Mô hình trồng rau muống lấy hạt_dưa leo_bắp lai
Nguyễn văn Tài, số 90b, ấp Tân Thới, xã Tân Hòa, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự ở chiến trường Campuchia, tôi được phục viên trở về địa phương, sau đó thì tôi lập gia đình. Hai vợ chồng non trẻ, không đất sản xuất nên cuộc sống cực khổ trăm bề. Thấy vậy, chính quyền địa phương đã giúp đỡ cho vợ chồng tôi bằng cách cấp 2000m2 đất trồng cây màu. Thế là, để không phụ lòng tin của mọi người, vợ chồng tôi bắt tay ngay vào công việc. Bước đầu chúng tôi trồng các loại cây quen thuộc như cà chua, dưa leo, dưa hấu và nhờ đó mà cuộc sống dần được cải thiện. Tuy vậy, vợ chồng chúng tôi vẫn chưa bằng lòng với hiện tại và luôn trăn trở phải làm sao tìm ra mô hình gì khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, phải thực sự vượt nghèo và làm giàu bằng đôi bàn tay và khối óc của mình.
Qua nhiều lần đi tìm tòi, học hỏi, đúc kết kinh nghiệm, tôi quyết định chuyển sang trồng rau muống lấy hạt và trồng bắp lai. Đó là năm 1997, thời điểm chúng tôi bắt đầu với mô hình mới và kết quả đã không sự nỗ lực của vợ chồng tôi, thu nhập từ mô hình này đã giúp vợ chồng tôi có tích lũy và mua thêm được 11.000 m2 đất nữa.
Mô hình sản xuất hiện nay của vợ chồng tôi như sau: Vụ Đông Xuân, chúng tôi dành 1 ha để trồng rau muống lấy hạt, 3000m2 trồng dưa leo, cuối cụ kết toán lại thì rau muống đạt năng suất 3 tấn hạt, giá bán là 14.000 đ/kg, tổng thu là 42 triệu đồng. sau khi trừ chi phí tôi còn được 32 triệu 500 ngàn đồng. Với dưa leo, năng suất vợ chồng tôi thu được trên diện tích 3000m2 là 20 tấn, giá bán 800đ/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư là 5.720.000đ, tôi còn lời 10 triệu 280 ngàn đồng. Trong vụ hè thu, chúng tôi dành toàn bộ diện tích đất mình có để trồng bắp lai, tổng chi phí để trồng bắp là 5,9 triệu đồng. Năng suất cả vụ là 10 tấn bắp hạt và với giá bán 2000đ/kg, sau khi trừ chi phí còn lời 14 triệu 100 ngàn đồng. Như vậy, tính chung, năm 2002-2003 vừa qua, lợi nhuận mà vợ chồng tôi đạt được qua mô hình sản xuất trên là 56 triệu 954 ngàn đồng.
Để có được kết quả như này hôm nay, vợ chồng chúng tôi phải luôn siêng năng, chịu khó, luôn tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm sản xuất từ nghe Đài, đọc báo và tham gia các buổi tập huấn do khuyến nông tổ chức. Nhưng nếu chỉ có học lý thuyết thôi thì chưa đủ, chúng tôi đã vận dụng những kiến thức mình học được vào thực tiễn sản xuất, ví dụ như là dùng các giống mới có khả năng kháng sâu bệnh và cho năng suất cao; sử dụng màng phủ nông nghiệp để trồng rau, sử dụng phân hữu cơ sinh học để cải tạo đất, sử dụng phân bón lá sinh học để hạn chế sâu bệnh, bón phân cân đối giữa đạm, lân, kali, riêng về phòng trừ sâu bệnh thì tôi dùng dầu khoáng và sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng trên rau, đặc biệt là phòng trừ theo phương pháp phòng trừ dịch bệnh tổng hợp IPM mà tôi đã được học.
