Tỷ phú xóm chài
Chuyện vượt khó làm giàu của anh thương binh Phạm Trí Thức (ảnh) ở vùng biển Tịnh Kỳ (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) là một câu chuyện dài như chính những biến động của cuộc đời anh. Từ một người đi làm thuê, anh đã trở thành tỷ phú^ với thu nhập hơn 1,1 tỷ đồng mỗi năm. Không chỉ vậy, hơn 20 ngư dân trong vùng đã được anh tạo việc làm thường xuyên với thu nhập khá cao. Mỗi khi kể về thời trai trẻ, anh Phạm Trí Thức không giấu nổi tự hào. Với anh, đấy là quãng đời đẹp nhất. Năm 1974, cậu con trai của gia đình ngư dân nghèo rời làng biển Tịnh Kỳ lên đường nhập ngũ. Đất nước thống nhất, anh tiếp tục làm nghĩa vụ quốc tế ở đất bạn Campuchia. Năm 1983, anh thương binh Phạm Trí Thức phục viên và một năm sau, anh lập gia đình. "Hồi vợ chồng tôi mới cưới, cả hai đều nghèo. Tôi quyết định đi làm thuê để vừa có tiền sinh sống, vừa học hỏi kinh nghiệm làm ăn" - anh nhớ lại. 
Hội Nông dân đã cho tôi cơ hội
Sáu năm đi làm thuê, anh cần cù vừa làm, vừa học. Rồi cơ hội đã mở ra cho vợ chồng anh. Đến bây giờ, anh vẫn bảo cơ hội ấy chính là nhờ Hội ND mang lại. Ngày ấy, anh mạnh dạn nhờ Hội giới thiệu với NHNo&PTNT huyện vay 50 triệu đồng. Cộng với số vốn dành dụm được trong 6 năm đi làm thuê, anh quyết tâm thoát nghèo bằng chính nghề đi biển của gia đình. Đóng được một chiếc tàu công suất 45CV, anh thuê thêm "bạn" để cùng nhau ra khơi đánh bắt bằng nghề lưới rê đằm - một nghề đang "ăn nên làm ra" khi ấy. Anh bảo: "Hình như tôi có "duyên" với việc "gọi cá" nên làm ăn rất khấm khá". Nói vậy, nhưng chính kinh nghiệm học được từ những năm đi làm thuê đã giúp anh đoán luồng cá, cách khai thác hiệu quả...
Sau 8 năm làm chủ chiếc tàu công suất 45CV, anh dành dụm được một số vốn khá lớn. Chừng ấy năm lăn lộn nơi ngư trường anh thấy phải "vươn khơi xa" mới mong "bắt được cá lớn". Một lần nữa anh mạnh dạn vay thêm tiền để đóng một con tàu công suất 105CV, đồng thời sắm mới toàn bộ ngư lưới cụ và các trang thiết bị phục vụ khai thác thuỷ sản xa bờ bằng nghề vây rút chì. Có tàu lớn, ngư lưới cụ hiện đại, cộng với kinh nghiệm và sự giúp sức, đồng lòng của các bạn thuyền, hầu như chuyến ra khơi nào tàu của anh cũng đầy ắp cá. Vài năm sau, anh lại hạ thuỷ thêm một con tàu công suất 100CV.
"Tỷ phú" ngư trường
Với ngư dân Tịnh Kỳ, anh Thức đúng là một "tỷ phú" cả về vốn liếng lẫn kinh nghiệm ngư trường. Đến nay, anh đã là chủ của 3 chiếc tàu, doanh thu bình quân 1,2 tỷ đồng/năm. Anh được biết đến như một ngư dân "mê" các ngư cụ hiện đại. Anh bảo, ngư lưới cụ tốt, trang thiết bị hiện đại đã hỗ trợ đắc lực trong việc đánh bắt, vừa bảo đảm an toàn cho các lao động trên tàu an tâm ra khơi. Nhờ có máy dò cá, định vị, ICOM, phát điện, thu lưới... nên đội tàu của anh có thể khai thác ở những địa bàn xa, với độ sâu từ 70-160m và mỗi năm có thể khai thác liên tục 9 tháng. Trung bình mỗi năm đội tàu của anh khai thác gần 156 tấn thủy, hải sản, trong đó gần 50% có giá trị xuất khẩu. 20 lao động thường xuyên trên tàu có thu nhập khoảng 15 triệu đồng/người trong 9 tháng tham gia đánh bắt.
