Tìm kiếm thông tin:
  Chuyên đề Bạn nhà nông
Nuôi
Trồng
Giống
Vật tư
Thiết bị - Công cụ
  Nhà nông tôn vinh
DNghiệp thân thiện
SPhẩm ưa chuộng
Nông dân thành đạt
  Trao đổi kinh nghiệm
Kinh nghiệm SX
Hỏi & đáp
  Danh bạ Bạn nhà nông
Cơ quan - Ban nghành
Hội - Hiệp hội
DN Sản xuất
DN Chế biến
DN D.Vụ-Thương mại
Trang trại
  Giới thiệu Bạn nhà nông
Website
Cẩm nang
Hồ sơ
Liên hệ


 Nông dân thành đạt

Sáng tạo vì lợi ích của nông dân.

Cho tới bây giờ, không ít nông dân miền Tây vẫn chưa biết cái máy sạ hàng, máy lẩy hạt bắp, máy trục bùn... do ai chế ra cho mình sử dụng. Đầu tiên là mấy cái máy làm mẫu xuất xứ từ Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), sau đó đưa vào thử nghiệm có kết quả, vậy là nhiều cơ sở sản xuất thấy cơ hội làm ăn liền xáp vô sản xuất hàng loạt. Đã vậy, có lần các cơ sở sản xuất còn tranh nhau chuyện bản quyền kiểu dáng công nghệ. Còn tác giả của những chiếc máy ấy vẫn lặng lẽ cười, bởi theo ông làm được việc gì giúp nông dân mình bớt cực là cảm thấy vui lắm rồi, chứ chờ đăng ký kiểu dáng công nghệ độc quyền thì nông dân mình chờ dài cổ cũng chưa có máy móc để làm nữa!

Tác giả của những chiếc máy đó là Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, hiện đang là Phó viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ điện & Kỹ thuật Nông nghiệp Nam bộ. Hỏi ông về chuyện bản quyền, ông nói thì cứ thử nghĩ xem, mấy cơ sở cơ khí địa phương nhỏ lẻ dù họ “cóp mẫu” thì cũng đi kiện làm gì, bởi họ sản xuất càng nhiều thì giá thành càng hạ, nông dân mình càng có lợi.

" mấy cơ sở cơ khí địa phương nhỏ lẻ dù họ “cóp mẫu” thì cũng đi kiện làm gì, bởi họ sản xuất càng nhiều thì giá thành càng hạ, nông dân mình càng có lợi...."

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh kể, ông sinh ra trong một gia đình nông dân ở Vĩnh Long. Từ khi còn đi học, mỗi lần theo cha mẹ ra đồng sạ lúa, gặt lúa hay phơi lúa, nhìn thấy cảnh cha mẹ cực khổ do mọi việc đồng áng không có máy móc gì hỗ trợ, mà năng suất làm ra không cao, ông nghĩ đến chuyện phải làm ra những chiếc máy giúp người nông dân. Khi học hết phổ thông, chàng trai nông dân Lê Văn Bảnh đã chọn thi vào đại học ngành cơ khí nông nghiệp.

Tốt nghiệp đại học ngành Cơ khí Nông nghiệp năm 1980, khóa học đầu tiên sau giải phóng của Trường Đại học Cần Thơ. Ra trường, nhiều bạn bè đã xin về các đơn vị kinh doanh, có nhiều cơ hội thăng tiến, còn chàng trai Lê Văn Bảnh xin về công tác tại Viện Lúa ĐBSCL để theo đuổi con đường học tập, nghiên cứu phục vụ sản xuất nông nghiệp, giúp bà con nông dân. Tiếp sau đó, Lê Văn Bảnh lại tiếp tục nghiên cứu ròng rã suốt 6 năm trời ở Viện Cơ điện Nông nghiệp Trung ương (Hà Nội) để làm luận văn tiến sĩ, với đề tài ông theo đuổi từ nhỏ là nghiên cứu, sản xuất những chiếc máy nông cụ phục vụ cho nông dân đồng bằng.

Việc nghiên cứu sản xuất chiếc máy sạ hàng là một câu chuyện lý thú. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh nói, xuất xứ của chiếc máy sạ hàng có từ Viện lúa Quốc tế IRRI ở Philippine. Nhưng máy chỉ làm được trên những thửa đất nhỏ, bằng phẳng và chủ yếu hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, còn đưa ra phổ biến đại trà không thích hợp. Vào giữa thập niên 90, Thạc sĩ Manaligod từ IRRI sang Việt Nam có mang theo một số mẫu máy nông cụ, trong đó có máy sạ hàng và cùng với Tiến sĩ Lê Văn Bảnh thực hiện trình diễn trên đồng ở Viện Lúa ĐBSCL và ở tỉnh Sóc Trăng. Xét về tính năng thì đạt, nhưng nghiệm thấy về mặt nông học thì không. Bởi vì mặt ruộng bên mình lỏi sỏi, trong khi nguyên sơ máy sạ hàng của IRRI chỉ có một bánh đặt ở giữa và hai bàn trượt ở hai bên. Thế là ông tìm hiểu, nghiên cứu cải tiến thành máy có hai bánh hai bên. “Mà đâu có đơn giản như vậy.

