Máy tuốt lúa thương hiệu làng
Để trở thành nhà chế tạo máy tuốt lúa mang thương hiệu làng và trở nên
khá giả, Đào Tuấn Khanh (thôn Phong Giang, huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình) đã từng
phải chèo lái cả nhà qua khỏi biết bao cơn bĩ cực, thậm chí có lúc tưởng phải đi
ăn mày, tưởng có thể thất lạc ngay chính trên quê hương mình... Bây giờ, máy
tuốt lúa của anh đã tốt hơn, bền hơn, rẻ và tiện dụng hơn những máy tuốt lúa
đang có mặt trên thị trường - như đánh giá của nhiều bà con nông dân...
Những năm ngọn khoai chấm muối
May mắn duy nhất đối với Đào Tuấn Khanh có lẽ anh đã giắt lưng
được cái bằng trung học công nghiệp học ở Nghệ An những năm 1967-1970. Tốt
nghiệp, anh Khanh lại ra Thái Nguyên học tiếp một năm công nhân kỹ thuật nữa,
sau đó đi bộ đội, trở thành lính thợ ở đơn vị Z173, rồi Z153 của Tổng cục Kỹ
thuật. Thời gian này, anh lính thợ Đào Tuấn Khanh đã cùng đồng đội mình sửa chữa
nhiều xe tăng cho chiến trường, nhưng đáng kể nhất như anh khoe: "Theo yêu cầu
cụ thể của mặt trận, lính kỹ thuật chúng tôi phải tìm cách cải tiến thêm khả
năng chiến đấu mới đối với loại xe tăng đưa từ Liên Xô về. Dưới sự chỉ đạo kỹ
thuật của Anh hùng quân đội Ngô Gia Khảm, chúng tôi đã tháo rời tháp pháo trên
xe tăng Liên Xô, thay vào đó là giàn tên lửa mặt đất. Làm như thế, xe tăng trở
thành một giàn tên lửa di chuyển trong mọi địa hình và đóng góp rất lớn trong
chiến dịch Đường 9 Nam Lào.
Tiếp đó, chúng tôi lại nhận nhiệm vụ cải tiến xe tải của Liên
Xô viện trợ thành các loại xe tự hành, có thể chạy trên đường bộ, có thể lội như
cá trên nước, giúp bộ đội cơ động mọi địa hình của chiến trường. Những năm này,
tui thêm được rất nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp, tưởng theo đuổi nghề này mãi,
nhưng không ngờ, cuộc đời tui lại phải rẽ ngoặt đột ngột vì hoàn cảnh gia đình
anh ạ". Nhà anh ở quê, bố mẹ già yếu sống với cô em gái quá cực khổ. Anh ra
quân, chuyển ngành một thời gian, đến năm 1985 thì quyết định xin ra khỏi biên
chế, đưa vợ và ba đứa con về làng để làm cho tròn phận sự nuôi dưỡng cha mẹ.
Từ lúc đó, vợ chồng Đào Tuấn Khanh đương đầu với một cuộc sống
vô cùng gian khó. Năm 1985, bão lớn, ngôi nhà vốn tồi tàn đã bị bão đánh sập.
Anh phải dựng tạm, che chắn phên giậu bằng lá chuối. Để kiếm sống, anh cùng đứa
con ngày ngày lên rừng hái củi bán lấy tiền mua gạo. Nhưng kế sinh nhai ấy cũng
không ổn.
Sau vợ chồng anh đi làm thuê, cấy thuê, cuốc đất thuê, ai sai
gì cũng làm. Bữa cơm hàng ngày không còn là bữa cơm, chỉ là những cọng khoai
luộc lên chấm muối, ăn với khoai sắn. Là trụ cột của gia đình, anh Khanh quay
cuồng trong mọi kế sinh nhai, cố sức chèo chống cả nhà khỏi cảnh chết đói. Vợ
yếu, con nhỏ, bố mẹ già cả, tất cả mọi lo toan dồn lên tấm thân anh. Sau những
năm dài cay đắng ấy, đến một kỳ, anh nảy ra chuyện xin vỡ đất trồng lúa ở những
mảnh ruộng bị bỏ hoang. Cả nhà anh lăn lưng vào cày cuốc. Cứ có miếng ruộng nào
bỏ hoang anh cũng lăn vào làm. May mắn năm đó cả nhà thu được một tấn lúa. Đó là
một tài sản khổng lồ.
Và sau nhiều đêm không ngủ, anh nôn nao nghĩ đến nghề cơ khí
trong tay mình không biết làm gì. Anh quyết định bán đi một nửa số thóc có được
,vay giật thêm bà con, mở lò rèn, hàng ngày rèn con dao, cái rựa, cuốc xẻng đem
chợ bán đong gạo. Anh Khanh bồi hồi: "Với thợ cơ khí, khi lò rèn đỏ lửa là nghề
bắt đầu sống. Tui nhìn ngọn lửa lò rèn và tự nói rằng, tui không thể để gia đình
cứ phải ăn rau khoai chấm muối mãi được. Tui phải sống bằng nghề của tui. Tui
phải gây dựng lại nghề cơ khí của tui ở làng mình. Chỉ có cách đó mới thoát
khổ".
Tốt, rẻ và tiện lợi...
Vào năm 1988, ở Lệ Thủy, người ta mua từ trong miền Nam ra một
cái máy tuốt lúa. Đây là một sự kiện mới. Bà con đổ đến xem và lấy làm vui khi
trên đồng đất quê mình, máy móc đang thay thế dần sức lao động mệt nhọc của con
người. Anh Khanh cũng đến xem máy, xem xét kỹ càng và cảm thấy không mấy hài
lòng khi cái máy ấy tuốt được lúa nhưng không sạch, lúa và rơm vẫn ra lẫn với
nhau, hạt lúa thậm chí còn bị giập nát. Máu nghề nổi lên. Anh Khanh quyết chí
chế tạo cái máy tuốt lúa của riêng mình. Những tài liệu có được trong tay anh
mang ra đọc lại. Rồi những đêm dài đo đạc, thiết kế, kẻ vẽ, tính toán.
