Chuyện " Anh Tư Liều "
Cái tên “Tư Liều” là do bà con nông dân trong ấp đặt cho Anh kể từ khi Anh bắt đầu làm giống . Anh tên là Liêu - Lê Minh Liêu - một cựu chiến binh đang sinh sống và sinh hoạt tại chi hội Cựu Chiến binh Ấp An Thành, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
Sau khi tham gia khóa huấn luyện “ Kỹ năng chọn tạo giống” cho nông dân tại xã trong vụ Thu Đông 2004, Anh bắt tay vào làm giống với ý định góp phần cải thiện công tác giống tại địa phương mình. Mới đầu, Anh nhờ mua được 5 kg giống OM 2514 nguyên chủng, Anh gieo mạ DaPô theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông. Vừa gieo mạ xong thì gặp ngay trận mưa đêm cuối mùa làm trôi hết phân nửa.
Anh tâm sự: “Mình tưởng tiêu hết rồi , mới “Dô” mà đã khó khăn ngay từ đầu”. Không nãn chí, Anh chăm sóc số mạ còn lại và cấy một tép, Anh căng dây phân lô cứ 4 m chừa đường ranh 40cm. Cấy hết số mạ, đo được 1670m2 . Khi công việc vừa hoàn tất là lúac Anh nhận được không biết bao lời cười chê của bà con nông dân cho rằng Anh “ Liều” và cái tên “ tư Liều” có từ lúc đó. Tiếng đồn đến tai vợ Anh, chị ra ruộng ngó xem và về nhà giận Anh không nói chuyện cả tháng.
Khi lúa vừa được tháng, thì bờ ruộng của Anh cũng là nơi bà con nông dân đi làm ngang qua đều ghé nghỉ chân để coi lúa và trầm trồ bàn tán. Trước đây chê cười bao nhiêu, thì nay khen bấy nhiêu và tìm đến Anh dặn mua giống. Anh Liêu nói: “ Tôi làm ở ngay đường đi sẽ có tác dụng gấp nhiều lần chương trình phát trên tivi hay cán bộ khuyến nông nói...”
Trưa ngày 25/02, trên đường đi công tác về ngang, tôi ghé thăm và chỉ thấy trên ruộng có 2 đống rơm nhỏ xíu. Hơi lo trong bụng nên về ghé nhà Anh, gặp chị Tư tôi hỏi :
- Anh Tư suốt lúa được mấy bao hả chị?
Chị Tư cười thật tươi:
- Thấy cắt đống lúa có chút xíu tôi tưởng thất, ai dè suốt ra được 30 bao còn dư một khúc.
- Vậy lúa đâu chị? Tôi hỏi
- Trời ơi có đủ đâu vào đâu, bà con dặn mua hết cả rồi, ổng bán giá 3.000đ/kg . Tính sơ sơ lời được hơn 3 triệu, tôi mừng quá.
Anh Tư cho biết, trong vụ hè thu 2005 Anh sẽ tiếp tục cấy làm giống khoảng 1,5 ha và thành lập tổ dịch vụ kéo hàng thuê với giá 7.000 đ/công.
Diện tích giống của Anh còn nhỏ, lượng giống Anh cung cấp chưa nhiều nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ của nông dân nhất là trong vùng sâu có nhiều bà con dân tộc Khơmer vốn dĩ rất khó thay đổi tập quán của mình. Góp phần tích cực đẩy mạnh chương trình “ Xã hội hoá công tác giống của tỉnh An Giang”
Tôi nghĩ từ đốm nhỏ này nếu chúng ta khéo giữ và thêm bổi đúng lúc, chắc chắn sẽ thành đống lửa lớn. Thiết nghĩ cần có sự khen thưởng động viên kịp thời của các cấp để khích lệ tinh thần dám nghĩ dám làm của Anh Tư.
Phạm Thành Tâm, Trạm Khuyến nông Tri Tôn |