Ông Lão và những chuyện thú vị về… nhím!
Mỗi tháng thu nhập hàng chục triệu đồng, đang sở hữu trại nhím mấy trăm triệu, gia tài này không phải nông dân nào cũng dễ có. Nhưng khi bảo ông là triệu phú ông không chịu, bảo sắp làm tỉ phú đến nơi ông cũng lắc đầu nguầy nguậy. Ông chỉ muốn mọi người gọi mình là ông già nuôi nhím…
Nhím uống… sữa bò

Ông là người nhập cư - ở ấp Bến Đình, xã Nhuận Đức của huyện Củ Chi (TP.HCM) không ai không biết điều đó. Có người còn nói: "Chả thế mà giỏi thật. Mình bám đất, trụ đồng từ khi mới lọt lòng, chỉ loay hoay với cây lúa, mấy cây màu, có khá hơn là con gà, con vịt, gần đây là con bò sữa mà cũng không thấy giàu. Thế mà mới về chưa ấm chỗ, chả đã có trại nhím bề thế, thành người nổi tiếng...". Ông tên là Phạm Ngọc Tuân, đã ngoài 70, cái tuổi mà với nhiều nông dân khác họ đã nghĩ đến việc an dưỡng, riêng ông vẫn còn "sung" lắm. "Máu" làm kinh tế lúc nào cũng hừng hực, sẵn sàng "cuốc" xe đò cả ngàn cây số ra tận Hà Tĩnh, Quảng Bình để "tậu" một lũ nòng nọc -ếch con về nuôi thêm.
Vốn đã từng một thời ăn gốc cây, rau rừng, uống nước suối, ngủ võng dây trong suốt những năm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ và cũng đã nhiều lần bắt được nhím về nuôi cả tháng trời; vì vậy, trại nhím của ông xuất hiện đầu tiên ở đất Củ Chi, thậm chí là cả khu vực miền Đông Nam bộ cũng là lẽ đương nhiên. Ngày hai vợ chồng ông về hưu cũng là ngày ông đã có ý định "tậu" trăn, đà điểu, cheo, bồ câu về làm kinh tế... Ông nói ông đã nuôi tới 16 loài cả thảy, và toàn là những loài đã gắn bó với ông trong những năm tháng ở rừng sâu, vách đá. Nuôi được mấy năm đầu còn có lãi, mấy năm sau rớt giá thê thảm. Ông đành bỏ dở và chuyển sang nuôi nhím.
Ông nhớ rõ năm đó là khoảng đầu năm 1986. Vợ chồng ông đã phải bỏ ra 200 đồng (lương hưu của hai vợ chồng lúc đó chỉ được 86 đồng) để mua một con nhím cái mới được mấy ngày tuổi về nuôi. Ngày đó nhím còn bị cấm nuôi vì là động vật hoang dã. Báo hại vợ chồng ông phải nhiều phen hú vía vì trốn kiểm lâm truy xét. Ông bảo có lần phải đem lên cả sân thượng để nhốt. Nhưng cực nhất vẫn là kỹ thuật nuôi. Vì nhím mới đẻ nên ăn chưa được nhiều mà chủ yếu sống nhờ sữa mẹ. Không biết cho ăn như thế nào, ngày còn trong rừng ông nhớ có lần đã dùng cả sữa bò cho nhím bú. Thế là bây giờ ông đem áp dụng. "Nó uống dữ lắm, hễ khi nào ngót bụng là rên rỉ nhức cả đầu, những lúc như vậy nếu không chuẩn bị kịp thức ăn bột, tôi lại mang sữa bò cho uống". Nuôi được gần 1 năm thì thấy nó có biểu hiện động thai. Ông lại một lần nữa lặn lội tìm khắp nơi mới mua được một con đực về cho có cặp. "Rồi nó cũng đẻ được hai con. Nuôi chưa được hai tháng có người bạn đến trả 600 đồng... Thấy có lời lớn, tôi quyết định đầu tư mở rộng chuồng trại...".
Nuôi nhím như nuôi… heo!
Ông bán cả đất đai, gia tài trên TP để về mở trại nhím này từ năm 1998. Đàn nhím trên 80 con ngày hôm nay là công sức của vợ chồng ông gây dựng từ ngày đó đến giờ. Hỏi nuôi có khó không? ông cười. Bảo cũng giống như nuôi... heo vậy. Rồi ông giải thích: nhím vốn sống trong rừng sâu, ở trong hang, thường ngủ ngày, ăn đêm nên ít bệnh tật. Khi nuôi chỉ cần đề phòng các bệnh thông thường như bệnh ký sinh trùng ngoài da và bệnh đường ruột là được. Thức ăn chủ yếu là các loại rau, củ, quả, mầm cây. Khẩu phần ăn mỗi ngày khoảng 1kg, chia 400g ăn ngày và 600g vào ban đêm. Chuồng trại phải cao ráo, thoáng mát, sạch sẽ. Kích cỡ chuồng khoảng 4m2 cho 2 cặp (mái tôn, nền bê tông, lưới B 40), kinh phí khoảng 300.000- 400.000 đồng.
