Nguyễn Văn Phên
Nguyễn Văn Phên Tổ 1, ấp Cầu Xe, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.
Trước đây gia đình tôi có 50 cao đất ruộng gò, là loại đất xám bạc màu, đất này chỉ làm được một vụ lúa mùa, năng suất lúa thì luôn phụ thuộc vào nước trời, năm nào mưa nhiều thì thu hoạch được vài chục giạ chỉ tạm đủ sống qua ngày, năm nào mưa ít thì ruộng lúa toàn là đồng cỏ dại, mùa nắng thì ruộng bỏ hoang, bởi vì mạch nước ngầm quá sâu, nước mọi lại quá ít không đủ nước phục vụ cho mùa khô. Thấy đất hoang, đồng ruộng, cỏ nhiều – tôi mới nghĩ ngay đến việc chăn nuôi bò cái sinh sản, bước đầu do không có đủ tiền tôi phải đi làm thuê làm mướn và vay mượn thêm tiền tôi mua được một con bò cái nhỏ. Sau 3 năm chăm sóc kỷ, bò lớn đẻ được 1 con bò con. Mừng lắm, nhưng tôi thấy việc chăn nuôi bò cái không thuận lợi hơn là chăn nuôi trâu cái, bởi vì mình làm ruộng mà phải mướn trâu cày ruộng, lại phải tốn thêm chi phí.
Thấy vậy, tôi mới bán hết bò và mua lại 2 con trâu cái, nhờ chăm sóc kỷ nên trâu mau lớn, trâu vừa giúp cày kéo việc nhà, lại vừa giúp việc cày kéo mướn cho bà con láng giềng trong những lúc rảnh rỗi, trâu cái vừa làm vừa sinh sản, sau 5 năm tôi có một đàn trâu tổng cộng 8 con, trâu con lớn lên tôi bán đi mua vàng dành dụm. Ngoài ra, tôi cũng không ngừng tăng gia sản xuất do đất ruộng gò trồng lúa khó khăn, nên hàng năm vào đầu mùa mưa tôi lặn lội vào khu vực rừng cầy vàng để khai phá đất rừng mỗi năm một ít để tỉa thêm lúa rẫy, chủ yếu là để có lúa ăn.
Theo như kế hoạch sắp xếp, phát rẫy tới đâu là tôi trỉa lúa và trồng xen điều trong lúa tới đó. Sau 6 năm khai phá đất rừng, tôi có được 3,5ha đất rẫy lúa có trồng xen điều. Cây điều rất dễ trồng, đất mới không cần đầu tư vốn nhiều, chỉ cần chọn hột tốt trồng xuống băm chồi rừng sạch sẽ 3 năm là điều đã cho thu hoạch trái, và sản lượng hột điều cứ tăng dần theo diện tích hàng năm tôi đã khai phá, đến năm thứ 9 vườn điều tôi đã cho trái hoàn toàn, mỗi năm thu hoạch trung bình khoảng 3,2 tấn hạt điều, giá 8.000đ/kg.
Nhờ có tiền thu hoạch hàng năm nhờ cây điều cộng với số tiền bán trâu con nuôi lớn hàng năm tôi đã tích lũy dành dụm, mua thêm được 1,15ha đất ruộng gò. Dòng nước kênh Đông được hình thành chạy ngang qua vùng đất quê tôi, kênh nội đồng cũng được xuất hiện, nhờ vậy vùng đất ruộng gò quê tôi trước đây chỉ làm được 1 vụ lúa mùa, nay tăng lên làm được 3 vụ, trong đó 2 vụ lúa, và 1 vụ đậu phôïng đông xuân được coi là thế mạnh nhất, đồng thời bên cạnh đó các tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng được áp dụng đưa vào đồng ruộng nên năng suất cây trồng tăng rất khả quan.
Với kinh nghiệm sản xuất của mình trong nhiều năm qua, mỗi năm tôi đều chuyển đổi luân canh cây trồng khác nhau trên cùng một chân đất. Nghĩa là năm nay tôi trồng lúa, đậu – sang năm tôi trồng lúa, bắp – năm tới nữa tôi trồng lúa, dưa hấu, hoặc các hoa màu khác …. Cứ thế tôi áp dụng cách làm xoay vòng, nhờ vậy đất bạc màu được cải tạo tốt, cây trồng nào cũng có tác dụng tương hỗ lẫn nhau đều cho năng suất cao, chất lượng tốt, ít sâu bệnh.
