Tìm kiếm thông tin:
  Chuyên đề Bạn nhà nông
Nuôi
Trồng
Giống
Vật tư
Thiết bị - Công cụ
  Nhà nông tôn vinh
DNghiệp thân thiện
SPhẩm ưa chuộng
Nông dân thành đạt
  Trao đổi kinh nghiệm
Kinh nghiệm SX
Hỏi & đáp
  Danh bạ Bạn nhà nông
Cơ quan - Ban nghành
Hội - Hiệp hội
DN Sản xuất
DN Chế biến
DN D.Vụ-Thương mại
Trang trại
  Giới thiệu Bạn nhà nông
Website
Cẩm nang
Hồ sơ
Liên hệ


 Nông dân thành đạt

Đoàn Văn Nô - Nông dân đa tài

BCT 23/07/05

  Ở ấp Long Châu, thuộc xã cù lao Tân Lộc, huyện Thốt Nốt, dường như ai cũng biết ông Đoàn Văn Nô. Nhiều người thường gọi ông là ông Hai Nô, anh Hai Nô, cũng có người gọi là ông Nô “lò đường”, có người gọi là ông Nô “vườn nhãn”, người khác lại gọi ông là “Bầu” Nô. Mỗi biệt danh gắn liền với một thành công của ông và cả những câu chuyện về nỗ lực vươn lên của người nông dân giàu ý chí này... “Trong sản xuất kinh doanh, giữa thành công và thất bại có khi chỉ trong gang tấc, tôi không dám nhận mình là người thành công trong kinh doanh mà chỉ là người có niềm đam mê với công việc. Với lại, tôi không quen nói về mình...” -ông Đoàn Văn Nô tỏ ra ngại ngần khi biết ý định của chúng tôi đến tìm ông. Mãi đến khi người bạn đi cùng nhắc đến những kỷ niệm về những lần được thưởng thức giọng ca của chàng trai Hung Nô (nghệ danh của ông Đoàn Văn Nô) ngày nào, ông mới trở nên hào hứng. Giở tập ảnh kỷ niệm hồi còn làm Đội trưởng đội văn nghệ xã Tân Lộc Tây, ông Hai Nô nói trong những cái tên mà bà con đã gọi, tên “Bầu Nô” có lẽ... hợp với ông nhất vì sở thích của ông là tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể thao. Cũng vì niềm đam mê này mà hồi mới giải phóng, đang là giáo viên dạy tiểu học, ông nghỉ dạy để tham gia công tác địa phương. Và ông đã làm tròn vai trò đội trưởng đội văn nghệ của xã Tân Lộc Tây, từng gặt hái rất nhiều thành công trong các hội diễn văn nghệ quần chúng khi ấy.

Đến năm 1976, khi lấy vợ, được gia đình cho 2 công đất bãi để trồng mía, vợ chồng ông chí thú làm ăn. Lúc đó, cả cù lao Tân Lộc này nhà nào cũng trồng mía, còn số cơ sở chế biến đường thì đếm trên đầu ngón tay. “Cung vượt cầu”, đến khi thu hoạch, người nông dân bị ép phải bán mía với giá rẻ. Hai công mía của ông cũng nằm trong hoàn cảnh tương tự. Trong khi giá mía rẻ như bèo thì ngược lại, đường cát lại là một món hàng hiếm. Sau vụ thu hoạch đầu tiên, ông nung nấu ý nghĩ: “Nếu bây giờ mở cơ sở chế biến đường, mình sẽ có ngay lợi thế là nguồn nguyên liệu mía dồi dào, vừa giúp bà con tiêu thụ sản phẩm”. Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng lúc đó vợ chồng ông chưa có vốn, kỹ thuật sản xuất cũng không biết... Sau nhiều hôm cân nhắc, ông bàn với vợ rồi khăn gói đến nhà người quen ở tận Bình Thuận để học kỹ thuật chế biến đường thô thành đường cát trắng. Cuối năm 1977, vợ chồng ông bán hai công đất mía, vay mượn thêm từ anh em, bạn bè để mở cơ sở sản xuất đường cát trắng, công suất 10 tấn/tháng.

“Đó là một trong những quyết định táo bạo nhất của cuộc đời tôi” -ông Hai Nô trầm ngâm, nhớ lại. Mặc dù các kỹ thuật chế biến từ đường thô thành đường cát, nguyên lý vận hành của máy móc, ông thuộc làu, nhưng những ngày đầu mới bắt đầu sản xuất, lò đường của ông thường xuyên bị trục trặc. Khi thì độ nóng không đạt, vòng quay của cánh quạt không tương xứng với trong lượng cối... nên khi sản xuất ra thành phẩm đường cát không trắng mà có màu ngà đen, năng suất thấp. Mỗi lần thất bại, ông lại rút ra được những kinh nghiệm quý giá để lần sau khắc phục nên công việc làm ăn ngày càng trôi chảy, hiệu quả hơn.

