Người "dám" đưa nước sạch về làng
Thấy bà con thiếu nước, mùa màng đến cây trồng cũng chết khô nên anh Đinh Xuân Hưng đã nghĩ cách, rồi mạnh dạn bỏ ra hàng trăm triệu đồng đầu tư đưa nước về đồng ruộng ở xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình "giải khát" cho nhiều hộ dân có nguy cơ trắng tay vì thiếu nước. Để có nước sạch, bán cả bò!
Năm lên 9 tuổi, anh Hưng (xóm Rôốc, xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) bị mất cánh tay nên đã gặp phải nhiều khó khăn trong nghiệp mưu sinh. Sau khi lập gia đình, cuộc sống cũng chật vật, đồng lúa canh tác bạc màu vì thiếu nước. Không đủ cơm áo cho cả nhà với tám miệng ăn, anh Hưng ngậm ngùi rời làng Minh Xuân dắt theo vợ con đến đất Rôốc vỡ đất lập nghiệp. Thương người mới, HTX Ba Nương đã cấp cho gia đình anh vùng đất đồi khô cứng trồng cây kiếm ăn hằng ngày.
Vui vì có đất canh tác, nhưng rồi "ảo mộng" thoát nghèo ở vùng cao tan biến nhanh chóng khi cây trồng héo úa chết dần, không có nước tưới tiêu, lúa mọc lên cứ còm cõi nên thu hoạch thường mất nhiều hơn được. Cứu đói, anh buộc trồng thêm khoai sắn để có thực phẩm độn thêm cơm cho bụng những đứa con nhỏ no hơn.
Biết rằng cái ăn, cái mặc thiếu thốn sẽ mãi đeo bám gia đình nếu cứ bó tay trông trời mưa xuống. Cả cơ ngơi giá trị chỉ có hai con bò nái, anh bàn với vợ gọi thương lái bán để lấy tiền "làm thủy lợi" chống khô cằn. Thành công ngày hôm nay nhưng nghĩ lại ý nghĩ ấy anh vẫn còn dè dặt lắm: "Khi nghe nói bán bò làm thủy lợi, vợ cứ nhất định không chịu nghe. Nhiều tiền của nhân dân đổ vào làm mương tưới tiêu từ trước đến nay nhưng thất bại cả". Không thuyết phục được vợ, từ sáng mở mắt đến tối mịt anh lụi cụi bên dòng suối mát, nhìn đi ngắm lại và đo vẽ triền miên không thôi.

"Nhận thức được" sự thành công của "dự án", anh hạ quyết tâm cùng với một số bà con suốt 180 ngày bán mình cho trời đất, con kênh dẫn nước của anh cũng hình thành. Để dẫn nguồn nước vào hệ thống kênh mới, một "đập" chặn làm bằng đá cao hơn 3m mọc ngay giữa con suối đưa nước tưới tiêu băng sườn đồi chảy vào ruộng lúa.
Không chỉ lấy nước cho ruộng đồng, hệ thống kênh dẫn nước đã "giải" khát cho dân làng. Nếu trước đây bà con vất vả gánh nước từ suối, bây giờ đã yên tâm dẫn nước về nhà qua mương đào của Hưng.
Đổ mồ hôi hàng tháng trời, công trình nước tưới của anh đã tạo niềm vui nơi vùng đất anh đến lập nghiệp. Bà con trong vùng từ hoài nghi giờ đây đã ra sức ủng hộ anh nhiệt tình. Nhiều người đã thuyết phục anh nên mở rộng hệ thống nước tưới, nếu khó khăn thì lao động trong làng sẵn sàng hỗ trợ.
Làm giàu nhờ... nước
Hồi hộp nhất là hôm khơi thông dòng nước. Anh đã giao trọng trách cho đứa con trai đầu bổ nhát cuốc đầu tiên. Anh lo hệ thống kênh đất không đủ chắc để chịu áp lực dòng nước, nhưng sau nhát cuốc đầu tiên, nước cứ ồ ạt chảy vào trước sự reo mừng của bà con thì anh mới thở phào nhẹ nhõm. Nước theo kênh mới chảy vào đồng ruộng, tưới mát nhiều ha đất khô cằn trước sự chứng kiến của hàng trăm người dân hiếu kỳ đến chứng kiến.
Có nước tưới, tình trạng một năm canh tác một vụ không còn. Có ruộng nước, bà con đã kịp thời tận dụng tài nguyên nước thâm canh tăng vụ. Đồi đất dốc Rôốc năm kia mới chỉ trồng được một vụ lúa phập phù trong nắng cháy thì giờ đây được đẩy lên thành hai vụ. Do vay mượn để "làm dự án", anh cũng đã có món nợ kha khá với bà con, vui đấy rồi cũng chợt buồn khi nghĩ đến khoản vay đã đến kỳ phải trả. Thế là anh bắt đầu nghĩ đến cách làm để trả nợ, để làm giàu. Nói là làm, hằng ngày anh và cả gia đình ra ruộng cày cuốc, nhặt phân gia súc về bón cho cây trồng.
Đất có nước, có phân bón nên từ một nơi khô úa đã trở thành vùng đất phì nhiêu bởi công sức của người nông dân cần cù. Lúa trồng lên tốt tươi, vụ đầu tiên cho anh 2 tấn thóc. Từ khi có nước, ruộng nhà anh đã cho thu hoạch đều đặn 6-7 tấn thóc mỗi năm, chưa năm nào bị mất mùa vì lý do hạn hán. Con cái nhờ đó mà cơm áo đầy đủ hằng ngày.
Có lúa và có tiền trả nợ, dư ra anh lại ki cóp mua lợn, gà về chăn nuôi thêm. Nhờ nguồn thu mà anh cũng kiếm được tiền triệu.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, "dự án" nước sạch của anh Hưng đã làm lợi cho nhiều nông hộ trong vùng. Bà Lưu Thị Tuyết cho biết: "Nhờ canh tác một năm hai vụ lúa, cộng thêm chăn nuôi gia súc, gia cầm nên đến nay bà con ai cũng có của ăn của để. Ngày anh Hưng chưa làm mương tưới nước, bà con khổ lắm, thiếu ăn cứ triền miên".
Xóm Rôốc giờ đã khởi sắc, nét no ấm hiện rõ trên từng nếp nhà một thuở khốn khó. Nhiều gia đình đã sắm được tivi, xe máy, con cái được no ấm và học hành tử tế hơn. Có ngày hôm nay, bà con biết ơn anh Hưng nhiều lắm - bà Tuyết cảm động cho biết.
Nguồn tin: Báo Nhân dân Điện tử |