Ông Giám đốc nông dân
Trong những năm qua, ngành nông nghiệp Vĩnh Long đã có bước
phát triển vượt bậc, tốc độ tăng trưởng bình quân 8%/năm, giá trị thu nhập trung
bình gần 40 triệu đồng/ha/năm. Ðể nâng cao hơn nữa thu nhập cho bà con nông dân,
ngoài việc gia tăng sản lượng nông sản, lãnh đạo tỉnh và ngành nông nghiệp còn
định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ thuần nông sang làm dịch vụ. Tại huyện
Tam Bình – Vĩnh Long có một nông dân sản xuất giỏi đã tham gia vào quá trình
chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương với những bước đi hết sức căn bản. Ðó
là " Ông Giám đốc gốc nông dân “ Nguyễn Văn Thế
Sau khi tốt nghiệp PTTH, anh Thế quay về tham gia sản xuất nông
nghiệp tại ấp 9, xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình. Trong thời gian trực tiếp canh tác,
nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây lúa không cao nên anh đã tìm tòi học hỏi kinh
nghiệm ở các bậc lão nông tri điền, rồi quyết định cải tạo lại diện tích canh
tác của mình làm vườn chuyên canh cây ăn trái. Ðầu thập niên 1990, sau khi lặn
lội sang tận cù lao Ngũ Hiệp ở Tiền Giang học hỏi, anh đã đầu tư trồng trên 1 ha
sầu riêng khổ qua xanh và 0,3 ha nhãn da bò trên vườn nhà. Áp dụng các kiến thức
đã thu thập được, ngay trong vụ thu hoạch thứ 2 anh đã thành công trong việc cho
sầu riêng ra hoa sớm vụ, đạt mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Với sự cần cù
chịu khó cộng với sự năng động nắm bắt thông tin thị trường, anh Thế đã ứng dụng
rất thành công các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào vườn cây: cho hoa trái vụ, cho
trái sớm, chín rộ vào thời điểm thị trường có nhu cầu cao, thu hoạch vào lúc thị
trường khan hiếm nên anh luôn có mức thu nhập ổn định. Thu nhập từ kinh tế vườn
được anh đầu tư vào vườn cây, ổn định kinh tế gia đình.
Từ kinh nghiệm bản thân cùng với nhu cầu của bà con nông dân,
anh Thế nhận ra không chỉ sản xuất có chất lượng cao và giá cả hợp lý là đủ mà
còn phải phụ thuộc vào một yếu tố hết sức quan trọng là thị trường. Vì vậy ngoài
việc phát triển sản xuất trong mảnh vườn của mình, anh bắt đầu xâm nhập vào một
lĩnh vực rất xa lạ với người nông dân nhưng hết sức cần thiết nếu muốn phát
triển nông sản hàng hóa: thị trường tiêu thụ nông sản. Anh Nguyễn Văn Thế cho
biết:
Tôi có ý nghĩ là chuyển sang làm dịch vụ cũng là xuất phát từ
bản thân ra, bởi vì mỗi năm năng suất trái cây mỗi tăng, nhưng giá cả không ổn
định, quá bấp bênh. Từ đó tôi mới tìm hiểu sâu về thị trường thì tôi thấy mình
không chỉ tham gia trực tiếp vào sản xuất mà phải tham gia trực tiếp vào tiêu
thụ sản phẩm làm ra. Từ đó tôi xin giấy phép đăng ký kinh doanh thành lập nên
doanh nghiệp tư nhân Thế Nghiệp.
