Ông chủ trại lợn lớn nhất tỉnh Thanh
Người dân ở khắp làng trên, xóm dưới xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hoá (Thanh Hoá) bỗng trở nên xôn xao, khi chứng kiến một trang trại lợn trị giá hàng tỉ đồng mọc lên ở quê nhà. Càng ngạc nhiên hơn khi chủ nhân trang trại này đang sinh sống ở Thủ đô dám về nông thôn lập nghiệp. Với dáng vẻ điềm tĩnh, giọng nói nhẹ nhàng, ông chủ Nguyễn Hữu Thơm vui vẻ tiếp chúng tôi tại gia trang của mình.
Tháng 5/2003, anh Thơm khởi công xây dựng khu trang trại này với tổng diện tích hơn 1,8 ha. Đến nay khu chăn nuôi và các công trình khác đã cơ bản hoàn thành, số vốn anh Thơm đầu tư cho dự án hơn 7 tỷ đồng. Anh muốn xây dựng trang trại thành một điểm chăn nuôi công nghiệp. Ngoài khu chuồng nuôi rộng 3.000 m2, anh còn xây dựng nhà máy nghiền thức ăn, bể lọc nước dung tích lớn, nhà ở của công nhân...
Quy trình chăn nuôi ở đây được áp dụng theo phương thức của Hoa Kỳ. Các máng ăn trong chuồng được xây lắp tự động cho lợn ăn tự do. Để phòng chống dịch bệnh, anh xây dựng trạm kiểm tra thú y ngay cổng ra vào chuồng, trạm có nhiệm vụ ngăn ngừa các yếu tố có thể gây bệnh cho lợn. Vì vậy trước khi vào khu chuồng nuôi, mọi người đều phải vệ sinh phòng dịch, mặc đồ bảo hộ... Ngay gần khu chuồng nuôi mà chúng tôi không cảm thấy mùi hôi, thối từ chất thải. Anh Thơm giải thích, trong quá trình nghiền thức ăn đã cho tăng lượng a-xít hữu cơ, nên làm giảm độ pH trong phân cũng như làm giảm đáng kể mùi của nó.
Việc cho lợn ăn được áp dụng như sau: Lợn nái cho ăn từ 4 - 6 lần/ngày, lợn thịt, lợn cai sữa ăn tự do ở các máng tự động. Đối với lợn con sau 5 ngày tuổi, bắt đầu cho ăn bột, 21 ngày thì tách chúng khỏi lợn mẹ. Toàn bộ thức ăn do anh tự sản xuất dưới dạng bột nghiền. Nguồn nước cho lợn uống và tắm rửa được đưa qua hệ thống bể lắng lọc, rất đảm bảo vệ sinh. Giống lợn cũng dược nhập ngoại 100% từ Anh. Với sự đầu tư hoàn chỉnh, đàn lợn luôn tăng trưởng cao và ổn định, trọng lượng trung bình đạt 85 kg/con sau 140 ngày nuôi. Kể từ khi sản xuất đàn lợn chưa bao giờ bị dịch bệnh, lượng thuốc thú y sử dụng chỉ bằng 1/3 mức trung bình của người chăn nuôi trong vùng.
Anh Thơm nói đầy tự tin về hiệu quả của mô hình nuôi lợn công nghiệp này: "Ngay trong lứa lợn thử nghiệm vào tháng 10/2003, tôi đã xuất gần 30 tấn lợn thịt". Khi đi vào sản xuất ổn định trang trại sẽ nuôi khoảng 2.300 đầu lợn, cung cấp 500 - 600 tấn lợn hơi/năm. Không chỉ nuôi lợn thịt, anh Thơm còn có 350 con nái ngoại (trong đó 58 lợn nái ông bà). Với sự tính toán kĩ càng này anh dự kiến sẽ thu hồi vốn sau 6 năm hoạt động. Tuy nhiên, anh cũng thừa nhận, mô hình của mình chỉ thích hợp để phát triển sản xuất lớn, còn nuôi với quy mô hộ gia đình sẽ khó theo đuổi được vì đầu tư lớn, áp dụng TBKT tiên tiến vào chăn nuôi. Bản thân anh trước khi xây trang trại, cũng đã dành hơn 2 tháng đi tham quan các cơ sở chăn nuôi lợn ở Nga, Đức và đọc các tài liệu nước ngoài có liên quan. Hiện trang trại của anh Thơm đã trở thành một cơ sở chăn nuôi lợn lớn nhất tỉnh Thanh Hoá, công nghệ và quy trình chăn nuôi cũng vào loại hiện đại ở miền Bắc.
Nguồn tin:Báo nông nghiệp |