Trái cây an toàn trong giai đoạn mới
BCT 26/06/05
Liên kết sản xuất, tiêu thụ rau quả an toàn khu vực sông Tiền (gọi tắt là GAP sông Tiền) không chỉ là sự qui tụ 4 nhà mà còn là mong đợi của xã hội bởi mục tiêu chính nhằm an toàn cho người sản xuất, người tiêu dùng và môi trường. Theo đó, người sản xuất phải chú trọng các khâu từ quản lý-truy nguyên nguồn gốc, giống, phân, bảo vệ thực vật, công nghệ sau thu hoạch, quản lý ô nhiễm và chất thải, sức khỏe, môi trường...
Một trong nhữ ng mấu chốt quan trọng của qui trình này là việc quản lý thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sao cho an toàn và hiệu quả. Từ 16-26/8/2005, hai lớp đầu tiên về “Sử dụng an toàn và hiệu quả thuốc BVTV”-một trong những hoạt động của GAP đã được triển khai tại Trung tâm BVTV phía Nam. Công ty Cổ phần BVTV An Giang, thành viên chương trình-là đơn vị có nhiều hoạt động đi đầu trong lĩnh vực an toàn hiệu quả thuốc bảo vệ BVTV đã chịu trách nhiệm về giảng huấn...
Tuy nhu cầu về trái cây tăng hàng năm nhưng khó khăn hiện nay của trái cây Việt Nam là tỷ lệ chất lượng thấp, chưa an toàn còn cao, dẫn tới tình trạng không đủ khối lượng lớn cung ứng theo yêu cầu. Mặt khác mẫu mã, bao bì chưa thật hấp dẫn, chưa có chiến lược xây dựng thương hiệu và giá thành cao nên sức cạnh tranh thấp.
Vì thế Hiệp hội Trái cây Việt Nam đã ra mắt GAP Sông Tiền nhằm đưa ra những giải pháp khắc phục những tồn tại nói trên hướng đến hội nhập. Bao gồm: thực hiện sản xuất tập trung trái cây an toàn ở các vùng trồng cây ăn trái, xây dựng các liên kết sản xuất và tiêu thụ trái cây an toàn. GAP Sông Tiền gồm: Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, TPHCM, Đồng Tháp với hơn 1,3 ha đất nông nghiệp và 201.075 ha cây ăn trái, chiếm gần 30% diện tích cây ăn trái toàn quốc. Tiến sĩ Võ Mai- Trưởng Ban điều hành GAP Sông Tiền cho biết: Mục tiêu của GAP là liên kết sản xuất và tiêu thụ trái cây được xác nhận theo qui trình an toàn thống nhất dưới sự chỉ đạo của Ban điều hành. Có chiến lược xây dựng thương hiệu mạnh và phát triển thị trường trái cây chất lượng cao, an toàn với khối lượng lớn, giá thành cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu trong và ngoài nước.
Những nông dân sản xuất giỏi đại diện từ các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long và TPHCM đã tham dự lớp học. Điều vinh dự với họ không chỉ là những nhà vườn ưu tú được đề cử tham dự một lớp học có ý nghĩa quan trọng, mà còn là trọng trách lớn lao khi chính họ sẽ nối dài cánh tay truyền đạt kiến thức về cho nông thôn. Nội dung bài giảng mang đến nhiều ý nghĩa thiết thực khi giúp người nông dân trong việc cải thiện qui trình canh tác, cập nhật những thông tin mới trong định hướng hội nhập tất yếu của xã hội... Đây cũng là dịp giúp họ tự tin thể hiện mình trong việc chủ động xây dựng qui trình sản xuất phù hợp theo điều kiện địa phương dựa trên những tiêu chuẩn GAP đã học. Bước đầu của chương trình là việc cải thiện qui trình sản xuất trái cây hướng đến các tiêu chuẩn GAP...
Bài, ảnh: LÊ NGA |