Đột phá để lên “vua”
Trong số 30 gương mặt nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu của TPHCM 30 năm qua (vừa được Hội Nông dân TP bình chọn), “vua” nấm bào ngư Phan Văn Yết, ngụ ấp Nhị Tân 1 xã Tân Thới Nhì huyện Hóc Môn được nhiều người chú ý bởi những bước đột phá thú vị trong chuyện làm ăn của ông.
Cách đây 5 năm, khi khởi nghiệp từ 10 triệu đồng vay vốn của Hội Nông dân, trại nấm bào ngư của ông chỉ là một cái chòi lá rộng vài trăm mét vuông vừa làm nơi ủ, trồng và bảo quản meo nấm. Nay thì trại nấm của ông quy mô đã lên đến hơn 2.000m2, mỗi ngày cung cấp cho thị trường 5 tấn nấm và mang lại cho ông thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.
Ông Yết cho biết, hai năm trở lại đây, ngoài cơ sở tại nhà, ông còn mở rộng phạm vi sản xuất ở nhiều địa phương khác như Long An, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp… với trên 100 hộ nghèo làm vệ tinh cho cơ sở của ông. Các điểm vệ tinh này cung cấp 1-2 tấn nấm/ngày, cung ứng sản phẩm cho các siêu thị, bếp tập thể, tiệm cơm chay, nhà máy nấm của Đài Loan, Hàn Quốc…
Nhờ vậy, các hộ này đều đã vượt nghèo và có thu nhập ổn định 30 triệu - 50 triệu đồng/hộ/năm. Theo ông Yết, nghề này, cứ một đồng vốn bỏ ra thì có một đồng lời. Công việc ít đòi hỏi công chăm sóc, hàng ngày chỉ cần tưới nước đầy đủ là được.
Trong khi đó, thị trường nấm ngày càng rộng mở vì nấm được xem là loại rau “sạch” do không bị ảnh hưởng bởi các loại thuốc trừ sâu, hóa chất, khói bụi khi trồng. Người tiêu dùng Việt Nam và trên thế giới ngày càng ưa chuộng, sử dụng nấm trong bữa ăn hàng ngày vì có nhiều chất dinh dưỡng và ngăn ngừa được nhiều bệnh.
Hiện nay có khá nhiều thương nhân Mỹ, Nhật, Đài Loan… đến cơ sở của ông đề nghị đặt hàng. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng nhiều của khách hàng, ông Yết đang mở rộng xưởng sản xuất lên quy mô 50.000 bịch, tương đương 15 tấn - 20 tấn/ngày.
Mới đây, ông Yết còn phối hợp với UBND huyện Hóc Môn hỗ trợ cho 10 hộ nông dân xã Tân Thới Nhì trồng nấm bào ngư theo phương thức: huyện hỗ trợ vốn vay cho người dân làm nhà trồng nấm, ông Yết cung cấp bịch nấm và bao tiêu sản phẩm (ứng trước 50% giá trị bịch nấm và số còn lại trừ dần trong các đợt thu hoạch nấm).
Ông cho biết: “Dự tính của tui trong thời gian tới là tiếp tục hỗ trợ cho bà con nông dân trong huyện phát triển nghề trồng nấm để làm giàu. Với thị trường rộng lớn, cây nấm là mô hình làm ăn thích hợp cho nông dân”. Bà con muốn biết thêm về kinh nghiệm trồng nấm có thể liên hệ số điện thoại 7.131.369 gặp ông Yết để được tư vấn.
Báo Sài Gòn giải phóng |