Hai nông dân chế tạo ra máy gieo lúa
AN GIANG 11-8 - TH3 là viết tắt của 3 chữ: tỉa hạt - theo hàng - tổng hợp. Bỏ lúa vào 10 hộp trên máy, điều chỉnh cho hạt rơi đúng số lượng, kéo máy tới đâu, hạt giống được sạ tỉa tới đó, ngay hàng thẳng lối, cách đều nhau. Tác giả của máy là hai nông dân ở thị trấn Mộc Hóa, tỉnh Long An: Tô Hồng Quân và Ðặng Văn Tiễn. Báo Tuổi Trẻ ngày 10-8-2004: Quân và Tiễn là đôi bạn thân cùng trải qua những tháng ngày cực nhọc, hết đầu tắt mặt tối làm mướn trên đồng lại quay ra bỏ mối nước đá kiếm sống. Quân học xong năm thứ hai ÐH Bách khoa Sài Gòn thì nghỉ. Tiễn có thời gian đi làm công an, nhưng sau đó cũng nghỉ. Ðầu năm 2001, Quân kêu Tiễn lại bàn: “Tui thấy nông dân mình sạ lúa theo hàng hao quá. Sao mình không thử làm một cái máy sạ tỉa?”. Nói rồi Quân ngồi bệt xuống vẽ ngay trên mặt đất mô hình. Tiễn vốn tính thích mày mò khám phá nên nghe qua liền gật đầu: “Ừ được đó, thử làm coi!”. Hai anh chàng bắt tay làm.
Việc đầu tiên là làm hộp đựng lúa. Cái hộp của máy sạ hàng cũ đơn giản vì nó cứ để hạt lúa rơi đều đều mà đi tới. Còn ý muốn của hai anh là hộp phải cho hạt lúa rơi đúng vị trí cần gieo hạt, cách khoảng đều nhau 16x16 cm khắp mặt ruộng. Số hạt lúa gieo cũng phải đều nhau, điều chỉnh tự động theo ý muốn. Hai anh cứ loay hoay mãi với hộp đựng lúa. Lúc đầu làm bằng nhựa, thấy nó rít quá chuyển sang sắt. Rồi sắt cũng không êm, chuyển qua nhôm. Nhôm cũng chẳng được, lúa cứ dính, xuống không đều. Suy nghĩ mãi, kiểm lại hết các kim loại thấy chỉ còn inox là chưa dùng tới, hai anh quyết định cắt miếng inox bẻ thành hình chóp cụt làm thử. Bỏ nhúm lúa vô, mặt inox trơn láng, lúa xuống... thật ngọt.
Bây giờ làm sao cho trục bánh xe quay từng khớp thì hạt lúa rơi theo? Hai anh chế tạo một cái đĩa hình tròn, rãnh có 10 lỗ nhỏ đều nhau. Muốn làm cái đĩa này phải có máy tiện. Ðến tiệm cơ khí, chủ tiệm chế nhạo: “Làm gì giống khùng vậy mấy cha. Biết có kết quả không mà làm hoài?”. Tự ái, Quân và Tiễn bàn nhau vay tiền mua luôn chiếc máy tiện. Từ đó, ròng rã 2 tháng trời, hai anh suốt ngày ngồi cắt, cưa, đục... dần dần hộp, đĩa, rồi vỏ hộp hình thành. Hai anh đặt tên là “hộp phân phối”. Xong, hai anh cho chạy thử trên... bàn. Ðổ lúa vô hộp, quay trục xoay cho lúa rớt từ từ. Nhưng thật thê thảm vì có lúc hạt lúa bị xay xát luôn chứ không còn sạ hàng. Mấy ông hàng xóm qua coi được một phen cười vỡ bụng. Song vẫn không nản, hai anh thí nghiệm hàng trăm lần, hao cả trăm ống sắt.
Chuyện khoan lỗ mới kỳ công, hai anh phải đạp xe cọc cạch lên Sài Gòn tìm đến cơ sở khoan lỗ bằng máy vi tính. Tới bây giờ cái khuôn khoan lỗ này vẫn được hai anh giấu kín coi như là bí quyết. Ráp đi ráp lại, hai anh phải mất thêm 6 tháng chiếc máy mới thành hình.
Vụ đông xuân năm 2002, Quân và Tiễn cho máy xuống ruộng thử nghiệm, nhưng kiếm không ra chỗ làm thử vì chẳng ai chịu cho làm vì sợ hư ruộng. May thay, lúc đó có người bạn tên Thiết, vốn cùng làm đại lý nước đá chung trước đây, chịu cho mượn ruộng làm thử. Hai anh ì ạch gánh máy nặng 60 kg tới ruộng. Thật xui, miếng ruộng... quá lầy, kéo chừng ba công, máy bị lún, chìm mất... bánh xe. Mấy nông dân đứng trên bờ cười ngất, nói: “Tổ trác hai thằng khùng rồi”.
Trong lúc thất vọng, Thiết an ủi: “Làm tới mới là chuyện lớn. Cũng sạ được ba công ruộng chớ bộ”. Lúc này hai anh mới sực nhớ và chạy xuống ruộng coi lại. Hột lúa rơi đều, thẳng tắp, giống như cấy tay, thật đẹp. Thành công rồi, vấn đề là làm cho máy nhẹ bớt, bánh xe lớn hơn sẽ không còn lún. Hai anh về nghiên cứu thay bớt vật liệu nặng, thay bánh xe loại 500 của trẻ con bằng loại 650 của người lớn. Ròng rã 5-6 tháng trời. Khi ráp xong thì cái máy “giảm cân” còn phân nửa.
Tới vụ Hè Thu năm 2002, hai anh gặp may mắn. Lão nông Tư Tước, một nông dân sản xuất giỏi của huyện Vĩnh Hưng, đồng ý cho mượn ruộng chạy thử. Quân và Tiễn kéo sạ trong hai ngày thì xong 3 ha của ông. Nhìn hạt lúa rơi đều, ông Tư thích quá mua liền máy. Sau đó, ông cho thuê máy với giá 50,000 đồng/ha. Chỉ có một vụ ông lấy vốn. Lúc này, Quân và Tiễn bắt đầu nghĩ đến việc sản xuất máy bán. Ðợt đầu tiên, hai anh làm được 10 chiếc. Ðể “tiếp thị”, hai anh chở máy đi khắp nơi trong Ðồng Tháp Mười. Ai có nhu cầu thì kéo giùm không lấy tiền.
Cứ vậy cho đến hết vụ mùa, hai anh toàn làm không công. Qua đó bà con biết máy của họ. Ông Tư Tước cho biết: “Tui làm vụ Ðông Xuân được 6 tấn/ha, qua Hè Thu sạ tỉa bằng máy này tăng năng suất lên 6,5 tấn/ha, chi phí hạt giống giảm còn nửa”. Nghe tin có loại máy mới, Trung Tâm Nghiên Cứu Thực Nghiệm Nông Nghiệp Ðồng Tháp Mười mua ngay một máy chạy thử và cho kết quả tốt. Trung tâm cho biết, vụ mùa tới sẽ phổ biến cho nông dân tỉnh Ðồng Tháp sử dụng rộng rãi.
Ông Ba Tâm, Phó Giám Ðốc Nông Trường Sông Hậu, ngay ở hội chợ Cần Thơ đã mua liền 17 chiếc. Hiện hai anh đầu tắt mặt tối làm máy để cung ứng cho nông dân mà vẫn không đủ hàng để bán.
NGƯỜI VIỆT Online |