Sau gần hai năm làm lụng, vợ chồng ông gom góp được một số tiền kha khá. Những tưởng mọi khó khăn đã qua, nhưng một tai họa bất ngờ đến với gia đình ông khi người bạn hàng mà ông đặt nhiều tin cậy ôm toàn bộ số tiền hàng vừa nhận vượt biên ra nước ngoài. “Phải bắt tay làm lại từ đầu, nhưng điều tôi tiếc nhất là không có kinh phí để đầu tư cải tạo hệ thống máy móc”- ông Hai Nô nói. Hóa ra, sau những giờ làm việc, ông loay hoay bên những chiếc cối kết tinh là để nghiên cứu tìm cách cải tiến máy móc, nâng cao hiệu quả sản xuất. Kết quả của những ngày miệt mài đó là một quyết định táo bạo không kém, đối với một người nông dân chưa hề biết đến cái gọi là “nghiên cứu khoa học”: ông chủ động cải tạo hệ thống máy móc, giảm độ dày của cối ly tâm, gia tăng khối lượng chứa của cối kết. Những chiếc cối ly tâm, cốt kết do ông chế tạo giúp đường mau trắng, tăng năng suất, giảm chi phí...

Những thành công ấy đã tạo động lực để ông mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất đường cát lên 60 tấn/tháng vào cuối năm 1983. Đến năm 1989, ông lắp đặt thiết bị lò đường công suất 50 tấn mía cây/ngày đêm, khép kín quy trình chế biến từ cây mía trở thành đường cát trắng. Từ năm 1996, khi nguyên liệu mía dần trở nên khan hiếm, một số cơ sở sản xuất đường dần bỏ cuộc, ông đi rất nhiều nơi tìm mua nguyên liệu đường thô nên cơ sở vẫn tiếp tục duy trì được hoạt động sản xuất. Mấy tháng gần đây, do không mua được nguyên liệu, ông mới tạm đóng cửa cơ sở sản xuất đường để chuyển sang mô hình nuôi thủy sản với 4 bè cá rô, cá điêu hồng sản lượng hàng năm trên 100 tấn...

Không chỉ gặt hái thành công trong lĩnh vực sản xuất đường, bà con ở ấp Long Châu đã kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về sự sáng tạo và tinh thần học hỏi của người nông dân giàu nhiệt huyết ấy. Bà con nói: “Hai Nô toàn làm chuyện “động trời”, nhưng mà chuyện nào cũng thành công”. Tôi đem câu nói ấy hỏi ông, ông Hai Nô cười ngất. Hóa ra, cái chuyện “động trời” mà bà con nói là hồi năm 1990, không ít người ngỡ ngàng khi ông cưa ngang toàn bộ vườn nhãn long để ghép nhãn da bò và đầu tư khá nhiều chi phí để trồng xoài cát Hòa Lộc. Hiện giờ, trong khi nhiều người trong xóm vẫn giữ thói quen để trái theo mùa tự nhiên (từ tháng 4 đến tháng 6 AL) thì ông đã biết cách xử lý nhãn mùa nghịch (từ tháng 10-11AL ) từ... 10 năm nay. Nhờ vậy, chỉ riêng 1,2ha nhãn, và 0,4ha xoài hàng năm mang lại cho gia đình ông gần 100 triệu đồng.

Đưa chúng tôi đi tham quan vườn nhãn đang xử lý ra hoa, ông Hai Nô đúc kết bí quyết thành công của mình là uy tín, mạnh dạn nắm bắt những xu hướng làm ăn mới. Quan trọng nhất là phải tâm huyết, đã làm thì phải làm đến cùng. Mỗi khi bắt tay thực hiện một mô hình kinh tế mới, ông tìm hiểu kỹ trên báo đài, các tài liệu khoa học, cân nhắc nguồn vốn hiện có... trước khi đầu tư nên ít khi bị rủi ro. Và cũng nhờ làm ăn uy tín mà các bạn hàng đã mạnh dạn cho ông mua chịu để tái sản xuất khi bị giựt tiền lúc trước, nhờ vậy ông có điều kiện làm lại từ đầu...

