“Hoàng heo giống” đồng bằng sông Cửu Long.
Tên khai sinh là Châu Văn Hoàng, sinh năm 1964, tại
ấp Trà Sất Chợ, xã Long Hiệp (huyện Trà Cú, Trà Vinh) nhưng anh lại được giới
chăn nuôi heo, nhất là những hộ có qui mô trang trại biết đến với cái tên “Hoàng
heo giống”. Gần đây, Công ty Con Cò gợi ý mở rộng hợp đồng bao tiêu lên 20.000
đơn vị tinh mỗi năm, để trang trại anh Hoàng trở thành trang trại duy nhất cung
cấp tinh heo giống cho Công ty trên địa bàn Trà Vinh.
Trang trại của anh có 30 con heo nái siêu nạc, mỗi
năm cung cấp cho giới chăn nuôi trong, ngoài huyện trên dưới ngàn con heo giống
chất lượng cao nhưng đáng nể hơn là anh đang sở hữu 12 con heo đực giống mang
hai dòng máu Landras và Yorkshire. Với nguồn tinh dồi dào từ chúng, anh Châu Văn
Hoàng (ảnh) đang góp phần khá quan trọng vào việc cải tạo bộ giống trong nghề
chăn nuôi heo Trà Vinh theo hướng năng suất - chất lượng - hiệu quả. Hỏi con
đường nào dẫn anh đến với cái nghề mà mới thoạt nghe dễ làm người đối diện phì
cười này, “Hoàng heo giống” cười tươi rói: Tôi vốn mỗi ngày theo vợ ra chợ xã
mua bán. Nói mua bán cho oai chớ kỳ thực tôi chỉ làm mỗi cái việc sáng dọn ra
chiều dọn vào, thỉnh thoảng mới được vợ phân công cho ngồi trực sạp vài phút.
Vậy mà cứ bị chê lên chê xuống. Nghĩ mình cũng lưng dài vai rộng, tôi thôi không
theo vợ ra chợ nữa, ở nhà xây chuồng nuôi heo!
Cứ tưởng nuôi vài ba con heo cho có việc làm hàng ngày, ai ngờ
công việc cứ hút hết thời gian và tâm trí chàng trai có trình độ cấp III này.
Vào nghề, anh mới thấy đây chẳng phải là loại công việc nhàn tản, dễ ăn. Đầu tư
vốn liếng, bỏ công chăm sóc mấy tháng trời, mỗi tạ heo lãi ngót nghét trăm ngàn
đã là đáng mừng. Đó là chưa kể chuyện bầy heo đang lớn phổng phao lăn đùng ra
bệnh; rồi chuyện giá cả thị trường khi trồi khi sụt... Chung quanh anh, đâu
thiếu những bà con thua lỗ, chưa kịp bán heo đã phải bán chuồng. Vì vậy, năm
1997, khi Công ty thức ăn gia súc Con Cò chiêu sinh lớp tập huấn kỹ thuật chăn
nuôi heo sinh sản, Châu Văn Hoàng lặng lẽ ghi danh, lên tận Thủ Đức (TPHCM) học
liền ba tháng ròng rã.
Chuyện anh khăn gói đi học nghề... nuôi heo, khiến không ít bà
con chung quanh cười thầm: “Tưởng gì, nuôi heo cũng học!”. Nhưng chính ba tháng
ngồi làm người học trò chuyên cần ấy đã giúp anh vỡ ra nhiều điều: Tại sao con
heo ông bà mình vẫn nuôi thường tăng trọng chậm, lại hay bị nhiễm bệnh, giá cả
không cao trên thị trường? Giải quyết được những điều này tức là sẽ giải quyết
được cái gốc của nghề chăn nuôi heo hiện nay. Và anh nhận ra rằng cái gốc ấy nằm
chính ở khâu con giống. Giống heo đang phổ biến ở khu vực ĐBSCL hiện nay, tuy đã
có sự tiến bộ nhất định so với những khu vực khác trong cả nước nhờ vào thập
niên 1960 - 1970, chế độ cũ khuyến khích nhập heo giống về cho lai với các giống
heo địa phương. Tuy nhiên, trải qua thời gian dài, nghề chăn nuôi ở qui mô nhỏ,
mang tính tự phát đã khiến cho những bộ giống bị thoái hóa dần, chất lượng thịt
lẫn sức đề kháng đều kém. Để nghề chăn nuôi hiệu quả hơn, phải bắt đầu lại ngay
từ khâu con giống!
