chi phí mỗi năm lãi gần 200 triệu đồng. Ông Chuyển cho biết nghề nuôi bò truyền thống của gia đình đã "3 đời".
Những năm trước giải phóng, ông phải ra tận Củ Chi, Tây Ninh mua bò về nuôi rồi bán lại cho các lò giết mổ ở Long Xuyên. Trong 3 năm trở lại đây, phong trào nuôi bò ở địa phương phát triển, ông kiêm luôn nghề "lái bò". Vừa cung ứng con giống, vừa thu gom bò thịt đem tiêu thụ ở các tỉnh và TP. HCM. Mở rộng địa bàn thu mua ở các huyện biên giới, sang tận Campuchia. Mỗi chuyến buôn từ 20 - 30 con, bỏ chí phí cũng lời được vài triệu đồng. Những người buôn lẻ như chú Trần Thanh Hùng và Lê Văn Tạo (ở huyện Thanh Bình - Đồng Tháp), mỗi chuyến sang Chợ Mới mua hai đôi bò (4 con) về bán lại cho dân địa phương nuôi cũng kiếm lời từ 200.000 - 400.000 đồng.
Ông Chuyển cho biết trang trại có 60 con bò, mỗi ngày ăn hết 1 công thân cây bắp non (gần 2 tấn) nhưng chỉ với giá 70.000 đồng/công. Hiện ông đang trồng 2 ha cỏ ống, cỏ mồm và thuê thêm 2 người giúp việc (500.000 đồng/người/tháng) chăm sóc đàn bò. Ông Chuyển nhận xét: Nếu so sánh lợi nhuận thì không có mô hình nào dễ làm giàu bằng nuôi bò vỗ béo.
Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Luông Nguyễn Văn Tấn cho biết, sau khi nhà máy rau quả đông lạnh của Cty ANTESCO hoạt động (năm 2000, đặt tại xã Mỹ Luông), diện tích hoa màu và cây bắp thu trái non tăng nhanh. Theo đó, phong trào nuôi bò vỗ béo ở địa phương phát triển. Xã Mỹ Luông có 9/11 ấp nuôi bò và ấp Mỹ Tân chiếm tới 90% số hộ nuôi. Đàn đàn bò trong xã trên 2.000 con và đã thành lập 5 dự án. Ông Tấn khẳng định: Nuôi bò vỗ béo có hiệu quả nhất trong các dự án chuyển đổi cây trồng vật nuôi.
Phong trào nuôi bò vỗ béo ở Chợ Mới nở rộ, các xã có đông người nuôi bò là: Long Điền A, Kiến An, Mỹ Hội Đông...Năm 2001, tổng đàn bò trong huyện khoảng 2.700 con, đến cuối năm 2003 tăng lên. 7.000 con (khoảng 1.200 hộ nuôi). Bình quân mỗi hộ nuôi từ 2 - 6 con, ngoài việc tận dụng phế phẩm hoa màu cho bò ăn, mỗi hộ còn trồng thêm từ 500 - 1.000m2 cỏ. Huyện Chợ Mới cũng có chính sách ưu đãi vay vốn chăn nuôi, với lãi suất 0,5%/ tháng cho hộ gia đình và 0,8%/tháng đối với trang trại và thời gian vay ngắn hạn 1 năm, trung hạn 3 năm và dài hạn 5 năm.
Cao Tâm (Nông nghiệp An Giang)
|