Ông “trùm bình” trở thành kỹ sư lai tạo lúa giống.
Tiếng lành đồn xa, “kỹ sư lúa giống” Dương Văn Châu
giỏi nghề chọn lúa giống đến tai các nhà khoa học ở Viện lúa Ô Môn và Trường Đại
học Cần Thơ. Cuối năm 2000, khoa “Nghiên cứu hệ thống canh tác” của Trường đại
học Cần Thơ mời Dương Văn Châu xuống làm “sinh viên U70” theo học khóa đào tạo
ngắn hạn cả phần lý thuyết và thực hành “kỹ năng chọn tạo giống
lúa”.
Xắn quần qua mấy bờ mẫu, chúng tôi vô cánh đồng ấp
Cây Dương của xã Thạnh Mỹ huyện Châu Thành (Trà Vinh). Dương Văn Châu cầm bụi
lúa do ông lai tạo soi trong nắng chiều vàng nhạt, cười ha hả: “Gạo của thứ lúa
này đem xuất khẩu nếu bị chê thì qua xin tự nguyện bỏ nghề làm lúa giống, trở
lại mưu sinh bằng nghề xạc bình cái rụp à!”.
1. Từ xã Mỹ Hòa huyện Càng Long, sau giải phóng không lâu,
Dương Văn Châu dạt sang huyện Châu Thành, chọn ấp Cây Dương xã Thạnh Mỹ làm bến
đậu. Đến Thạnh Mỹ, ông mở tiệm xạc bình ắc quy làm kế mưu sinh. Thấy ông xạc
bình giỏi, khách nườm nượp đặt hàng, cô bác trong ấp gắn cho biệt danh: “Ông
trùm bình”. Nhờ nghề xạc bình, vợ chồng ông Châu có chút vốn lận lưng nên mua
được 5.000m2 đất ruộng.
Năm 1985, ấp Cây Dương “đồng khởi” phong trào tập đoàn sản xuất
(TĐSX), “ông trùm bình” cũng không đứng ngoài cuộc. Sợ không vào TĐSX thì bị mất
đất, Dương Văn Châu đánh liều thử thời vận vừa bám nghề xạc bình ắc quy vừa tập
làm tri điền. Có điều càng làm càng thất. Khi TĐSX rã, ruộng của ông chưa bao
giờ trúng mùa. Dương Văn Châu hài hước: “Tất cả cũng chỉ vì qua dốt canh điền”.
Hèn chi ông bà mình đã đúc kết: nhất nước – nhì phân – tam cần – tứ giống. Ba
tiêu chuẩn đầu không khó. Riêng tiêu chuẩn giống thì coi như mù tịt, lại chẳng
ai chỉ dạy!”.
2. Năm 1992, Dương Văn Châu lên Trung tâm khuyến nông tỉnh tìm
gặp kỹ sư Nguyễn Văn Đực nhờ chỉ dạy về giống. Thấy “ông trùm bình” đam mê khoa
học kỹ thuật, kỹ sư Nguyễn Văn Đực theo ông về cánh đồng Cây Dương khảo sát thổ
nhưỡng, nguồn nước, truyền thống sử dụng giống của nông dân sau đó mở lớp hướng
dẫn theo lối cầm tay chỉ việc cho Dương Văn Châu đồng thời giao 100kg lúa giống
MTL 110 (miền tây lúa) bảo ông làm thử.
Vụ đông – xuân năm ấy tuy dịch sâu rầy phá hoại trên diện rộng
ở Trà Vinh nhưng 5.000m2 đất của ông vẫn trúng mùa, năng suất 4 tấn/ha. Năm
1997, Công ty giống – cây trồng Trà Vinh thành lập, thông qua sự giới thiệu của
kỹ sư Đực, Dương Văn Châu làm quen với kỹ sư Lê Quốc Việt, Phó giám đốc công ty.
Mới gặp lần đầu, kỹ sư Việt đã “kết” ngay với ông. Dương Văn Châu lại mời “thầy”
về ruộng mở lớp dạy nghề và hướng dẫn ông canh tác lúa theo phương pháp IPM.
Dương Văn Châu tâm sự: “Sau 3 năm làm trò thầy Việt, tôi trở
nên thạo nghề canh điền, mà canh điền thời khoa học kỹ thuật nghe! Nên vụ nào
cũng trúng mùa, lúa lại ít sâu bệnh, thấp dư lượng kháng sinh. Sản phẩm làm ra
không đủ cung cấp cho cô bác. Từ biệt danh “trùm bình”, giờ bà con Thạnh Mỹ lại
đặt cho tôi cái tên mới: “kỹ sư lúa giống”.
