Nguyễn Văn Hưởng
Nguyễn Văn Hưởng Ấp Tân Quy II, xã Phú An, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
Là một giáo viên, cuộc sống vốn nhiều khó khăn bởi nghề gõ đầu trẻ, từ lâu, anh Nguyễn văn Hưởng đã luôn nỗ lực để cải thiện cuộc sống, để có thể vững tâm đứng trên bục giảng. Và với vốn tri thức sẵn có của mình cùng với sự cần mẫn, chịu khó, hai anh chị đã có cuộc sống ổn định hơn.
Nhưng mọi chuyện cũng đâu có dễ dàng, nhớ về giai đoạn đầu tiên, anh kể lại: năm 1982, tôi dành dụm tiền lương nuôi 50 con gà tại nhà ở tập thể của giáo viên. Sau khi bán lứa gà này, tôi mua 1 con heo và nuôi để nái. Lứa đầu tiên gần đến ngày bán thì phát bệnh chết 2 con. Tôi phải lặn lội ra thị trấn tìm thuốc trị, vừa điều trị vừa học hỏi. Và với quyết tâm của mình, vừa học hỏi từ sách báo, nghe Đài, vừa thử nghiệm trên đàn heo gia đình, tôi đã có thêm nhiều kinh nghiệm và thế là đến lứa heo thứ 2 trở đi, mọi việc đã tốt đẹp.
Năm 1984, anh tích lũy mua được 2,5 công đất vườn để cất nhà và làm chuồng nuôi heo. Từ chổ điều trị heo nhà, anh có nhiều kinh nghiệm nên điều trị cho heo những nhà xung quanh,... mát tay nên được bà con tín nhiệm và cứ thế tới năm 1985 thì anh đã hành nghề thú y cho toàn xã An Phú Tân.
Vừa làm vừa tích lũy, đến năm 1985 thì anh mua thêm được 5 công đất vườn. Lúc này, vừa làm thú y, vừa làm vườn, vừa chăn nuôi, vừa dạy học,.... biết bao nhiêu là việc và anh đã tìm được người cùng chung chí hướng.
Năm 1990, anh lập gia đình với một cô giáo chung trường và với hai người, niềm tin được nhân đôi, động lực cũng nhân đôi. Họ đã chung tay cùng xây dựng một gia đình hạnh phúc, cuộc sống kinh tế ổn định.
Năm 1992, sau 2 năm hai vợ chồng chung tay xây dựng, anh chị lại mua thêm được 2,5 công đất vườn nữa đế tăng diện tích trồng trọt, đến năm 1995, lúc này phong trào nuôi heo đã tạm lắng, nhường lại cho phong trào trồng trọt, cải tạo vườn tạp. Anh đã tập trung vào cây nhãn tiêu da bò và một lần nữa, tri thức cùng với nỗ lực dã giúp anh thành công trong việc xử lý nhãn ra hoa.
Thành công tiếp nói thành công, năm 2000, anh chị mua thêm được 4 công đất nữa, đất này đã trồng sẵn măng cụt và chôm chôm. Việc nhiều hơn nhưng hiệu quả mang lại cũng nhiều hơn nên anh chị càng nỗ lực phấn đấu, đầu năm 2003 anh đã hùn vốn để đóng bè nuôi cá trên sông Hậu.
Hàng năm, mức thu nhập của vợ chồng anh chị từ nhãn, măng cụt, chôm chôm, dừa, cá bè,.... được khoảng 62 triệu đồng/năm. Và trong năm 2004 này, không chỉ sản xuất như cũ, anh còn lặn lội xuống tận Tp Hồ Chí Minh mua giống tre lục trúc về trong và nhân giống bán lại cho bà con, và đã bán được hơn 100 mâm tre giống cho bà con các xã lân cận. Đây là giống tre trồng lấy măng đang thu hút trên thị trường. Hiệu quả kinh tế theo như anh ước tính cũng đạt khá, nếu bán được nhiều cũng được thêm hơn 10 triệu đồng/năm.
Có thể thấy, anh Nguyễn Văn Hưởng dù là nhà giáo nông dân nhưng sản xuất nông nghiệp không hề thua kém một nông dân thứ thiệt. Anh luôn năng động nắm bạt được thị hiếu của thị trường để có hướng đầu tư sản xuất phù hợp, mô hình sản xuất của gia đình anh không cố định mà luôn có sự đổi mới, một sự đổi mới kịp thời đã giúp anh mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất. Ngoài việc lo làm tốt nhiệm vụ của một người giáo viên, một nông dân giỏi, anh còn là một công dân gương mẫu ở địa phương, anh luôn tận tình chỉ dẫn bà con những kiến thức, kinh nghiệm mà mình đã áp dụng thành công trong mô hình sản xuất của mình.
Đài Tiếng nói Nhân dân Tp Hồ Chí Minh |