Năm 2002, anh đã viết một dự án phát triển cây có múi tại địa
phương Tam Bình. Trong dự án này anh đã đặt vấn đề gắn kết việc phát triển sản
xuất, gia tăng diện tích canh tác và sản lượng nông sản với việc tìm đầu ra để
tiêu thụ. Giữa năm 2003, anh Thế đã xúc tiến bước 1 kế hoạch chế biến nông sản
nhằm nâng cao giá trị và chất lượng, giải quyết đầu ra cho nông sản trong tỉnh
bằng cách thành lập DNTN Thế Nghiệp, xây dựng nhà kho, đặt trạm thu mua…
Một vấn đề cũng hết sức quan trọng được anh rút ra từ kinh
nghiệm bản thân là công nghệ sau thu hoạch. Nếu làm tốt khâu này thì có thể nâng
cao chất lượng và giá trị nông sản, chủ động được thời điểm giao hàng từ đó gia
tăng thu nhập cho người nông dân. Anh đã xúc tiến một dự án đầu tư kho lạnh ở
quy mô trung bình. Mục tiêu tổ chức hệ thống lạnh của anh là để bảo quản các
loại trái cây. Anh sẽ thu gom vào mùa vụ tập trung, sau đó sẽ phân phối rải vụ
ra để ổn định được giá sản phẩm cho bà con quanh vùng.
Ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp Thế Nghiệp là sản xuất,
chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu rau quả. Trong kế hoạch tiêu thụ nông sản, chủ
yếu là trái cây có múi, doanh nghiệp của anh Thế sẽ kết hợp với cán bộ kỹ thuật
của mỗi vùng tổ chức cho bà con nông dân từ khâu đầu là cây giống sau đó đến quy
trình sản xuất thu hoạch để đảm bảo sản phẩm làm ra là sản phẩm an toàn. Cuối
năm 2003, sau một thời gian tiếp thị khó khăn, anh Thế đã xuất khẩu được 2
container bưởi 5 roi đầu tiên sang thị trường châu Âu. Sau lô hàng đầu tiên này,
đối tác nước ngoài đã tín nhiệm và bắt đầu đặt hàng với số lượng lớn trong năm
2004, lên đến vài container mỗi tháng. Ðể có thể cung cấp hàng theo yêu cầu cao
của thị trường châu Âu, DN Thế Nghiệp đã kết hợp với các trạm BVTV hướng dẫn quy
trình kỹ thuật cho người trồng bưởi để đảm bảo trái cây an toàn, sạch bệnh đồng
thời giá được nâng cao.
Ðặc sản của Tam Bình là trái cam sành, đó là thế mạnh của địa
phương. Về sản xuất sản lượng mỗi năm mỗi tăng do định hướng của địa phương và
các chương trình khuyến nông. Rất tâm huyết với quê hương, anh Thế lúc nào cũng
mong muốn mở rộng thị trường cho cam sành và bưởi 5 roi bằng việc lặn lội giới
thiệu, quảng bá các đặc sản này tại các chợ đầu mối, các vựa lớn tại TPHCM, tìm
mọi cách để giới thiệu các đặc sản này ra thị trường thế giới. Qua các chuyến
khảo sát thị trường anh Thế vừa sản xuất và bán hàng của bản thân gia đình, song
song đó giúp tiêu thụ sản phẩm của nông dân trong tỉnh, anh luôn tâm niệm rằng:
"Người nông dân trong nền kinh tế thị trường hiện nay không chỉ có vốn kiến thức
và kinh nghiệm về sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học là đủ mà phải nắm bắt
được các quy luật của thị trường. Từ đó sản phẩm làm ra mới có thể cạnh tranh
được trên thương trường".
Người nông dân sản xuất giỏi ngày nào giờ đã là một giám đốc
tất bật với công việc kinh doanh nhưng vẫn không quên gốc gát nông dân của mình,
vẫn không mặc cảm mà rất tự hào khi có người gọi anh là "Giám đốc gốc nông dân".
Bởi vì anh luôn có tâm nguyện "Kinh doanh để giúp bà con nông dân tiêu thụ được
sản phẩm, để bà con cùng làm giàu". Anh Nguyễn Thanh Thế chính là một mẫu hình
nông dân mới trong nền kinh tế thị trường: năng động, biết vận dụng các quy luật
thị trường để phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là thực hiện quá trình
chuyển dịch từ nông nghiệp sang dịch vụ và công nghiệp ngay trên đồng ruộng quê
mình.
Lý Hữu (Vĩnh Long's DARD) |