Bài toán phải tính là từ vòng quay bánh xe lăn trên đồng có bao nhiêu hạt lúa rơi đều xuống trên một diện tích ấn định. Hơn nữa, nước mình có tới mấy trăm giống lúa, nào là giống hạt ngắn, hạt dài, làm sao để trống xoay rải lúa giống sau khi đã ủ, rơi đều không bị vướng?” – ông kể. Vậy là phải tập trung cải tiến, kiểm nghiệm trên đồng, rồi lại cải tiến, thực nghiệm… để giải được bài toán và cho ra đời máy sạ hàng phù hợp với đồng đất ĐBSCL.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh là một trong tập thể 10 cán bộ khoa học của Viện Lúa ĐBSCL vinh dự được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về các công trình nghiên cứu khoa học đem lại lợi ích cho cộng đồng. Cá nhân ông còn được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen của Tổng LĐLĐ Việt Nam về lao động sáng tạo…

Nhưng cải tiến, chế tạo là một chuyện, còn làm sao chuyển giao cho nông dân sử dụng là chuyện khác. Suốt 4 năm ròng từ 1994-1997, chiếc máy sạ hàng theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh đi khắp ruộng đồng để trình diễn, thuyết phục nông dân sử dụng. Để nông dân yên tâm, Tiến sĩ Lê Văn Bảnh đưa ra biện pháp “bao năng suất” – nghĩa là nếu áp dụng sạ hàng mà năng suất thấp thì nông dân sẽ được bù vào cho đạt năng suất đã định. Kết quả kiểm chứng cho thấy ruộng lúa sạ hàng so với cách sạ lan truyền thống thì lúa ruộng sạ hàng hạt bóng mẩy, năng suất bình quân vụ hè thu 4,5 tấn/ha, cao hơn ruộng sạ lan 1,5 tấn/ha.

Ngoài ra, lượng phân tiết kiệm được từ 15-20%, sâu bệnh ít hơn và đặc biệt tiết kiệm hơn 50% lúa giống, chỉ 70-100kg/ha, so với sạ lan trước đây tới 200-300 kg/ha! “Thiệt là, chưa gặt lúa đã thấy lời. Vậy mà có lần ở xã Đông Thành, huyện Bình Minh (Vĩnh Long), dù có cam đoan “bao năng suất” với một bác nông dân dùng máy sạ hang theo mô hình trình diễn, nhưng lúa mới sạ được vài ngày, khi quay lại thăm đồng thấy lúa trên ruộng sạ sao mà dầy ken hết. Hỏi ra mới biết, bác nông dân ấy thấy lúa sạ hàng thưa quá, đâm lo nên lén ra rải dặm thêm!” – Tiến sĩ Lê Văn Bảnh kể.

Ban đầu chỉ phổ biến ở khu vực Cần Thơ, bây giờ chiếc máy sạ hàng trở nên phổ biến khắp ĐBSCL và ra tận miền Trung. Nhiều doanh nghiệp và cơ sở sản xuất cơ khí đến Viện Lúa ĐBSCL tìm mua. Họ đi xe du lịch, đến mua vài cái về làm mẫu rồi tìm cách sản xuất hàng loạt bằng những vật liệu rẻ tiền bán cho bà con nông dân. Về sau gặp lại Tiến sĩ Bảnh, một chủ doanh nghiệp nọ tiết lộ đã bán cho nông dân An Giang hơn 600 cái và tỏ lời...cám ơn!

Trong thời gian công tác ở Viện Lúa ĐBSCL, ông đã cùng với đồng nghiệp nghiên cứu sản xuất ra máy trục bùn, máy sạ hàng, máy tách hạt bắp, máy sấy lúa… phù hợp với điều kiện sản xuất nhỏ và đồng ruộng nước mình. Nhớ chuyến đi Đài Loan, ra ruộng nhìn thấy ốc bươu vàng bò lổm nhổm mà lúa vẫn tốt, ông lấy làm lạ sao nó không phá lúa. Tìm hiểu mới rõ, nông dân ở đây không sạ lan như ở miền Tây mình, mà họ dùng phương pháp cấy: lúc cấy xuống thì lúa đã cứng cáp nên ốc bươu vàng không ăn được nữa, còn nông dân mình sạ thì lúc lúa nảy mầm là bị ốc bươu vàng tấn công ngay. Mà diệt ốc bươu vàng rất khó, ảnh hưởng rất lớn môi trường. Vậy là Tiến sĩ Lê Văn Bảnh bắt tay nghiên cứu máy cấy lúa phù hợp với điều kiện và đồng ruộng miền Tây.

