Làm giàu từ kinh tế trang trại:Trường hợp của anh Vũ Hùng Thắng, Tỉnh Hải Dương.
Nhận thức được chủ trương khuyến khích phát triển kinh
tế trang trại của Nhà nước, cộng với mong muốn làm giàu, gia đình anh Vũ Hùng
Thắng và chị Dương Thị Huyền, thôn Quán Đào, xã Tân Tiến, Gia Lộc, Hải Dương đã
mạnh dạn đầu tư để xây dựng trang trại. Mặc dù biết rằng làm giàu từ kinh tế
trang trại là khó khăn, thậm chí là không thể nhưng vợ chồng anh Thắng vẫn quyết
tâm tìm cách tháo gỡ để nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình.
Từ ý thức phát triển bền vững.
Bước đầu, để có diện tích trang trại 7.000 m2, gia đình anh
chị đã chuyển nhượng đất loại I được chia để lấy khu đất trũng, chất lượng kém
hơn ở cuối xã làm trang trại. Mô hình kinh tế trang trại của gia đình anh Thắng,
chị Huyền là mô hình trang trại tổng hợp, trong đó kết hợp giữa chăn nuôi heo
giống, gia cầm, nuôi cá, kết hợp các loại cây dài ngày và ngắn ngày xen canh
nhằm tận dụng diện tích mặt nước, đất canh tác, và tối đa hoá thời gian lao
động.
Anh Thắng chú trọng đến việc hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu
trong canh tác và xử lý chất thải chăn nuôi. Mô hình trang trại là mô hình khép
kín: Chất thải từ chăn nuôi đã được tận dụng để trồng trọt, tăng năng suất cây
trồng, và thậm chí để nuôi cá. Chất thải từ chăn nuôi cũng được sử dụng để làm
chất đốt thông qua công nghệ hầm biogas. Đồng thời, việc sử dụng thuốc trừ sâu
cũng được hạn chế tối đa thông qua sử dụng chế phẩm phân bón thay thế, được sản
xuất từ cây xanh và vi sinh vật địa phương.
Gia đình anh Thắng đã sử dụng 3.000 m2 để trồng 60 cây vải
thiều Thanh Hà, 25 cây nhãn, xen với 1.200 cây chuối. Từ 1997, gia đình anh chị
đã bắt đầu nuôi gà công nghiệp. Trong phạm vi diện tích 1.200 m2, gia đình anh
Thắng thường xuyên nuôi trên 1000 con. Sau thời gian nuôi 45 - 50 ngày, gà đạt
trọng lượng 1,8 - 2,3 kg/con.
Từ năm 1999, được Hội Nông dân và Trung tâm Khuyến nông tuyên
truyền vận động nuôi lợn hướng nạc, gia đình anh Thắng, chị Huyền đã nhận làm
đại lý cho Công ty CP Group, cung ứng thức ăn gia súc cho các hộ trong vùng. Gia
đình anh Thắng, chị Huyền đã xây 700 m2 chuồng trại để nuôi lợn hướng nạc và
nuôi lợn nái sinh sản. Lợn nái sinh sản được nuôi trong chuồng khung thép. Hệ
thống chuồng trại được thiết kế theo mẫu của Công ty CP Group và của Viện Chăn
nuôi để phù hợp với điều kiện chăn nuôi ở Việt Nam. Năm 1999, số đầu lợn nái gia
đình anh Thắng nuôi được là 15 con; năm 2000 là 25 con; từ năm 2001 đến nay, số
đầu lợn nái siêu nạc là 45 - 50 con. Số đầu lợn thịt có tỷ lệ nạc cao được nuôi
thường xuyên từ 150 đến 300 con.
Anh Thắng đã giúp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi với tư cách là
người đi trước, và cung ứng thức ăn chăn nuôi cho các hộ gia đình khác, tạo ra
làn sóng làm giầu theo mô hình trang trại với các trang trại vệ tinh ở địa
phương. Phương châm sống của anh: “Giúp người là giúp mình” đã mang lại hiệu quả
cao. Bằng cách giúp các hộ khác trong chăn nuôi, anh Thắng đã tạo ra một thị
trường kinh doanh giống và thức ăn gia súc cho bản thân. Nguồn thu từ hoạt động
kinh doanh này là phần đóng góp chủ yếu cho thu nhập gia đình anh.
Các kết quả đạt được.
Do nuôi cá với cơ cấu hợp lý về tỷ lệ các loại giống cá, nên
riêng nuôi cá, trừ chi phí, hàng năm gia đình anh chị thu lãi từ 8 - 10 triệu
đồng. Thức ăn nuôi cá bao gồm rau, bèo, thức ăn công nghiệp và chủ yếu từ nguồn
phân lợn. Thu hoạch hàng năm từ cây ngắn ngày xen canh từ 5 - 6 triệu đồng. Nuôi
gà cũng mang lại cho gia đình anh lãi 18 triệu đồng/ năm, mức lãi bình quân hàng
năm từ chăn nuôi lợn siêu nạc xuất khẩu là 80 - 125 triệu đồng. Mức thu trung
bình hàng năm của gia đình anh Thắng từ các lĩnh vực sản xuất đạt từ 150 - 180
triệu đồng.
Trang trại của anh Thắng đã bố trí hợp lý công ăn việc làm ổn
định cho 7 lao động, có thu nhập từ 500 - 800 ngàn đồng/tháng, trong đó có 1 kỹ
sư chăn nuôi. Với 1 xe ô tô vận tải, trang trại của anh Thắng đã cung ứng hàng
trăm tấn thức ăn gia súc cho các hộ gia đình nuôi lợn siêu nạc ở các xã lân cận.
Anh Thắng đã giúp cho 30 - 40 hộ chăn nuôi lợn nái ngoại theo quy mô 5 - 10
con/hộ; sau đó hướng dẫn họ kỹ thuật chăn nuôi; giải quyết đầu ra cho sản phẩm;
ứng vốn ban đầu qua thức ăn gia súc cho các hộ trên. Gia đình anh Thắng đã không
chỉ biết làm giàu cho gia đình mình mà còn giúp người khác cùng sản xuất kinh
doanh.
Với mong muốn làm giầu và quyết tâm làm giầu thông qua việc sử
dụng hiệu quả các nguồn nguyên liệu và hoạt động hướng theo mô hình khép kín, hộ
nông dân như gia đình anh Thắng đã đạt những kết quả kinh tế đáng khích lệ. Điều
này cho thấy, từ việc mạnh dạn tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng công
nghệ mới trong chăn nuôi và canh tác, bố trí hợp lý cơ cấu cây trồng, vật nuôi
cho giá trị kinh tế cao, các hộ nông dân có thể làm giàu từ chính sức lao động
của mình. Bên cạnh đó, họ còn đóng góp cho xã hội thông qua việc trở thành những
gương sáng điển hình cho hộ khác học tập. Cùng với đó là việc bảo vệ môi trường
nhờ xử lý hợp lý chất thải của quá trình chăn nuôi và thực hiện quy trình sản
xuất nông nghiệp đảm bảo an toàn về môi trường. Mô hình này có thể được nhân
rộng cho các hộ gia đình nông dân miền Bắc và miền Trung, nơi mà nông nghiệp quy
mô nhỏ vẫn còn phổ biến.
Nguồn: VA21>ZRioplus-bannhanong.vietnetnam.net
(18/3/2006) |