Với thu nhập hơn hai trăm triệu đồng/năm, cuộc sống gia đình ông Hai Nô đã ổn định. Các con ông đều tốt nghiệp trung học, đại học và có việc làm. “Nếu không được bạn bè, anh em, chòm xóm giúp đỡ, có lẽ tôi cũng không được như hôm nay” - ông Hai Nô trầm ngâm khi nhớ đến những tháng ngày vất vả. Có lẽ, với suy nghĩ ấy mà ông luôn hào hiệp đối với những người còn khó khăn xung quanh mình. Anh Trần Văn Dùng, ở ấp Long Châu kể: “Hồi ông Hai Nô còn làm lò đường đã giải quyết việc làm cho hơn 30 lao động với mức thu nhập trên 1 triệu đồng/người/tháng, và nhiều năm liền cung cấp đường ăn miễn phí cho Tổ nhân đạo Bệnh viện Thốt Nốt để nấu cơm cho các bệnh nhân nghèo. Ông còn giúp một số bà con nghèo hơn 2.000 nhánh nhãn, 1.000 cây chuối con giống và nhiều mô bo xoài cát Hòa Lộc để trồng trọt cải thiện cuộc sống. Gia đình ông cũng là một trong những điển hình gương mẫu nộp thuế hàng năm của huyện và thành phố với số tiền thuế từ 30-50 triệu đồng/năm. Các đóng góp khác như: xây dựng cầu đường, cất nhà tình thương cho hộ nghèo hay hỗ trợ phát thưởng cho học sinh hàng năm ông đều tự nguyện tham gia”. Nhiều bà con ở Tân Lộc còn nhắc đến “Bầu” Nô với vai trò là một trong những sáng lập viên của Khu văn hóa gia đình, Đội văn nghệ đờn ca tài tử và cũng là người góp phần gầy dựng phong trào bóng đá của Hội Người cao tuổi trên địa bàn xã Tân Lộc... Với những đóng góp đó, ông Hai Nô được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và nhiều bằng khen cấp Trung ương của Hội Nông dân, Hội Chữ thập đỏ, Đoàn TNCSHCM, được công nhận là nông dân sản xuất giỏi cấp Trung ương. Mới đây, ông được thành phố đề xuất với Chủ tịch Nước tặng Huân chương Lao động hạng III...

Riêng đối với ông Hai Nô, những việc làm đó là trách nhiệm và nghĩa vụ mà một đảng viên phải nỗ lực làm tốt. Suốt buổi nói chuyện với chúng tôi, ông tự nhận “điều tự hào nhất là 17 năm qua luôn làm tròn nhiệm vụ của người đảng viên”. Từng giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lộc, đại biểu HĐND tỉnh Cần Thơ (cũ) và nhiều chức vụ khác trong đảng ủy, UBND xã Tân Lộc, ông Hai Nô chỉ mới “về hưu” sau Đại hội Đảng hồi tháng 6 vừa rồi. Có thời gian rảnh, ông lại trở về với niềm đam mê xưa là văn nghệ, viết lách. Rất nhiều bài thơ, tùy bút, truyện ngắn của ông đã được các tờ báo Trung ương và địa phương chọn đăng... Tôi đã đọc những bài viết thấm đẫm tình yêu thương của ông đối với mảnh đất, con người cù lao Tân Lộc và càng khâm phục hơn người nông dân đa tài ấy. Trước lời khen của tôi, ông Hai Nô lắc đầu, ông cười thật sảng khoái: “Tôi chỉ là một người nông dân, tự nhủ mình phải nỗ lực để vươn lên và dù làm việc gì thì phải làm đến nơi đến chốn”...

HOÀNG THANH


° Các tin khác
• Tỷ phú quít hồng Lai Vung
• Thành lập HTX sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn châu Âu
• Trái cây an toàn trong giai đoạn mới
• ba phong cam xoan
• Làng triệu phú dưới chân Tam Đảo
• Chủ nhân của những mô hình mới
• Vườn rừng ông Sót
• Làm giàu trên đất
• Tỷ phú xóm chài
• Ông Giám đốc nông dân
• Hai nông dân chế tạo ra máy gieo lúa
• Nghề trồng lúa nước
• Đi ô tô thăm… trang trại
• Ông vua của vùng đất Hưng Lộc
• Chuyện nhà nông
• Doanh nhân phố núi
• vua cam thanh son
• Người làm thương hiệu cho bưởi Tân Triều
• Chế phẩm cứu tinh vùng đất chua, mặn
• Lão nông Ba Nhơn và "địa chỉ xanh" đáng tin cậy
• Sang Mỹ làm... nghề nông
• Người đạt năng suất mía kỷ lục - 286 tấn/ha
• Bến Tre: Một nông dân bán được bưởi với giá nửa triệu đồng/cặp
• Khi lão nông làm giám đốc
• Vừa là chủ Doanh nghiệp vừa là nông dân giỏi
• Ông bác sĩ đưa trái gấc Việt Nam ra thế giới
•  Tỷ phú đất phèn

 

Trang web được thiết kế và lưu trữ tại VietnamNetweb