Anh kể: "Tui tìm ra nguyên nhân khiếm khuyết của đa số máy tuốt
lúa bán trên thị trường là mới đạt được chức năng đập lúa chứ không phải tuốt
lúa. Điều đó cho tôi một quyết định táo bạo là phải cải tiến cho được bộ răng
đập của máy. Tôi nghiên cứu, tính toán chi li góc độ, góc nghiêng của răng, độ
vát của răng, tính lại khoảng cách cần thiết từ sàng đến đầu đỉnh răng, phải làm
sao khi máy tuốt được lúa, rơm và rác bụi phải tung ra một phía, hạt lúa sạch
rơi một phía khác. Lại còn phải điều chỉnh chính xác độ dao động của sàng. Cuối
cùng là làm sao để người sử dụng được tiện lợi nhất và an toàn nhất". Vào năm
1988 đáng nhớ, cái máy tuốt lúa do chính anh Khanh chế tạo đã ra đời. Không ai
tin. Không ai để mắt đến. Anh Khanh đưa máy đi tuốt thuê cho bà con. Tận mắt
nhìn thấy cái máy tuốt lúa do chính anh Khanh làm tuốt nhanh hơn, tốt hơn, sạch
hơn những máy bà con đã mua về, lúc đó bà con mới tin.
Lúc đầu một vài người đến đặt mua, sau rồi nhiều người mua, anh
Khanh bán được máy, có lãi, có vốn, anh lại tiếp tục cải tiến lần nữa. Máy đầu
tiên của anh tuy làm tốt các chức năng nhưng quá nặng nề, phải ba bốn người di
chuyển vận hành. Anh Khanh quyết định sử dụng động cơ của máy công nông, tự chế
tạo thêm tay lái, bộ ly hợp, tay chuyền chuyển động, hệ thống cắt côn, phanh rồi
lắp vào cái máy tuốt lúa của mình. Như thế, chỉ cần một người, họ có thể tự lái
chiếc máy tuốt lúa đi đến từng nhà, từng chân ruộng mà không phải dùng ba bốn
người đẩy máy như trước. Với cái máy tuốt lúa đã được cải tiến này, anh Khanh
bán máy rất chạy. Bà con từ tỉnh Quảng Trị ra mua, ở Thanh Hóa vào mua, còn hầu
hết các huyện, thị trong tỉnh Quảng Bình đều đến mua. Đến thời điểm này anh đã
bán được khoảng 70 máy.
Anh Khanh khẳng định: "Tui bán máy nhưng có cam kết với bà con
là tui sẵn sàng bảo hành miễn phí vô thời hạn. Nhỡ ra máy có trục trặc gì, xa
mấy tui cũng đến sửa chữa, bà con rất tin". Từ ngày có máy tuốt lúa tự hành ra
đời, những máy tuốt lúa của các nơi khác mang đến bán đã không bán được nhiều
như trước. Chỉ đơn giản là máy anh Khanh đạt được ba yêu cầu cơ bản của thị
trường: Tốt, rẻ và tiện lợi. Giá mỗi máy hiện nay là 7,5 triệu đồng và có thể
mua bằng hình thức trả chậm. Nhờ vào công việc cơ khí của mình, anh Khanh giải
quyết được việc làm cho 6 lao động trong thôn. Nói về thương hiệu, anh Khanh
cười: "Cũng có người khuyên tôi nên đặt tên thương hiệu cho máy của mình. Nhưng
mình là thợ cơ khí làng, chẳng có cái thương hiệu nào bằng uy tín.
Ai đến làng tìm mua máy, bà con giới thiệu, bà con khen ngợi,
rứa là coi như sản phẩm đã được bảo đảm bằng uy tín của người dùng. Dù gì thì
tui cũng là anh nông dân. Tui biết cách làm cái máy cho nông dân dùng. Tui dùng
được thì bà con dùng được anh ạ".
*** Anh Khanh đưa tôi đi vòng vòng quanh làng, đến xem những
cái máy tuốt lúa do anh sản xuất đang được bà con sử dụng. Anh hoan hỉ và hạnh
phúc trước những sản phẩm của mình. Bằng nghề nghiệp, anh Khanh đã thực sự có
một bước tiến dài về đời sống, trở nên khá giả và tiếng tăm chế tạo máy móc của
anh đã vang rộng khắp vùng. Còn tôi, tha thẩn vào một buổi chiều bên sông Kiến
Giang, lại tự hỏi mình: Tại sao một anh nông dân với cái bằng trung cấp kỹ thuật
vẫn có thể chế tạo ra máy móc nông nghiệp được ưa chuộng, trong khi ở các nhà
máy cơ khí lớn, có biết bao thợ cơ khí, kỹ sư, thậm chí là nhà khoa học vẫn lúng
túng như gà mắc tóc, không có cách gì tung ra thị trường những máy móc nông
nghiệp hợp lòng bà con mình? Phải chăng, ngoài kiến thức, con người ta trước hết
cần một tấm lòng, cần một sự gắn bó máu thịt thực sự, trăn trở thực sự với đời
sống người nông dân, theo sát nhịp sống của họ, nhu cầu của họ mới có thể tạo ra
được những sản phẩm cho chính họ. Máy móc từ công xưởng đến tận chân ruộng vẫn
còn là một khoảng cách.
Nguyễn Quang
Vinh
|