Học xong, anh Hoàng bàn bạc cùng vợ gom hết vốn liếng xây dựng
trang trại chăn nuôi đúng qui cách hẳn hòi ngay tại xã Long Hiệp và chỉ chuyên
nuôi heo sinh sản. Từ những con heo cái giống mang hai dòng máu mua được của
Công ty, anh Hoàng cung cấp một lượng đáng kể heo con giống thương phẩm cho bà
con chung quanh. Heo con anh bán ra, dù giá không hề thấp, nhưng vóc dáng đẹp,
tăng trọng nhanh được người chăn nuôi Long Hiệp ưa chuộng. Tiếp đó, anh hợp đồng
với Công ty mua về ba con heo đực giống với giá hơn mười triệu đồng mỗi con. Đây
là những con giống mang hai dòng máu được Công ty chọn lọc kỹ lưỡng về vóc dáng,
về chất lượng tinh trùng và có lập phả hệ hẳn hòi để theo dõi. Từ số đực giống
này, đàn heo thịt của Long Hiệp và các xã lân cận được cải tạo dần theo hướng
lớn con, nạc nhiều, nhanh tăng trọng và có sức đề kháng cao. Từ đó, nghề chăn
nuôi heo ở Long Hiệp cho lãi cao hơn cũng như ít rủi ro hơn từ bệnh hoạn như đàn
heo địa phương.
Và cũng từ đó, anh Châu Văn Hoàng được bà con đặt cho cái tên
“Hoàng heo giống”. Công ty Con Cò cũng tìm đến anh như một đối tác tin cậy nhằm
tăng sức cạnh tranh với các công ty khác tại địa phương. Số heo đực giống của
trang trại Châu Văn Hoàng được nâng dần lên đến 12 con và anh cũng có được “đầu
ra” khá ổn định khi ký hợp đồng cung cấp cho Công ty 8.000 đơn vị tinh mỗi năm,
với giá khá ưu đãi là 35.000 đồng cho mỗi đơn vị. Với số lượng này, Công ty phân
phối cho các đại lý trên địa bàn 4 huyện Trà Cú, Tiểu Cần, Cầu Ngang, Duyên Hải
của tỉnh Trà Vinh, đáp ứng nhu cầu mở rộng đàn heo giống thương phẩm của người
dân trong vùng. Ngoài số lượng cung cấp cho Công ty theo hợp đồng, hàng ngày
nhiều kỹ thuật viên gieo tinh trên địa bàn huyện Trà Cú vẫn đến nhận trực tiếp
tại nhà anh, phục vụ nhu cầu ở địa phương. Chỉ với 12 con heo đực giống, mỗi năm
trang trại Châu Văn Hoàng đã có nguồn thu sau khi trừ chi phí không dưới 300
triệu đồng. Song song đó, anh duy trì tổng đàn heo nái hai dòng máu số lượng 30
con. Cứ trung bình mỗi năm một heo nái đẻ 2,5 lứa, mỗi năm anh có thêm 80 lứa
heo con cung cấp cho thị trường, thu về trên dưới 200 triệu đồng.
Gần đây, Công ty Con Cò gợi ý mở rộng hợp đồng bao tiêu lên
20.000 đơn vị tinh mỗi năm, để trang trại anh Hoàng trở thành trang trại duy
nhất cung cấp tinh heo giống cho Công ty trên địa bàn Trà Vinh. Để đáp ứng yêu
cầu này, anh phải có 30 con heo đực giống trong độ tuổi khai thác. Muốn vậy, qui
mô, diện tích chuồng trại phải tăng lên gấp đôi. Anh đang tìm mặt bằng thích hợp
để mở rộng trang trại đảm bảo qui mô 30 heo đực giống và 80 heo nái giống. Trong
số đó, anh sẽ nuôi những cặp heo giống “ông bà”, nghĩa là những cá thể heo chỉ
mang duy nhất một dòng máu mà thế hệ sau của nó có thể đưa vào làm nguồn giống
sinh sản (khác với heo “bố mẹ” mang hai dòng máu, chỉ có thể cung cấp heo giống
thương phẩm).
Bằng chính công việc của mình trong hơn 7 năm qua, anh Châu Văn
Hoàng đã chứng minh rằng nuôi heo một cách nghiêm túc cũng là một nghề chân
chính và anh đã làm giàu, thậm chí giàu lớn chính bằng cái nghề mà mọi người
chưa đánh giá đúng ấy. Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình mình, anh còn
góp phần quan trọng vào việc cải tạo cơ cấu giống cho đàn heo thương phẩm của bà
con chăn nuôi trên địa bàn Trà Vinh. Qua đó, tăng thêm nguồn thu nhập cho bà con
cũng như mở ra một hướng đi mới năng suất - chất lượng - hiệu quả hơn cho ngành
chăn nuôi gia súc địa phương.
Nguồn:CTOL-bannhanong.vietnetnam.net (23/2/2006)
|