Phan Văn Thương, nông dân điển hình làm kinh tế, nuôi con ăn học thành đạt
Đến ấp An Thái, xã Hội An (huyện Chợ Mới) hỏi nhà ông Phan Văn Thương ai cũng biết. Bởi, ông vốn xuất thân từ nông dân, từ nhỏ được đi học, tốt nghiệp đại học Luật, 13 năm “gõ đầu trẻ”, nhưng lòng yêu quê hương, âm hưởng và mùi vị của đồng đất cứ quấn chặt ông không dứt. Đi theo tiếng gọi của lòng mình, ông “quẳng gánh” bút nghiêng về làm “hai lúa”. Từ cầm bút chuyển sang làm quen với cái leng, cái cuốc và ông đã trở thành người cha chân lấm tay bùn không những đưa cả gia đình thoát nghèo mà còn vươn lên khá giả và nuôi 6 người con ăn học thành đạt, 5 năm liền (từ năm 2000-2004) được công nhận là “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” cấp tỉnh.
Gia đình chỉ có 1,45ha đất canh tác, trong đó có tới 5 công (5.000m2) vườn tạp, 2 công trồng xoài, số còn lại làm lúa hai vụ. Dù vợ chồng ông làm lụng vất vả nhưng chỉ đủ ăn, trong khi 6 đứa con ông ngày một lớn, nhu cầu học tập cũng tăng theo. Quyết lòng khai thác tiềm năng từ mảnh ruộng của mình để cải thiện cuộc sống và nuôi con ăn ăn học, năm 1994, được sự hướng dẫn của hội Nông dân xã, ông mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, chuyển đổi năm công vườn tạp sang mô hình VACR (vườn, ao, chuồng, ruộng), bờ bao xung quanh để trồng bầu, ở giữa có hầm nuôi cá mè vinh, phần còn lại làm ruộng cho cá có chỗ trú và có thêm thức ăn... Từ bước đột phá này, kinh tế gia đình ông dần khấm khá. Một năm sau ông được bình chọn là “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” cấp tỉnh.
Không dừng lại ở đó, với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, từ năm 2000, công chuyển 7,45 công ruộng làm lúa 2 vụ, trồng bầu mùa lũ quanh bờ bao, trong vuông 5 công đất, ông nuôi cá mè vinh và 2 công xoài. Đến mùa thu hoạch, ông thu được trên 92 triệu đồng, trừ chi phí , ông còn lãi 60 triệu đồng. Những năm tiếp theo, nhờ kinh nghiệm cộng thêm điều kiện khách quan ở địa phương hoàn thành hệ thống đê bao khép kín chống lũ, ông sản xuất 3 vụ ăn chắc, trồng đậu nành rau, dưa leo, đậu xanh. Trong vườn trồng xen chuối, tre, trúc, nuôi gia cầm...mỗi năm ông thu lợi nhuận từ 70 đến 80 triệu đồng. Cũng có lúc cầm tấm bằng Luật trong tay, lòng ông xốn xang. Nhưng vì tương lai hạnh phúc của con, lấy thành tích học của con làm niềm vui và niềm vui lớn nhất của ông là có điều kiện nuôi con ăn học thành đạt, không đứa nào phải bỏ học nửa chừng.
Thấu hiểu sự hy sinh của cha, sự nhọc nhằn của mẹ, các con ông rất siêng năng ăn học, cuộc sống gia đình ổn định, từ nghèo khó đã trở nên khá giả, lòng ông lúc nào cũng ấm lên vì hạnh phúc. tất cả con ông đều học hết cấp III, trong đó có 3 đứa có bằng đại học, đã lập gia đình và có việc làm ổn định, hiện đang công tác ở các cơ quan Giáo dục, Ngân hàng, Bưu điện, Nhà máy. Ông tâm sự: “ Ước nguyện lớn nhất cuộc đời tôi nay đã thành sự thật. Tất cả cũng nhờ Đảng. Các con đã thành tài, trở thành những công dân có ích cho xã hội. Tôi có nhiều thì giờ làm từ thiện xã hội, đóng góp ý kiến xây dựng, hợp tác với các hội, đoàn ở địa phương, nhất là Hội Nông dân, giúp cho nhiều nông dân biết áp dụng kỹ thuật vào nông nghiệp”.
Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chợ Mới cho biết: Kinh tế ổn định, mỗi năm thu lãi từ mô hình RVAC khoảng 80 triệu đồng. Con thành đạt, bằng tấm lòng “tương thân, tương ái”, trong 5 năm qua ông Phan Văn Thương đã đóng góp cho xã hội trên 25 triệu đồng và trên 500 ngày công lao động cùng địa phương xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. Với những thành tích đã đạt được, ông xứng đáng là một người nông dân điển hình làm kinh tế nuôi con ăn học thành đạt. Ghi nhận thành tích này, năm qua ông được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Trích đăng từ Báo cáo điển hình tiên tiến, Đại hội thi đua tỉnh An Giang lần III- năm 2005 |