Riêng đối với vùng đất rừng cày vàng trước kia tôi khai phá trỉa lúa trồng điều, qua nhiều năm thu hoạch cây điều càng ngày càng nhiều sâu bệnh, năng suất thấp, tôi mới quyết định phá vườn điều và trồng thế vào đó là cây cao su. Mấy năm đầu mới trồng cao su đất còn trống, để lấy ngắn nuôi dài, vào mùa mưa tôi trồng xen cây đậu phộng theo khoảng trống vừa cải tạo được đất, lại vừa thu hoạch được đậu để giống cho vụ đông xuân, số còn thừa tôi bán đậu giống mỗi vụ trung bình khoảng 1.950kg x 7.400đ = thu được 14.430.000đ.
Riêng về phần chăn nuôi trâu cái sinh sản, kể từ khi có nguồn nước Lòng Hồ Dầu Tiếng phục vụ tốt, đất ruộng luôn xoay vòng 3 vụ, nên không thuận lợi cho việc chăn thả trâu cái sinh sản, hơn nữa do đất tăng 3 vụ nhu cầu dùng sức trâu đực cày kéo ngày càng nhiều hơn, nhất là đối với những nơi đất trũng lầy mà cơ giới không thể phục vụ được. Thấy vậy tôi mới bán hết số trâu cái và mua lại 2 con trâu đực lứa, nhờ có sức trâu gia đình tôi giãm bớt được công chi phí trong sản xuất, và giãm bớt được lượng phân bón hóa học nhờ có phân trâu hỗ trợ bón lót cho ruộng thật đáng kể, thời gian rảnh tôi còn nhận ký hợp đồng cày kéo giúp bà con quanh vùng mỗi vụ thu nhập khoảng 1.400.000đ. Trâu đực dễ nuôi vừa làm vừa mau lớn, sau 6 tháng nuôi kỷ tôi xuất chuồng một lần và tôi mua lại đôi trâu đực lứa khác nuôi và để làm tiếp, cứ thế mỗi năm tôi xuất chuồng 2 – 3 lần bán trâu, lời tổng cộng bình quân khoảng 3.000.000đ.
Ngoài ra, tôi cũng còn tận dụng các phụ phẩm từ sản xuất thảy ra như rơm, thân cây đậu phọng tôi phơi khô cất kỷ dùng để nuôi thêm bò đực vỗ béo, số bò luôn dao động từ 2 tới 4 con, mỗi năm xuất chuồng 2 – 3 lần, lời bình quân khoảng 10.000.000đ. Với các mô hình làm ăn kết hợp như trên, năm 2003 với tổng diện tích 1,65ha đất ruộng sản xuất trong 3 vụ, tôi đạt được kết quả là:
- Vụ 1: Đông Xuân tôi trồng giống bắp lai F1 G49 – được 23 triệu đồng.
- Vụ 2: Hè Thu tôi trồng lúa – được hơn 20 triệu đồng.
- Vụ 3: Lúa vụ mùa – thu được hơn 23 triệu đồng, cộng với vụ đậu phộng Thu Đông, tiền lãi bò và trâu nuôi vỗ béo, tiền thu nhập từ việc dùng sức trâu cày kéo mướn cả năm 3 vụ, nên năm 2003 tổng thu nhập của gia đình tôi là 99 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lời 74 triệu đồng.
Vụ đông xuân 2004, tôi trồng đậu phộng thu được 34 triệu, cùng với việc dùng trâu bò cày kéo thêm, tổng thu nhập của tôi là 40 triệu đồng, trừ chi phí tôi còn hưởng lời được 28 triệu đồng. Nhờ các mô hình làm ăn hiệu quả trên đây mà gia đình tôi khắm khá lên, xây được nhà kiên cố, và mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt trong gia đình, 2 đứa con ăn học đến nơi đến chốn, và mua thêm đựơc 2 khu đất mặt tiền có giá trị, gia đình được bầu chọn là gia đình văn hóa, và tôi đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Tỉnh, tất cả cũng là nhờ mô hình sản xuất tôi vừa trình bày. Hy vọng qua mô hình của tôi, nhiều bà con nghèo có thể tham khảo và rút kinh nghiệm sản xuất cho gia mình, mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định cuộc sống.
Đài Tiếng nói Nhân dân Tp Hồ Chí Minh |