Hỏi về bí quyết "gọi cá vào lưới", anh giải thích là nhờ học hỏi kinh nghiệm của những ngư dân lớn tuổi những năm tháng đi làm thuê. Chẳng hạn như vào tháng 2, khi thời tiết lạnh, màu nước còn đục nên chỉ đánh được các loại cá chim, thu, mực. Thời tiết nắng nóng tháng 3, 4 sẽ trúng đậm các loại cá ngừ, cá nục sông xuất khẩu. Từ tháng 4 đến tháng 9, khi màu nước biển xanh trong, cá thường tập trung về ở những vùng đất cứng. Một bí quyết nữa cũng vô cùng quan trọng là việc canh giờ nước êm để thả lưới. Khi trăng lên, trăng lặn là lúc nước đang lên. Ngoài thời điểm ấy ra anh phải thức canh nước để lúc nào nước êm không chảy thì thả lưới đánh bắt. Mỗi loại cá ưa cường độ chiếu ánh sáng khác nhau nên phải nắm kỹ cách thu gom ánh sáng mới có thể "chiêu dụ" được nhiều loại cá vào lưới.
Giúp người không điều kiện
Nhắc đến anh Thức, nhiều ngư dân ở Tịnh Kỳ không giấu nổi sự tri ân. Với họ, anh thật sự là một ông tỷ phú tốt bụng. Anh Nguyễn Thanh xúc động kể: Anh và nhiều ngư dân có hoàn cảnh khó khăn đã được anh Thức cho mượn vốn để làm ăn. Có người được anh cho mượn tới 30 triệu đồng. Nhờ những đồng vốn ân tình đó mà nhiều ngư dân ở vùng biển này đã dần thoát đói nghèo, vươn lên khấm khá. Hội khuyến học, Quỹ người nghèo... của xã cũng xem anh như một địa chỉ nhân đạo.
Nhiều bạn tàu gặp hoạn nạn được anh giúp không tính toán thiệt hơn. Như, tàu đánh bắt xa bờ của ông Bùi Rằng, ông Nguyễn Khuya (Tịnh Kỳ, Sơn Tịnh) bị hỏng tời lúc đang trên biển được anh kịp thời cứu giúp. Năm 2001, chiếc thuyền nhỏ chở hai cha con anh Năm ở Mỹ Á (Đức Phổ) đi câu ven bờ gặp gió động đánh trôi dạt ra khơi, anh Thức đã cho tàu ra cứu và đưa họ về bờ an toàn. Năm 2002, một chiếc tàu ở Quảng Nam đang hành nghề ở vùng biển Quảng Ngãi thì gặp sự cố, hỏng máy và hết dầu. Không đắn đo, ngay lập tức anh đã điều tàu ra tiếp tế dầu, lương thực, giúp sửa máy. Có những lúc biển động, gió cấp 6-7 nhưng biết có tàu của ngư dân ở Lý Sơn đang bị hỏng máy ngoài khơi anh cũng vượt qua nguy hiểm ra giúp đưa tàu vào vị trí neo đậu an toàn. Anh biết rằng mỗi một chuyến ra khơi cứu nạn mất cả vài trăm triệu đồng phí tổn, nhưng nếu làm ngơ không giúp những con tàu ấy thì cả mấy chục gia đình của những ngư dân đi trên tàu sẽ mất cái ăn hàng mấy tháng trời, chưa kể sinh mạng của bạn tàu cũng phải đánh đổi.
Nguồn tin: NTNN |