Vườn rừng ông Sót
Ông Nguyễn Văn Sót, quê ở xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi (TP.HCM). Năm
1999, sau khi nghỉ hưu ông đưa cả gia đình về lập nghiệp tại khu Nùng, ấp Tân
Cang, xã Phước Tân, huyện Long Thành (Đồng Nai). ^Khi mới về vùng đất khô cằn,
sỏi đá, đường giao thông đi lại khó khăn này, vợ con, bạn bè, người thân trong
gia đình ai cũng ngán ngẩm lắc đầu, khuyên ông nên trở về thành phố. Ông không
chịu nghe! Đã thế, ông gom toàn bộ vốn liếng gia tài mua 10 ha đất trống, đồi
núi trọc và thuê mướn lao động khai hoang, phục hóa để trồng cây... lấy củi, như
nhiều người đã chế diễu ông! Mặc kệ người chê cười, hàng ngày ông trực tiếp lao
động, cùng ăn, cùng ở với người làm công cho mình. Có nhiều lần ông đã lặn lội
cả trăm cây số về tận vùng rừng Tân Phú, Định Quán, tỉnh Đồng Nai, rồi ra Bình
Thuận, lên Tây Nguyên để học hỏi kinh nghiệm làm kinh tế vườn rừng. Ông
trồng rừng không giống ai.
Vào thời điểm năm 1999, ông đã áp dụng kỹ thuật trồng
rừng tràm bông vàng bằng hom, giống cao sản chứ không phải trồng cây con gieo từ
hạt. Cây rừng được chăm sóc bón phân như trồng hoa màu ngắn ngày. Và để chủ động
phòng chống cháy rừng ông bố trí trồng cây thẳng hàng, giữa các hàng cây rộng
khoảng 3m để cày đất làm đường băng cản lửa. Do làm ăn căn cơ như vậy nên rừng
tràm bông vàng sau 3 năm trồng và chăm sóc đã cho thu hoạch gỗ, củi, trị giá
khoảng 40 triệu đồng/ha, chưa kể nguồn thu sau này từ cây gỗ lớn trồng xen trong
rừng tràm. Và để lấy ngắn nuôi dài, khi rừng trồng chưa khép tán ông trồng khoai
mì cao sản. Mỗi ha khoai mì trồng xen trong rừng như vậy thu được cả chục triệu
đồng/vụ. Thấy được hiệu quả kinh tế từ rừng trồng mang lại khá cao, ông Sót tiếp
tục đầu tư mua thêm đất trồng rừng và vận động, hỗ trợ giúp đỡ bà con nông dân ở
quanh vùng trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.
Đến nay, chỉ tính riêng ở ấp Tân Cang, xã Phước Tân đã có hơn
500 ha rừng trồng các loại, là nguồn thu nhập lớn của nông dân địa phương. Nguồn
thu nhập lớn thứ hai của gia đình ông Sót là từ ao cá. Gần 1 ha nuôi cá của ông
bây giờ, trước đây là ruộng lúa 1 vụ/năm, do đất xấu nên có chăm sóc kỹ cũng chỉ
được 2 tấn lúa, tính ra lỗ công làm. Ông xin phép chính quyền địa phương đào ao
thả cá trên chân ruộng này và mỗi năm thu được hơn 10 tấn cá các loại, trị giá
cả trăm triệu đồng. Tuy làm chủ một trang trại rộng hơn 21 ha, với nguồn thu
hàng năm cả vài trăm triệu đồng, nhưng cả gia đình ông Sót vẫn trú ngụ trong căn
nhà tình nghĩa, rộng chưa tới 50 m2. Đến thăm ông, nhiều người hỏi, tiền để đâu
mà ở nhà cũ kỹ thế này? Ông Sót cười rất vui mà rằng: Số vốn dành dụm được tôi
tiếp tục đầu tư làm kinh tế vườn rừng và hỗ trợ chút đỉnh cho người nghèo làm
ăn... Ông tâm sự: Hồi còn nhỏ, gia đình khổ lắm, đông anh em. Mình toàn đi ở đợ,
coi trâu, coi bò thôi cho nên hoàn cảnh nghèo khổ thì mình đã hiểu hết rồi. Sau
khi có điều kiện kinh tế mình phải giúp người nghèo để vươn lên... Nói sao làm
vậy, ông vừa ủng hộ 50 triệu đồng xây dựng Quỹ Hỗ trợ người nghèo Hội ND huyện
Long Thành. Ngoài ra, ông còn giúp vốn không lấy lãi cho hàng chục hộ nông dân ở
địa phương đầu tư SX và hỗ trợ 5 con bò giống lai sind cho 3 hộ nghèo chăn
nuôi...
Nguồn tin: NNVN |