ba phong cam xoan
Trong thời điểm nông dân ở Bến Tre rộ lên phong trào trồng cây cam sành, lại có một người âm thầm trồng cây cam xoàn, loại cam mà hồi đó hiếm thấy bán ở các chợ. Đến khi cây cam sành bị bệnh greening, giá trái bấp bênh làm người trồng “dở khóc dở mếu” thì người nông dân ấy ngày nào cũng thu vô tiền triệu... Đó là anh Lê Thanh Phong (Ba Phong) ở ấp Đông Trị, xã Thành An, huyện Mỏ Cày.
Hễ gặp các nha vườn “thứ thiệt” ở Bến Tre hỏi thăm Ba Phong trồng cam xoàn, ai cũng biết. Còn về đến chợ Thành An tìm nhà Ba Phong thì ai cũng rành. Mọi người biết Ba Phong bởi trái cam xoàn của anh đã nhiều lần đoạt giải ở các cuộc thi trong và ngoài tỉnh. Rành Ba Phong vì nhờ trồng cam xoàn mà gia đình anh phất lên “như diều gặp gió”. Ba Phong có đến 15 công đất trồng cam xoàn, là nông dân trồng giống cam này nhiều nhất ở tỉnh Bến Tre hiện nay. Vì thế anh còn có biệt danh là “Ba Phong cam xòan”.
Sau một hồi quanh co trên con đường rợp bóng mát của những hàng dừa, cuối cùng tôi cũng đến được nhà của anh. Lúc tôi tới nơi vừa có một đoàn khách ở huyện Châu Thành cũng đến để tham quan và học cách trồng cam của anh. Một người trong đoàn là anh Ba Thum giới thiệu: “Nhà báo tìm đúng chỗ nông dân giỏi thứ thiệt rồi đó. Tôi cũng là dân thích đi đó đi đây mà chưa nơi nào trong tỉnh Bến Tre gặp ai trồng cam xoàn trúng và nhiều như anh Ba Phong. Từ giống cam của anh, bây giờ tôi cũng có 8 công cam xoàn 2 năm tuổi cho năng suất trúng thấy ham và đang vô tiền từ bán trái”. Ba Phong nghe vậy thì tươi cười và nói như phân bua: “Tài cán gì anh ơi. Lúc nghèo phải tìm cách “bươi” để sống để nuôi con. May mắn là mình chọn được cây trồng có giá trị kinh tế cao”.
Uống hết ly trà, anh Ba Phong mời đoàn khách tham quan vườn cam của mình. Tôi tháp tùng cùng đi theo để thấy những gì mà nhiều người “quảng cáo” về anh. Thật thích thú vì cây cam nào cũng có nhiều trái. So ra ở thời điểm này các vườn cam sành chỉ mới ra trái, còn cam xoàn của anh Ba Phong đã có trái lớn nhỏ đủ cỡ. Ba Phong giải thích: “Cam xoàn là cây cho trái quanh năm, nhưng rộ nhất từ tháng 9 đến tháng 2 âm lịch. Trồng cam xoàn đừng tham để trái nhiều quá cây mau xuống, mà phải chừa trái vừa phải thì cây sẽ phát triển lâu bền như cây bưởi”. Thấy được thực tế và nghe Ba Phong nói về giống cam này, người khách nào cũng mê. Nhiều người nói khi về sẽ đầu tư trồng cam xoàn và không quên xin địa chỉ liên hệ của anh Ba Phong.
Anh Ba Phong kể: “Năm 1980, tôi cưới vợ được gia đình cho 3 công đất ra riêng làm kế sinh sống. Lối năm 1985 - 1986, các tập đoàn sản xuất kiểu cũ tan rã, nhiều người ở đây sống thiếu trước hụt sau, nên bán đất đi làm mướn. Khi đó tôi dành dụm và mượn tiền mua được 3 công đất chừng 1 cây vàng. Tất cả đất của tôi hồi ấy làm lúa. Nhưng đất ở đây làm lúa trần thân vì nhiễm phèn nặng. Chỉ cần một ngày tiếp xúc với đất là các móng chân, móng tay bị phèn bám vàng khè. Cực vậy nhưng vẫn luôn sống thiếu trước hụt sau”. Đất thấp, trồng lúa thất bát, anh Ba Phong suy nghĩ lên bờ chắc đất sẽ rỏ phèn, rồi trồng cây khác sẽ khá hơn. Thế là anh quyết định lên bờ liếp trồng mía. Mía chịu được đất phèn, lại tốt vì được anh chăm bón phân đầy đủ, nên mỗi công thu hoạch 7 - 8 tấn mía cây. Mía có giá, cứ 1 tấn bán ra thì mua được gần 5 phân vàng. Từ vốn tích lũy, anh Ba Phong mua thêm 6 công đất ruộng lân cận và tiếp tục lên bờ trồng mía. Ở thời điểm năm 1994 - 1998, nhắc Ba Phong nhiều người biết đến anh là nông dân trồng mía “vô địch”. Năm nào anh cũng trúng mía, trúng giá và mua thêm đất ngày càng nhiều.
