Cô giáo Sương chẳng giấu giếm chút gì
Đâu chỉ riêng tại Bến Tre mà nhiều người nuôi tôm càng xanh từ An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ… cũng đến đặt mua giống tôm càng xanh của cơ sở sản xuất kinh doanh tôm giống Cô Sương - một cơ sở ở tận vùng sâu thuộc xã Mỹ Hưng, huyện biển Thạnh Phú. Điều khó ai ngờ là "ông kỹ sư" nắm càng ở cơ sở này lại là một nông dân chỉ mới học đến lớp 6.
Anh Hồ Văn Bù sinh năm 1959, dáng người cao, tính tình ít nói nhưng suốt ngày bận rộn với những bể sản xuất giống tôm càng xanh tại cơ sở mình. Vợ anh, cô giáo Nguyễn Thị Sương, cũng người cùng quê với anh tại xã Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú (Bến Tre), hiện là Hiệu phó Trường Tiểu học Mỹ Hưng.
Cô giáo Sương chẳng giấu giếm chút gì: “Tôi là cô giáo, nhưng ông xã tôi, anh Bù, thì chỉ học đến lớp 6 thôi. Dù học thấp nhưng bù lại trong cuộc sống anh ấy rất năng nổ, chịu thương chịu khó và nhất là rất ham học hỏi. Với anh Bù, việc gì muốn làm thì anh ấy quyết chí làm cho bằng được…” Tôi hỏi cô Sương: “Cơ sở sản xuất kinh doanh tôm giống của hai vợ chồng mang tên Cô Sương ra đời từ bao giờ?”.
Cô Sương thật tình: “Năm 1998. Mọi công việc nghiên cứu, sản xuất giống tôm càng xanh ở cơ sở chúng tôi đều do anh Bù thực hiện. Song ngặt nỗi anh ấy tên Bù nên mới lấy tên tôi “Cô Sương” làm tên của cơ sở. Bán tôm giống cho người ta nuôi mà “bù” thì ai dám mua…”.
Cô Sương mời tôi tham quan cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống của hai vợ chồng ở ấp Thạnh Hưng, cạnh bên bờ sông Băng Cung. Điều bất ngờ là dù được đặt tại vùng sâu nhưng quy mô sản xuất tôm giống của cơ sở Cô Sương quá lớn. Tôi đếm tất cả có 90 hồ để sản xuất tôm giống mà theo anh Bù cho biết, mỗi hồ như thế chứa 20 khối nước để…tôm con bơi, trị giá mỗi hồ khoảng 30 triệu đồng khi đang sản xuất giống. Tính ra đã thấy bạc tỷ… Anh Bù tâm sự: “Mỹ Hưng là vùng đất thuộc vùng nước lợ, hàng năm nước mặn lấn lên, kéo dài có khi 6 - 7 tháng.
Trước năm 1995, khi Mỹ Hưng chưa được ngọt hóa, hầu hết nông dân ở đây chỉ làm một vụ lúa mùa trong năm. Cuộc sống kinh tế nhiều khó khăn nên nhiều người phải tha phương cầu thực, làm thêm nhiều nghề để kiếm sống, trong đó có tôi và tôi cũng đã từng nếm mùi thất bại, hết cả vốn liếng. Đến khi Mỹ Hưng được ngọt hóa, tôi nghĩ ngay đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển việc nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa. Nghĩ vậy nên tôi mua tôm giống càng xanh từ Trung Quốc bán sang Việt Nam, đem về Mỹ Hưng cung cấp và hướng dẫn cho một số hộ ở xã nuôi trên ruộng lúa. Những hộ trên tuy lần đầu tiên nuôi tôm nhưng đều trúng, thu hoạch rất khá. Thế rồi tiếng lành bay xa, rất nhiều hộ khác cùng bước vào nuôi tôm càng. Đó là vào khoảng năm 1998…
Cùng đi với Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Hưng Nguyễn Văn Á trên đồng ruộng Mỹ Hưng, anh Á cho tôi biết: “Cũng giống như nhiều nơi ở Cà Mau, trước năm 2000, do nôn nóng muốn làm giàu nên nhiều nông dân ở Mỹ Hưng tự ý bửa đê, dẫn nước mặn vào vùng vừa ngọt hóa nuôi tôm sú. Nhưng giấc mơ “độc đắc” từ con tôm sú đâu có thành. Sau vài vụ trúng, tôm sú bắt đầu bị bệnh và chết hàng loạt, hầu hết người nuôi đều lỗ nặng, nợ nần chồng chất. May thay, con tôm càng xanh đã kịp thời điền vào khoảng trống ủ rũ từ tôm sú. Bắt đầu từ năm 2002, diện tích nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa ở xã tăng đáng kể và hiện nay (2005), tổng cộng có trên 400 hộ nuôi với trên 420 ha – anh Á nhấn mạnh – Xã nhà phát triển được con tôm càng xanh không thể không đến công của “bà đỡ” tôm càng Hồ Văn Bù”.
