Tìm kiếm thông tin:
  Chuyên đề Bạn nhà nông
Nuôi
Trồng
Giống
Vật tư
Thiết bị - Công cụ
  Nhà nông tôn vinh
DNghiệp thân thiện
SPhẩm ưa chuộng
Nông dân thành đạt
  Trao đổi kinh nghiệm
Kinh nghiệm SX
Hỏi & đáp
  Danh bạ Bạn nhà nông
Cơ quan - Ban nghành
Hội - Hiệp hội
DN Sản xuất
DN Chế biến
DN D.Vụ-Thương mại
Trang trại
  Giới thiệu Bạn nhà nông
Website
Cẩm nang
Hồ sơ
Liên hệ


 Nông dân thành đạt

vua cam thanh son

Anh rất xứng đáng với cái tên mà bà con đặt: “Vua cam” Thanh Sơn. Giờ đây anh trở thành 1 trong 10 nông dân xuất sắc nhất của tỉnh Bến Tre trong năm 2004. Đây cũng là ghi nhận sự phấn đấu cật lực vươn lên của anh trong những năm tháng qua…

GẮN CHẶT VỚI ĐẤT!

Tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Thanh Sơn, ở ấp 4, xã Nhơn Thạnh (Thị xã) vào buổi sáng. Bên bình trà nóng, dĩa bánh ngọt được bày ra, tôi có cảm nhận dường như anh đang chứa chan một niềm vui lớn. Như đón được ý nghĩ của tôi, anh cười và nói: “Ngồi nghiệm lại, tôi cứ tưởng chừng mình đang nằm mơ. Chỉ vài năm trước, nơi đây là một căn nhà lá sụp xệ còn bây giờ tôi đã xây được căn nhà tường khá khang trang. Điều tôi tâm đắc nhất đó là 2 đứa con đều vào đại học, đứa lớn chuẩn bị ra trường còn đứa nhỏ bước sang năm học thứ 3”. Thành công này xuất phát từ sự cần cù chịu khó, tìm tòi học hỏi vươn lên làm giàu bằng chính đôi tay và khối óc của anh.

Tôi hỏi: “Vì sao bà con lại đặt cho anh cái tên vua cam Thanh Sơn?”. Anh kể: “Cuộc đời của tôi dường như có duyên nợ với cây cam. Vào năm 1981, cưới vợ, cha mẹ cho ra ở riêng kèm theo 3,5 công đất vườn tạp. Vợ chồng gắn bó mảnh vườn nhưng cuối năm nhìn lại chỉ là tay làm hàm nhai. Không ít đêm trằn trọc suy nghĩ nếu bằng lòng với hiện tại thì khi có con cuộc sống sẽ thế nào?...”. Cũng trong dòng suy nghĩ này anh lại nhớ thời ông cố mình chỉ gắn bó cây quýt thôi nhưng được mọi người đặt cho cái tên là “Thôn vinh vườn quýt Long Mỹ”. Rồi đến ông nội anh cũng làm giàu nhờ trồng cây có múi. Thế là anh quyết định chọn một giống cây ăn trái để trồng vào mảnh vườn của mình. Nhưng chọn cây gì đây? Nhiều lần anh sang nhà bạn bè ở Chợ Lách tận mắt nhìn những vườn cây cho trái nặng trĩu cành. Anh đã đi đến quyết định chọn cây cam. Cây giống mua tại vườn ươm ở đây chở về trồng. Ngay thời điểm ấy, cây mía còn hưng thịnh nhưng anh lại đốn mía và các cây tạp khác chuyển sang trồng cam. Thấy vậy, không ít người gọi anh là… khùng!? Ngày qua ngày, anh luôn gắn bó với mảnh vườn, những lúc nhàn rỗi tìm tài liệu có liên quan đến kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cam để bổ sung kiến thức cho bản thân. Sau 26 tháng trồng, cây cho trái, cuộc sống gia đình dần dần đi vào ổn định và đã tích lũy được chút ít tiền. Lại một lần nữa anh được lối xóm gọi là “thằng khùng”. Đó là lúc tiền gửi ngân hàng lãi suất cao, nhiều người cùng xóm bán đất lấy tiền gửi ngân hàng hưởng lãi ngon hơn phải lao động cực khổ nhưng thu lợi chẳng là bao. Còn anh thì suy nghĩ là nông dân thì phải có đất, bất cứ giá nào cũng không thể tách rời mảnh đất. Tiền dư bao nhiêu anh đều dùng vào việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất của bà con, nâng diện tích đất nhà lên dần đến hơn 2,1ha. Tất cả đều được anh trồng cam. Những lúc thiếu tiền đầu tư anh mạnh dạn tìm đến ngân hàng.