Với nhiều công trình nghiên cứu máy nông cụ đưa ra ứng dụng thành công, Tiến sĩ Lê Văn Bảnh là một trong tập thể 10 cán bộ khoa học của Viện Lúa ĐBSCL vinh dự được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về các công trình nghiên cứu khoa học đem lại lợi ích cho cộng đồng. Cá nhân ông còn được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen của Tổng LĐLĐ Việt Nam về lao động sáng tạo…

Cứ tưởng Tiến sĩ Lê Văn Bảnh suốt đời theo đuổi những chiếc máy nông cụ, nhưng giờ đây ông còn có một niềm đam mê khác, cũng là nhiệm vụ mới, cũng gắn với nông nghiệp nông thôn, là đào tạo nhân lực cho ngành nông nghiệp. Từ năm 1997 đến nay khi được giao thêm trách nhiệm Hiệu trưởng Trường Dạy nghề Nông nghiệp và PTNT Nam bộ (nay là Trường Trung học Cơ điện & Kỹ thuật Nam bộ), Tiến sĩ Lê Văn Bảnh đã dốc tâm, dốc sức cùng với tập thể nhà trường xây dựng nên một ngôi trường khang trang, đào tạo được nhiều ngành nghề phong phú cho ngành Nông nghiệp như hiện nay.

Ai có dịp đi xa rồi trở lại trường đều công nhận những đổi thay suốt 7 năm qua của ngôi trường này: cơ sở vật chất từ nhà cấp 4 xuống cấp đã được thay thế bằng những dãy nhà 2, 3 tầng khang trang. Trước chỉ có 3, 4 ngành nghề đào tạo đến nay đã có 14 ngành nghề, qui mô đào tạo từ 1.200 đến 1.500 sinh viên/ năm. Khi hỏi về thầy hiệu trưởng của mình, các giáo viên đều trân trọng bởi tác phong và nghị lực của một nhà khoa học, lòng tận tụy yêu nghề của một người thầy. Tập hợp được đội ngũ giáo viên giỏi, tận tụy với nghề, hiện nay số lượng và chất lượng đào tạo ở Trường không ngừng nâng lên, góp phần bổ sung nguồn lực cho ngành nông nghiệp đồng bằng, giúp nông dân tiếp cận được với khoa học kỹ thuật… Đây cũng là cách để giúp nông dân đỡ cơ cực, một ước nguyện ông ấp ủ từ thuở thiếu thời.

Mới đây, tôi còn nghe một chuyện vui: một chủ cơ sở sản xuất máy sạ hàng, sau khi ăn nên làm ra đã cất công đi tìm tác giả của chiếc máy để tỏ lòng biết ơn. Ông tiến sĩ ngoài 40 tuổi, có nụ cười thật hiền ấy vẫn từ tốn, nói: xin hãy gởi lời cám ơn tới Viện Lúa ĐBSCL, tới những nông dân quanh năm chân lấm tay bùn đã gợi cho tôi ý tưởng về những những chiếc máy này!

Nguồn: Báo Cần Thơ


° Các tin khác
• Đột phá để lên “vua”
• Bà “Chúa” nấm linh chi.
• Thành công trong chăn nuôi heo ở tuổi 30
• Chuyện " Anh Tư Liều "
• Trên trùn, dưới cá - Mô hình làm giàu
• Ông Thương làm giàu từ trồng chuối lùn.
• Máy tuốt lúa thương hiệu làng
• Ông chủ vườn ươm
• Nuôi cá cảnh thu 50-60 triệu đồmg/năm
• Người hiến đất, bỏ tiền mở đường liên thôn
• Nguyễn Văn Hưởng
• Nguyễn Văn Năm
• Trần Văn Xà
• Trương Thị Sáu
• Nguyễn Văn Phên
• Nguyễn Thành Long
• Huỳnh Ngọc Thành
• Nguyễn Văn Lập (Ba Lờ)
• Huỳnh Văn Dân
• Hoàng Thế Nhân
• Kim Ngọc Thi.
• Nguyễn Văn Bình
• Ngô Thị Ban.
• Nguyễn Văn Tiến
• Nguyễn Văn Hầm
• Chăn nuôi - trồng trọt
• Mô hình kinh tế tổng hợp vườn - ao - chuồng (VAC)
• Mô hình luân canh dưa hấu trên chân ruộng lúa
• Mô hình tôm - lúa - rau
• Người "nông dân vượt khó"

 

Trang web được thiết kế và lưu trữ tại VietnamNetweb