Tiếng lành đồn xa, “kỹ sư lúa giống” Dương Văn Châu giỏi nghề
chọn lúa giống đến tai các nhà khoa học ở Viện lúa Ô Môn và Trường Đại học Cần
Thơ. Cuối năm 2000, khoa “Nghiên cứu hệ thống canh tác” của Trường đại học Cần
Thơ mời Dương Văn Châu xuống làm “sinh viên” theo học khóa đào tạo ngắn hạn cả
phần lý thuyết và thực hành “kỹ năng chọn tạo giống lúa”.
Được học bài bản cộng với ý tưởng nung nấu nhiều năm nay, những
điều học được từ các thầy ở trường đại học được ông áp dụng nghiêm ngặt trên
ruộng của mình. Mỗi khi vướng mắc về kiến thức hoặc phát sinh cái mới, ông không
ngần ngại mời “thầy” xuống tận ruộng tháo gỡ. Kết quả, sau 4 năm cần mẫn, đến
cuối năm 2004, Dương Văn Châu đã chọn thành công 2 dòng giống mới, ông đặt tên
TM1 và TM2 (tức Thạnh Mỹ 1, 2). Các giống này được Trung tâm khuyến nông Trà
Vinh công nhận và mua toàn bộ sản phẩm với số lượng gần 10.000kg.
Sau TM1-TM2, Dương Văn Châu tiến lên lai tạo TM3 bằng cách lấy
gien nguồn gốc mẹ lúa OM 3536 lai với giống cha MTL250 (miền tây lúa). Sản phẩm
được đưa đi “đấu xảo” với các “đại gia nông dân” sản xuất lúa giống 13 tỉnh
ĐBSCL do Trường đại học Cần Thơ tổ chức ở chùa Lao Ven (Sóc Trăng). Tại cuộc
“đấu xảo”, giống MT3 và MT2 của Dương Văn Châu đoạt cả 2 vương miện nhất - nhì.
3. Năm 2003, tại hội nghị do tổ chức Lương Nông Quốc tế (FAO)
tổ chức tại Malaysia, Trường đại học Cần Thơ giới thiệu Dương Văn Châu đại diện
cho nông dân làm ruộng thời đổi mới của Việt Nam tham gia với tư cách đại biểu
chính thức. Trước đại diện của 145 nước và vùng lãnh thổ, ông hùng hồn đọc tham
luận với cái tít nôm na: “Chọn, tạo giống lúa”. Dương Văn Châu nói: “Qua không
giấu nổi sự xúc động khi thấy cả hội trường vỗ tay rần rần”.
Ba tháng sau, đến lượt Công ty thuốc sát trùng Sài Gòn mời
Dương Văn Châu tham quan nghề nông của người Thái. “Ông cảm nhận gì về nghề canh
điền của xứ ta và xứ người?” – Tôi hỏi. Dương Văn Châu cười rổn rảng nói: “Tôi
thấy, nông dân mình làm ruộng không thua nông dân Thái Lan. Cái mà nông dân Thái
hơn nông dân Việt Nam là họ được thừa hưởng hạ tầng cơ sở nông thôn hoàn chỉnh,
mặt bằng đồng ruộng phẳng lì. Đã vậy, nhà nước Thái khuyến cáo nông dân chỉ tập
trung sản xuất không quá 3 loại giống, chất lượng gạo vì thế khá đồng đều”.
Ra thăm khu lai tạo giống rộng 3 mẫu, trong đó 2
công thí nghiệm, 1 công chọn dòng và 2,7 mẫu làm giống thương
phẩm, “kỹ sư lai tạo lúa giống” giới thiệu: “TM3 là giống cứng cây, sinh trưởng
từ 80-86 ngày, gạo có hương vị ngọt, phảng phất thơm”. Xong, ông lội xuống đám
lúa đang làm đòng nhổ một bụi to bè soi trong nắng chiều vàng nhạt, cười ha hả:
“Gạo của thứ lúa này đem xuất khẩu nếu bị chê thì qua xin tự nguyện bỏ nghề làm
lúa giống, trở lại làm ông “trùm bình” cái rụp à!”.
Nguồn:Sggp-bannhanong.vietnetnam.net (21/2/2006)
|