Còn bây giờ, tôi xin giới thiệu với bà con kinh nghiệm trồng rau muống lấy hạt của mình. Vụ trồng rau muống chính là vụ Đông Xuân, thường thì trồng từ tháng 9, tháng 10, đến tháng giêng, tháng hai âm lịch là thu hoạch xong. Nếu trồng trong vụ Đông Xuân thì có rất nhiều điều kiện thuận lợi để rau muống phát triển tốt, như là sau khi lũ qua, đất đã được bồi đắp một lượng phù sa dồi dào, tiết kiệm được phân bón, cây rau dễ phát triển, thời tiết mùa này cũng thuận lợi cho rau muống ra hoa và đậu trái còn khi thu hoạch thì tránh được mưa.
Về giống, tôi chọn giống F1 của công ty Nông Hữu và dùng 25 kg hạt giống/ha. Đất chuẩn bị cấy rau phải được dọn sạch cỏ và tôi còn xịt thuốc Dual hoặc Lasso để diệt mầm của hạt cỏ. Trong canh tác rau muống lấy hạt, trước hết bà con cần phải làm mạ, sau khi làm đất, bà con bón lót 200g phân DAP, 200g phân hữu cơ sinh học cho 10m2 đất và trên đó gieo khoảng 1kg hạt giống. Sau khi gieo hạt thì ta bừa dập đất lại và phủ rơm, tưới nước đủ ẩm để hạt nảy mầm. Khi mạ lên cao khoảng 1 tấc thì ta bón 300g ure và xịt 15cc Supermex và 30g Ridozeb để ngừa bệnh, khi mạ được 20 ngày thì nhổ đem cấy.
Bà con cần nhớ là sau khi nhổ lên thì mạ phải được cấy ngày nếu không mạ sẽ bị vàng, còi cọc sau này cây phát triển không tốt. Đất trồng rau được bón lót bằng 15 kg DAP, 15 kg phân hữu cơ sinh học cho 1000m2. 10 ngày sau khi cấy, bà con bón thúc phân đợt 1 với 5kg ure và 5 kg DAP, kết hợp với xịt 40cc Newgol và 30g Topsin M để dưỡng cây và phòng bệnh. Bón thúc đợt 2 vào khoảng 30 ngày sau khi cấy gồm 15 kg phân NPK loại 16-16-8 cho 1000m2. Và bà con cần bón thúc lần 3 vào khoảng 50 ngày sau khi cấy với 15 kg phân NPK loại 20-20-15 cho 1000m2 kết hợp với xịt kích thích ra hoa bằng 25g 4số 9 pha trong bình 17 lít và xịt 2 bình cho 1000m2 đất vào các ngày thứ 60. 67, 74 và 81 sau khi gieo, phun xen kẽ với Flower F95 để dễ lấy trái, khi lấy trái đạt 60% thì phun Grow 3 lá xanh loại 6-30-30 để nuôi trái.
Bà con cần chú ý là sau khi cấy, sâu đất, sâu keo thường cắn phá, có thể pha 40cc Kayazinon cùng với 40cc Sec Saigon trong bình 17lit và phun 2 bình/1000m2, nên phun thuốc vào ban đêm. Khi rau muống ra hoa rộ thì sâu tơ, sâu hồng, sâu rằn thường gây hại, có thể phun 20cc Pekill cộng với 50cc Kayazinon pha bình 17 lít và phun 2 bình.
Nếu rau muống bị bệnh chết dây thì phun 50g CopperB, định kỳ 7 ngày/lần và ngưng phun khi cây ra hoa. Bệnh đốm là thì pha 20cc Tilt super trong bình 17 lit và xịt 2 bình/1000m2. hoặc bà con cũng có thể thay thế bằng thuốc Anvil.
Về thu hoạch, khi rau muống đã lấy đủ trái thì ta tiến hành dẫy. Dùng lưỡi hái rọc bã theo hình chữ nhật kích thước 1,5 x 2m. Lộn bã lại phơi nắng. Khi phơi được 5-7 nắng thì trở bã lại 1 lần nữa, sau 2 lần trở mặt bã thì cho suốt hạt, sau đó ta rê hạt lại và bán được rồi.
Trên đây là kinh nghiệm trồng rau muống lấy hạt của tôi, hy vọng rằng bà con cũng sẽ đạt được kết quả tốt.
Đài Tiếng nói Nhân dân Tp Hồ Chí Minh
|