Người đem trầm cho cây dó
Vậy là cuối cùng “Hai Lúa” kiêm thợ săn trầm Nguyễn Hoàng Huy
đã đạt gần như trọn vẹn những gì anh ấp ủ: nhân trồng được cây dó để vừa cứu
chúng khỏi nạn tuyệt chủng vừa tạo ra trầm, nguồn lợi nhuận siêu đẳng. Lại còn
giúp bao nhiêu người thoát cảnh đói nghèo bằng trồng dó. Một thuở gian
nan
Tôi gặp anh ở vùng dó Phước Thạnh (Tam Thạnh, Núi Thành, Quảng
Nam) khi anh cùng với nhóm “kỹ thuật viên” do anh đào tạo đang chuẩn bị làm giàn
để đứng xử lý tạo trầm. Những cây dó mới trồng trong vườn của anh Phạm Hồng Khôi
sắp được khoan lỗ vào thân để đưa chất xúc tác tạo trầm vốn là một hợp chất nhựa
thực vật do chính anh Huy tìm ra. “Tui mới cùng anh em vô xử lý một số dó trồng
ở Phang-đờ-rang (Krông Pút, Đắc Lắc) về đã phải lên đây ngay. Trời mưa dầm, phải
tranh thủ làm để còn kịp quay vô Sài Gòn, “công ty mẹ” đang giục vô gấp để xử lý
cho một số vườn dó trồng ở vùng Đông Nam bộ...” - anh Huy nói.
Sản phẩm trầm nhân tạo từ cây dó đã nhận được cúp vàng và huy
chương vàng do Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn tặng tại Hội chợ triển lãm
nông lâm thủy sản quốc tế - VN tại TP.HCM hồi đầu tháng 11-2005.
Trước đó, giữa tháng 5-2005, dự án trồng và tạo trầm thành
công trên cây dó bầu hương đã nhận được giải nhất tại cuộc thi “Ngày sáng tạo
VN” do Ngân hàng Thế giới tại VN và Bộ Tài nguyên - môi trường tổ chức tại Hà
Nội.
Trong khi anh em lục tục leo lên giàn, lăm lăm những chiếc
khoan, chủ vườn Khôi vui ra mặt nói mãi với tôi về vườn dó gần 200 cây mà anh là
một trong số ít những người đầu tiên ở Tam Thạnh theo chân anh Huy vào rừng nhổ
về trồng cách đây chỉ tám năm. Hồi giữa năm ngoái, anh đã nhờ anh Huy xử lý 10
cây, theo giá bán tại địa phương hiện nay mỗi cây ít nhất cũng được 10
triệu.
“Sung sướng với tui là thấy những ai làm theo mình chừ đều khá
lên. Nhớ chuyện mình khuyên người ta trồng dó mà cứ bị coi như là xúi người ta
làm bậy mà buồn cười...” - anh Huy nhắc lại. Đó là những năm tháng anh đã tạo
được trầm cho những cây dó tự mọc ở những vườn nhà vùng trung du Tiên Phước quê
anh, rồi bắt đầu phát động bà con ở vùng Tiên Phước, Núi Thành trồng dó, từ đó
nhân ra nhiều nơi trong tỉnh và cả nước.
Nhưng để có được thành công như thế, trước đó anh đã trải qua
không biết bao khổ nhọc. Tại sao trăm cây dó trên rừng chỉ dăm mười cây có trầm?
Anh trăn trở đặt câu hỏi. Và anh càng day dứt hơn khi thấy cây dó đang trước
nguy cơ bị tuyệt diệt. Gom những đồng vốn mọn còn lại, năm 1991 anh kêu năm
người cùng anh vào một vùng rừng ở Tiên Phước đóng trại làm nấm mèo để sống
nhưng đồng thời tìm hiểu về dó trầm.
Một lần, anh bắt gặp một cây dó cụt ngọn gần trại nấm. Chính
phần ngọn cụt của cây dó đó đã hé lộ cho anh chìa khóa tạo trầm cho cây dó. Anh
thấy qua những lỗ khoan của côn trùng đã làm ngọn dó ấy tạo nên một lượng trầm.
Mừng như đã tìm thấy một phần mạch vàng, anh quay về tìm mua những cây dó đứng
nơi vườn rừng của người dân trong vùng để thử nghiệm. Anh mày mò, nghiền ngẫm
đầy khổ nhọc của một thợ săn trầm mới qua lớp 9..., và anh đã tìm ra một hợp
chất làm xúc tác đặt vào những lỗ khoan trên cây dó...
Tạo trầm để trồng dó
Mãi đến năm 2001, nhiều người vẫn còn nhỏ to về nỗi khó khổ của
anh Huy, một số tỏ ra không mấy tin vào thành tựu của anh. Nhưng anh thì lại đầy
phấn chấn khi công thức tạo trầm của anh đã đạt kết quả khá cao: cây dó sau xử
lý một năm rưỡi có thể cho ra trầm loại 5 đẹp và một ít trầm loại 4, một cây dó
lớn có thể cho ra đến gần 100kg trầm.
Cả đến phần ngọn, cả đến những cây dó nhỏ cũng có thể xử lý tạo
trầm được. Và đến nay thành công vượt cả mong đợi của anh là công thức xử lý của
anh đã có thể cho ra tốc - loại trầm có dầu ăn theo khắp các thớ gỗ của cả một
đoạn thân dó dài, được xem là cơ cấu để hình thành kỳ nam - loại trầm hương
thượng đẳng. Nhưng đáng nói nhất, từ chủ đích “tạo trầm để trồng dó”, ngay sau
những thành công bước đầu của mình anh Huy đã vận động bà con ở Tiên Phước quê
mình theo anh hết lên rừng nhổ dó con về trồng ở vườn nhà lại tìm mua những hạt
dó từ những cây dó lớn còn lại ở những vườn rừng về trồng gieo và bán cho người
trồng ở các nơi.
Anh lại phát hiện thêm nôi dó giống ở Tam Thạnh, lặp lại ở vùng
quê này việc nhân trồng và ươm bán dó con cũng như bán những cây dó mẹ, giúp
nhiều người thoát nghèo và giàu có nhanh lên. Từ thành tựu có tính khởi dẫn của
anh, từ nôi dó giống Quảng Nam, đến nay có ngót triệu cây dó đã được nhân trồng
ở Quảng Nam cũng như nhiều nơi trong nước, trong đó có vô số dó đã có thể xử lý
tạo trầm được...
Thành công mở ra những cơ hội mới. Tháng 3-2004, anh tham gia
thành lập Công ty TNHH sản xuất - thương mại - dịch vụ DBH và đảm nhiệm chức vụ
phó giám đốc kỹ thuật. Nhưng mong ước của anh là phải có công ty đứng chân tại
đất Quảng quê nhà để có thể phát huy được năng lực của nôi dó giống và dó trồng
đặc hữu của cả nước này, đồng thời có điều kiện giúp những người đã cùng mình mở
ra việc trồng dó buổi đầu. Vì vậy, đến đầu tháng 6-2005, anh thành lập công ty
con - chi nhánh Dó bầu hương (CN DBH) - tại Quảng Nam.
Thành công ngày hôm nay của anh được gieo mầm từ sự khát khao
tìm hiểu và được tắm tưới bằng sự đam mê và dấn thân.
Nguồn tin: (TTO) |