Ông Tuân kể có lần khách hàng vào mua nhím giống hỏi ông về kỹ thuật nuôi. Ông đưa sách hướng dẫn kỹ thuật nhưng phải nhắc đi nhắc lại là chỉ dùng để tham khảo, còn thực tế thì khác xa lắm. Rồi ông cười bảo với họ rằng nuôi loài này cũng giống như nuôi heo vậy. Nhiều ông khách không tin. Ông phải lấy ví dụ: Trong sách hướng dẫn là chuồng trại phải luôn khô ráo, nếu không nhím sẽ bị rụng hết lông và sinh ra ghẻ lở. Riêng ông thì áp dụng khác. Mỗi buổi sáng ra, việc đầu tiên là ông đi thăm một vòng xung quanh chuồng xem có chú nhím con nào mới sinh không, sau đó là dùng chổi quét hết thức ăn thừa và dùng vòi xịt sạch láng bóng từng chuồng một. "Rửa chuồng xong, con nào bẩn tôi cũng xịt sạch bóng luôn. Nuôi mười mấy năm nay mà có thấy con nào bị rụng lông hay bị ghẻ lở gì đâu".
Một lần khác, ông đọc trong sách thấy viết nhím là loài rất yêu thương đồng loại. Có thể nhốt chung nhím con vừa đẻ lẫn lộn với nhau được. Trong khi đó có rất nhiều con nhím sinh 3 của ông đã bị chết. Ông giải thích loài này chỉ nuôi được 2 con, nếu con nào đẻ 3 con thì thường sẽ có 1 con yếu hơn bị chết hoặc còi cọc do không đủ sức dành sữa mẹ. Một lần ông thấy có 1 con sinh 3 và 1 con sinh 1. Ông làm theo sách. Bắt 1 con ở chuồng sinh 3 sang cho con sinh 1 nuôi. Vừa thả chưa được mấy giây con mẹ đã cắn chết tức khắc, báo hại ông mất liền một lúc mấy triệu bạc.
Một dịp có ông kỹ sư tên Tịnh về thăm, ông này vẫn nhất quyết cho rằng nhốt chung chuồng được, ông liền cá là nếu không bị cắn chết ông sẽ mất chầu nhậu, còn không ông kỹ sư này phải đền tiền cho ông. Nhưng cá mãi mà ông kỹ sư này đâu dám. Sau này hỏi ra ông Tuân mới té ngửa, cuốn sách hướng dẫn đó chính là của ông kỹ sư Tịnh viết. Rồi mãi sau này ông mới có sáng kiến lấy nhau của con nhím vừa đẻ đem quấn hết lên thân hai con nhím lạ, con nhím mẹ sẽ không phát hiện và cứ thế nuôi cho đến lớn. Ông còn kể rằng, có lần một con nhím mẹ đau bụng đẻ cả ngày trời mà không thấy đẻ. Ông lo lỡ không may có chuyện gì thì mất 4, 5 triệu bạc chứ chả chơi. Đang quẫn trí thì ông lại nghĩ ra sáng kiến lấy thuốc kích dục của heo về chích cho nó đẻ nhanh. Ông bắt vợ ra chợ mua một ống về tự tay bơm thuốc và chích. Chưa được 30 phút, 2 chú nhím con đã chui tọt ra, trông con nào cũng khỏe re. Ông mừng hết nói. Thế là ông lại có thêm một kinh nghiệm nữa để khẳng định "quan điểm" trước sau như một rằng nuôi nhím giống nuôi... heo!
Và làm giàu…
Chỉ mấy tháng từ đầu năm 2004 đến nay, cái món "khoái khẩu" -thịt nhím rừng bỗng lên cơn sốt. Dân nhậu thôi thì cứ đổ xô đi lùng sục khắp nơi. Tiếng lành đồn xa, trại nhím nuôi của ông Tuân vì thế mà lọt vào "tầm ngắm" của rất nhiều người. Từ dân lái buôn, cánh ông chủ nhà hàng, khách sạn, những người nhiều tiền, kể cả những nông dân miệt vườn nườm nượp kéo về mua nhím. Nghe đâu có cả mấy ông chủ tịch tỉnh tận miền Tây cũng lên năn nỉ ông Tuân để lại cho 1 cặp/nhím giống chỉ để nuôi... cho biết. Trong khi đó, chúng tôi đã đếm đi đếm lại hết trại nhím của ông Tuân cũng chỉ có vỏn vẹn 80 nhím mẹ. Ông Tuân cho biết, vòng sinh sản của con nhím cũng không khác gì con heo. Từ lúc nhím con mới đẻ cho đến lúc nhím động thai trong vòng khoảng 1 năm, thời gian mang thai khoảng 90 ngày, sau đó cứ tách chuồng khoảng 1 tháng là nhím lại tiếp tục động thai. Cứ thế 1 năm đẻ được 2 lứa, trung bình mỗi lứa 2 con. Tính ra mỗi tháng hiện nay, trại nhím của ông chỉ cung cấp được 5 cặp giống nhím con, trong khi nhu cầu mua mỗi ngày lên tới cả trăm cặp. Giá một cặp nhím giống cũng không hề rẻ. Hiện ông Tuân đang bán nhím 2 tháng tuổi (khoảng 2kg/con) giá 2,5 triệu đồng/cặp gồm đực, cái. Nhím động thai khoảng 6 triệu/cặp, tính ra trung bình giá khoảng 300.000 đồng/kg nhím hơi. Như vậy, chỉ cần bỏ ra số tiền chi phí thức ăn rất ít, trung bình mỗi tháng gia đình ông Tuân đã có lãi trên 10 triệu đồng từ trại nhím 80 con. Đây thật sự là mô hình kinh tế mới, đang thu hút được rất nhiều ông dân, thậm chí cả những người nhiều tiền muốn đầu tư nuôi theo mô hình trang trại.1
Nguồn tin:Báo nông thôn |