Làng triệu phú dưới chân Tam Đảo
Tam Đảo còn được gọi là núi Tản Viên, dãy núi hình nan quạt trùng trùng điệp điệp này phân chia địa giới tỉnh Vĩnh Phúc và Thái Nguyên. Ven chân núi, gối lên nhau là những đồi cây sum sê hoa trái. Việc xây dựng làng nông dân tỷ phú đang rất gần với hiện thực. Những người đầu tiên đến lập làng mới đã mang theo những cây vải, cây nhãn Hưng Yên để trồng cho đỡ nhớ quê. Ai dè đất hợp cây, cây hợp đất, từ vài cây giống đầu tiên, nay trên 200ha vả i, nhãn rợp bóng, tạo nên vùng cây trái chất lượng cao của huyện Phổ Yên và tỉnh Thái Nguyên.
“Khe Đù giàu lắm, gần như 100% số hộ là triệu phú”. Lãnh đạo xã Phúc Thuận (huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) luôn tự hào như vậy. Từ 22 hộ ban đầu, nay xóm có 83 hộ với 380 khẩu. Dân trong xóm đều là anh em họ tộc, là một đại gia đình đúng nghĩa. Sự đoàn kết, tích cực hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế gia đình là một trong những yếu tố chính đem lại thành công của mỗi hộ.
Vừa mới kết thúc vụ vải, nhãn năm nay. Chỉ cần tính nhẩm, giá vải tại vườn là 4.000 đồng/kg, nhãn 9.000 đồng/kg, tổng sản lượng vải, nhãn là 180 tấn/vụ thì xóm đã thu trên 1 tỷ đồng. Chất lượng vải, nhãn ở đây được đánh giá là ngon tương đương với vải, nhãn Hưng Yên do cây giống được chọn lựa cẩn thận từ Hưng Yên và người dân đã có nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc, thu hoạch. Nổi tiếng nhất xóm Khe Đù là cây nhãn 30 năm tuổi của gia đình anh Nguyễn Hữu Vương. Vụ nhãn vừa qua, cây nhãn này cho thu hái trên 3 tạ quả với giá mua tại gốc là 17.000đ/kg.
Ông Nguyễn Viết Lưng cùng với trưởng xóm Nguyễn Viết Quỳnh là hai hộ có diện tích vườn quả lớn nhất xã, cũng là những người táo bạo nhất trong làm ăn kinh tế. Ông Quỳnh hiện đang là “con nợ” lớn nhất của ngân hàng với vốn vay 60 triệu đồng. Vay để làm giàu hơn. Nếu trúng vụ, một năm trả hết. Vải nhãn còn phụ thuộc vào thời tiết, chè thì ổn định, năm nào cũng như năm nào, thu trên 20 triệu đồng/ha. Tầng trên là quả, tầng thấp là chè. Không có nơi đâu dễ làm ăn như ở đất này, vặt lá ra tiền. Xã Phúc Thuận thuần nông, đất đai chủ yếu là núi đồi, suối khe. Vậy mà thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/năm. Riêng cây chè, mỗi năm đem lại gần 8 tỷ đồng cho người dân trong xã.
Các hộ ở Khe Đù không tính bình quân thu nhập. Tài sản của gia đình là do tất cả các thành viên cùng nhau đóng góp. Họ không có thói quen tính theo khẩu, chỉ so sánh mức thu nhập của hộ này với hộ kia để phấn đấu. Phần lớn số hộ đạt trên 50 triệu đồng/năm. Chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa được các hộ dân ở đây mạnh dạn đầu tư, đòi hỏi ít lao động hơn nhưng mỗi năm cũng đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng.
Thế hệ sinh ra và lớn lên tại Khe Đù đã tới gần 200 người. “Bọn trẻ dám nghĩ, dám làm, mạnh bạo, nhạy bén về kinh tế”, cả ông Nguyễn Viết Quỳnh và ông Nguyễn Viết Lương đều nhìn nhận như vậy về lớp thanh niên trong xóm. Chỗ nào không trồng cây ăn quả được thì trồng cây lâm nghiệp. Đất cằn trồng keo, ít nhất cũng có thu nhập 4 triệu đồng/năm, lại cải tạo được đất. Vườn thì thay đổi cơ cấu cây trồng, không cứ nhất thiết phải nhãn, vải truyền thống. Anh Nguyễn Viết Thắng, con ông Lương, đã trồng thử cam và quất xen với nhãn, thị trường tiêu thụ rất tốt. Anh dự định sẽ trồng trám và sấu hàng hóa thay thế dần diện tích vải đã cỗi.
Cả một vùng xóm Khe Đù luôn ngan ngát hương thơm cây trái. Hương hoa vải hoa nhãn, hương trái chín nồng nàn. Hương hoa cam hoa bưởi. Mùa này còn phảng phất mùi trám chín. Môi trường sinh thái tại Khe Đù rất trong lành. Việc bảo vệ môi trường sinh thái được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, do đó cùng với phát triển kinh tế xã hội thì Khe Đù có nhiều triển vọng trở thành vùng nông nghiệp kết hợp du lịch. Đây cũng là hướng phát triển nông thôn hiện đại.
Sài Gòn giải phóng |