Đổi đời từ con tôm Càng xanh
Chuyện về “Vương quốc tôm càng xanh” ở xã Phú Thuận (huyện Thoại Sơn) đến nay không còn lạ nữa. Nhưng điều đáng nói là trong vài năm qua, ngày càng có nhiều nông dân Phú Thuận phát triển và hoàn thiện mô hình nuôi tôm càng xanh, đặc biệt là nuôi luân canh với trồng lúa đã mang lại hiệu quả rất cao, như trường hợp của anh Huỳnh Văn Đức ở ấp Hòa Tây A.
Bắt đầu từ bước đột phá của ông Trần Văn Săn (Tư Săn) ở ấp Phú Tây năm 2000, nuôi tôm càng xanh trên 3,5ha ruộng, thu lãi được 120 triệu đồng, vượt xa hiệu quả làm lúa. Đương nhiên, ai cũng muốn được như ông Tư Săn nhưng vẫn rất hồi hộp khi bắt tay vào làm, bởi nghề nuôi tôm có không ít rủi ro. Dù được ông Tư Săn sẵn sàng giúp đỡ về kỹ thuật nuôi tôm, nhưng anh Đức vẫn cùng nhiều nông dân khác tổ chức đi tham quan thêm các mô hình nuôi tôm ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Đồng Tháp...để học hỏi kinh nghiệm.
Các hộ nuôi tôm ở Phú Thuận còn có nhiều thuận lợi khi được chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp hỗ trợ tối đa như: Tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo về kỹ thuật ương tôm từ con Post lên con giống, kỹ thuật nuôi tôm thịt trong ruộng lúa, cung cấp các tài liệu khuyến nông, khuyến ngư mới nhất...
Được cung cấp kiến thức tương đối đầy đủ, năm 2002, sau khi thu hoạch 3ha lúa Đông xuân xong, anh Đức đã mạnh dạn chuyển sang nuôi tôm càng xanh trong vụ Hè thu. Tuân thủ các hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật, anh lên bờ bao, ủi bằng lớp đáy, cải tạo nước theo đúng kỹ thuật và tiến hành thả tôm. Sau 6 tháng nuôi, anh thu hoạch được 2,4 tấn tôm, bán giá 75.000đ/kg, trừ các chi phí, anh lãi được 72 triệu đồng.
Phấn khởi trước hiệu quả cao gấp hàng chục lần làm lúa, anh Đức và nhiều hộ khác ở Phú Thuận tiếp tục phát huy các thành quả trên. Năm 2003, anh tham dự các lớp tập huấn, học được nhiều kinh nghiệm hơn. Kết quả là, năm đó, sản lượng tôm của anh lên đến 3 tấn và với giá bán 80.000đ/kg, anh lãi đến 96 triệu đồng, một con số trong mơ! Năm 2004 với số tiền lãi từ 2 vụ tôm trước, anh Đức mua thêm 1ha đất ruộng và thả tôm trên diện tích 4ha. Thật bất ngờ, với các kỹ thuật ngày càng hoàn thiện, anh thu về đến 4,8 tấn tôm càng xanh. Tuy nhiên, do giá tôm xuống, chỉ còn 65.000đ/kg nên anh chỉ lãi được 80 triệu đồng.
Cũng như ông Tư Săn, anh Đức luôn sẵn sàng giúp đỡ, hướng dẫn lại kỹ thuật nuôi tôm càng xanh cho những người làm sau và tranh thủ mọi điều kiện để học hỏi thêm kinh nghiệm. Cứ như vậy người đi trước chỉ người đi sau, từ thực tế, các nông dân (giờ đã thành ngư dân) trao đổi, rút nghiệm với nhau... “Vương quốc tôm” Phú Thuận ngày một mở rộng, phát triển vững chắc. Như trong chuyện giá bán tôm, bị thương lái ép giá khi vào mùa thu hoạch, các hộ trong xã bàn nhau tỏa đi các tỉnh, tìm nơi bán được giá cao rồi thông báo cho nhau hay.
Trúng tôm mấy mùa liên tiếp, cuộc sống của anh Đức cũng như 310 hộ nuôi tôm ở Phú Thuận đã khá lên nhanh chóng và góp phần làm cho bộ mặt xã Phú Thuận cũng thay đổi nhanh đến không ngờ. Mỗi lần bàn chuyện đổi đời nhờ con tôm, anh Đức và nhiều người dân xã Phú Thuận đều không quên công lao của chính quyền và ngành nông nghiệp từ tỉnh đến huyện, xã đã giúp đỡ, hỗ trợ mọi mặt cho dân Phú Thuận, từ kiến thức, kỹ thuật nuôi tôm, cho vay vốn, thậm chí bây giờ còn hỗ trợ tìm đầu ra cho con tôm, hoặc vận động các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với bà con...
Bên chén trà, nói chuyện tương lai và ước mơ, anh Đức rất muốn có thêm điều kiện để mở rộng sản xuất và mong rằng ngày càng có thật nhiều người, kể cả ở các nơi khác, có thể nuôi tôm và thành công như anh và các hộ ở Phú Thuận.
Trích đăng từ Báo cáo điển hình tiên tiến, Đại hội thi đua tỉnh An Giang lần III- năm 2005
|