LUÔN THEO KỸ THUẬT MỚI

Là một nông dân anh quan niệm cây trồng nào cũng giúp mình ngẩng cao đầu lên cả nếu cần mẫn và biết tiếp cận được khoa học kỹ thuật. Chính suy nghĩ này mà lúc nào xã, phòng kinh tế có mời cán bộ kỹ thuật về địa phương tập huấn dù bận bịu anh đều gác lại để đến dự. Anh nói: “Mình không có điều kiện học cao còn các chú là kỹ sư cập nhật thông tin rất nhanh nên phải đến học thôi”. Nhờ thế mà anh có một bề dày kinh nghiệm về cây cam. Anh khẳng định cây cam là cây khó trồng nếu thiếu, yếu kỹ thuật cây chỉ cho trái 1- 2 mùa sẽ chết ngay. Nên ngay từ khi mua cây giống về trồng phải hết sức lưu ý chọn giống đúng nguồn gốc, gốc ghép có bộ rễ mạnh. Đất mặt liếp trồng cây phải cao hơn mực nước trung bình từ 50 – 70cm. Cam là cây khá mẫn cảm với nước nên phải đắp đê bao chủ động nguồn nước, không nên để nước lên xuống thất thường. Nếu để nước trong mương thật cạn thì rễ cây đâm sâu xuống lòng đất tìm nước và khi nước dâng cao gây thối bộ rễ và cây sẽ chết. Bên cạnh đó, phải chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh cho cây thường xuyên. Không nên khi giá thấp thì không quan tâm đến để khi nào có giá mới chăm sóc. Theo anh Sơn cây trồng nào cũng thế nếu một người trồng thì bán giá cao còn nhiều người trồng phải chịu tuột giá. Để khắc phục vấn đề về giá, anh luôn quan tâm đến việc cho cây ra trái nghịch vụ. Ngay vụ thuận anh mạnh dạn lãi trái bỏ chỉ chừa lại chút ít đủ tiền phân thuốc. Và tập trung chăm sóc cho cây thật tốt để cho trái vụ nghịch. Nhờ vậy mà cam của anh luôn bán được giá cao. Có lúc giá bán lên đến 17.000 đồng/kg. Cây cho trái 5 – 7 mùa anh đốn bỏ để cải tạo lại đất. Trong 1 năm không trồng cam, anh chuyển sang trồng cây họ đậu và thực hiện các thao tác cải tạo đất rồi mới trồng cây cam trở lại.

Bước vào khu vườn mới tường tận hết vóc sức của anh. Vành đai của mảnh vườn được trồng xoài để chắn gió và nhử kiến vàng. Khoảng 2 năm trở lại đây, anh khá thành công trong việc trồng cây nguyệt quới ven bờ cam vừa che bớt nắng, giữ độ ẩm cho cây vừa thu hút rầy chổng cánh. Cây nguyệt quới khi trổ bông có sức cuốn hút rầy chổng cánh rất cao nên để tiêu diệt rầy chỉ cần đợi khi nào cây trổ bông là xịt thuốc trừ sâu thẳng vào thay gì phải xịt vào cây cam. Cái lợi của việc trồng cây nguyệt quới nữa do nó là giống cây kiểng nên có lợi nhuận.

Khi tôi đề cập chủ trương của tỉnh hướng đến những cánh đồng, mảnh vườn 50 triệu đồng/ha thì anh cười và nói nếu nông dân thật sự gắn bó và đầu tư đúng mức cho mảnh vườn của mình thì không khó. Như để minh chứng lời nói của mình, anh làm phép tính đơn giản: “Đất vườn tôi trồng cam cho năng suất 3 tấn/công. Bình quân giá bán vụ thuận lẫn vụ nghịch không dưới 5.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí các khoản còn lãi bao giá từ 12 – 13 triệu đồng/công. Cây xoài cát Hòa Lộc trồng theo vành đai của 2,17 ha đất mỗi năm cho trái bán 15 – 20 triệu đồng còn phần diện tích mặt nước nuôi tôm càng xanh tạo lãi không dưới 15 triệu đồng. Ngần ấy đã hơn gấp đôi ngưỡng 50 triệu đồng/ha.” Hiện nay, anh đang tiến hành trồng các cây mang tính chiến lược như sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh xen trong vườn cam. “Vua cam” Thanh Sơn bộc bạch: “Khi chọn bất cứ một cây gì trồng vào vườn của mình phải nghĩ đến hiệu quả kinh tế và vóc hết công sức vào nó”.

Trần Quốc


° Các tin khác
• Người làm thương hiệu cho bưởi Tân Triều
• Chế phẩm cứu tinh vùng đất chua, mặn
• Lão nông Ba Nhơn và "địa chỉ xanh" đáng tin cậy
• Sang Mỹ làm... nghề nông
• Người đạt năng suất mía kỷ lục - 286 tấn/ha
• Bến Tre: Một nông dân bán được bưởi với giá nửa triệu đồng/cặp
• Khi lão nông làm giám đốc
• Vừa là chủ Doanh nghiệp vừa là nông dân giỏi
• Ông bác sĩ đưa trái gấc Việt Nam ra thế giới
•  Tỷ phú đất phèn

 

Trang web được thiết kế và lưu trữ tại VietnamNetweb