Hai vợ chồng anh cùng 3 đứa con lại làm hơn một mẫu đất mía nên rất vất vả. Hưởng ứng phong trào trồng cam sành, Ba Phong bỏ bớt đất mía để trồng cam. Năm 2000, anh đắp mô trồng 5 công cam, phân nửa cam sành, phân nửa cam xoàn. Lúc này anh chưa “hiểu” gì về cây cam xoàn, chỉ biết qua những lời giới thiệu của một người quen chuyên đi buôn bán trái cây nói rằng trái cam xoàn giá rất cao. Thật may mắn, khi anh chuyển sang trồng cam cũng là lúc giá mía cây sụt thê thảm, chỉ còn nửa giá của các năm trước. Thấy mọi người trồng cam sành nhiều, Ba Phong lại nhớ đến chuyện trồng nhãn: rớt giá khi dội chợ. Năm 2001, anh mướn nhân công về đắp mô thêm một mẫu đất đầu tư trồng toàn cam xoàn. Anh kể: “Thấy tôi tự dưng bỏ mía trồng cam xoàn ai cũng ngạc nhiên, vì đây là giống cam ít người nào trồng. Còn ba tôi ở cạnh nhà khi thấy tôi đốn dừa, phá mía trồng cam, ổng xót ruột hỏi: “Mầy làm thiệt hả Phong?”. Tôi không biết trả lời sao nên nói: “Mía rẻ quá, phải trồng cam, biết đâu có lý, trái cam xoàn ăn ngon, ít người trồng giá sẽ cao”. Qua kinh nghiệm nghề nông nhiều năm tôi rút ra kết luận: “Làm nông mà cứ chạy theo sau phong trào là thua người ta”.
Năm 2002, cả 5 công cam đầu tiên của anh Ba Phong bắt đầu có trái chín để bán. Nhưng Ba Phong tức mình vì trái cam sành kêu bán tại vườn người ta mua, còn trái cam xoàn không ai mua, giải thích cỡ nào cũng vậy. Được chỉ dẫn, Ba Phong chở cam xoàn qua chợ Cầu Quay ở Tiền Giang bán. Giỏ cần xé cam chưa đem lên tới bờ thì bạn hàng ai cũng giành mua cho được. Với giá bán 27.000 đồng/kg cam, Ba Phong bỏ túi hơn 1 triệu đồng từ tiền bán 2 giỏ cần xé cam xoàn. Rồi đến các công cam xoàn trồng sau lần lượt cho trái, với giá bán luôn trên dưới 20.000 đồng/kg (khi thấp nhất cam loại nhất 17.000 đồng/kg loại nhì 13.000 đồng/kg). 2 năm trở lại đây, năm nào anh Ba Phong cũng thu hàng trăm triệu đồng từ vườn cam xoàn. Bây giờ, không còn chuyện bán cam xoàn ở tại nhà khó như lúc đầu, nó đã trở thành hàng hiếm và được nhiều người biết, chỉ cần anh nhắc máy điện thoại nhắn là lái cam đến mua liền.
Ba Phong cho biết: “Tôi không biết giải thích như thế nào. Nhưng qua thực tế vùng đất của tôi cho thấy cam xoàn rất thích đất phèn. Chỗ đất phèn nhất mà trước đây trồng mía, bưởi, cam sành đều sống không nổi, nhưng cuốc mô trồng cam xoàn thì lại sống và rất tốt. Còn ở những chỗ đất tốt thì giống cam xoàn mà tôi bán người ta trồng phát thấy ham”. Do đất bị phèn nặng nên mỗi năm anh kết hợp rải vôi và phân lân, đầu mùa mua thì rải phân lân nhiều để hạ phèn. Đem so sánh cam sành với cam xoàn, Ba Phong khẳng định: “Cam sành thua xa. Còn cam xoàn thì khỏi nói, một công mỗi năm tôi thu trên 1 tấn trái. Với giá luôn cao, cam xoàn đem thu nhập gấp 3 lần cam sành đang sung”.
Mới đầu, anh Ba Phong không nghĩ đến chuyện đăng ký thương hiệu làm gì. Nhưng hiện nay, khi được biết tỉnh Bến Tre đang có chủ trương phát triển cây cam xoàn là một trong 4 loại cây chủ lực của tỉnh, anh đang nhờ người tư vấn để đăng ký thương hiệu cho giống cam của mình, nhằm cung ứng giống chất lượng cho người dân trồng. Theo Ba Phong, đã có nhiều nơi bán cam xoàn nói giống được lấy từ vườn của anh, nhưng thật ra không phải vậy. Nếu ai muốn có giống chính gốc hãy một lần đến vườn của anh tham quan. Sẵn dịp, anh sẽ chỉ kỹ thuật trồng và hướng dẫn những nơi mình cung cấp bo làm giống bán, mới chắc ăn.
Trái cam xoàn của anh Ba Phong khi dự thi trái ngon đã đạt 2 giải hạng nhì ở Vinh Long, 1 lần giải hạng nhì Chợ Lách. Anh đã được chọn báo cáo điển hình ở Đại hội Thi đua tỉnh Bến Tre năm 2005 mới đây.
CAO DƯƠNG |