Còn anh Bù thì nhớ lại câu hỏi nung nấu trong đầu anh lúc đó: “Tại sao mình không sản xuất giống tôm càng xanh ngay tại địa phương mình để nắm phần chủ động trong cung cấp con giống cho bà con (?)”. Từ suy nghĩ đó, năm 2000, anh tìm đến nhiều bạn bè ở Cần Thơ rành về kiến thức cho tôm càng đẻ và tìm tòi, nghiên cứu thêm từ sách, báo, nghe đài… Chỉ thời gian ngắn sau anh đã cho tôm càng đẻ thành công ngay tại xã nhà Mỹ Hưng.
Với thành công này, anh đã giải quyết được mối bức xúc về con giống của người nuôi tôm càng xanh. Trước đây, muốn nuôi tôm càng xanh, người ta phải thu gom con giống từ ngoài thiên nhiên, con lớn, con nhỏ không đồng đều và nhất là không đủ số lượng để nuôi trên diện tích rộng (ruộng lúa). “Kỹ sư chân đất” Hồ Văn Bù nở nụ cười tự tin: “Hiện tại, cơ sở chúng tôi có khả năng sản xuất 2,5 triệu con giống tôm càng xanh/tháng. Số lượng này tuy khá lớn nhưng vẫn không đủ cung cấp cho người nuôi tôm tại Bến Tre và nhiều tỉnh khác ở ĐBSCL. Vì vậy, hàng năm cơ sở chúng tôi phải nhập thêm 100 - 150 triệu con giống tôm càng từ Trung Quốc”.
Của chồng, công vợ
Anh Bù chỉ tay vào những chú tôm càng xanh bố mẹ mà anh sắp cho sinh sản, nói: “Tôm bố mẹ này tôi lựa mua tại địa phương. Tôm bố mẹ lý tưởng cho sinh sản nên chọn con có trọng lượng từ 30 đến 40 gram, trứng ở bụng có màu cam và khi trứng chuyển sang màu xám đó là thời điểm chín mùi để tôm đẻ. Tôm càng xanh thích hợp với môi trường nước ngọt, nhưng lạ thay, khi tôm đẻ thì chỉ đẻ được ở môi trường nước mặn 12‰. Thông thường, khi tôi cho tôm càng đẻ, từ ấu trùng đến lúc chúng chuyển sang thành post (con giống) để bán là 45 ngày. Tôm càng đẻ và ươm giống trong môi trường nước mặn, vì thế hàng năm tôi phải mua 400 - 500 khối nước mặn, chỉ riêng khoản này phải chi 40 - 50 triệu đồng/năm – anh Bù cười mỉm – Đổi (mua) thì người ta đổi nước ngọt chớ có ai lại đi mua… nước mặn như tôi…”.
Tại cơ sở sản xuất kinh doanh tôm giống Cô Sương, khách hàng từ khắp nơi đến mua tôm giống không ngớt, vợ chồng anh Bù và cả đứa con gái xoay như con vụ trong công việc sản xuất và bán con giống tôm càng cho khách hàng. Tranh thủ lúc anh Bù vừa nghỉ tay chút, tôi hỏi: “Cơ sở của anh chị bán tôm giống cho các nơi ngoài tỉnh Bến Tre bằng cách nào?” - Anh Bù nói: “Ở nhà có một chiếc xe lạnh để chở tôm giống. Những mối ở xa như An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp…, nếu người nuôi cần, xe chở giống đến tận nơi”. Lại tranh thủ tiếp: “Ngoài thời gian phụ anh sản xuất, hàng ngày cô giáo Sương vẫn đến trường?” Anh Bù đáp nhanh: “Câu này thì ông nhà báo hỏi bà xã tôi đi…”.
Cô giáo Sương cười: “Chúng tôi rất tôn trọng nhau trong công việc riêng của mỗi người. Dù lu bu đến mấy ở cơ sở, song lúc đã đến giờ đến trường thì bao giờ anh ấy cũng nhắc tôi và anh sẽ cáng đáng hết mọi việc ở nhà. Vả lại, ông xã tôi luôn nói rằng: Con tôm giống đã và đang mang lại thu nhập khá cho gia đình. Tuy nhiên, “nghề tôm” vẫn là nghề đến sau nghề giáo của tôi và chính nghề giáo đã tạo ra nền tảng cho gia đình, vì vậy chớ có nên phụ rẫy nó…”.
Quả vậy, từ một nông dân nghèo chung sống với một giáo viên với đồng lương khiêm tốn, cuộc sống rất chắt chiu nhưng rồi quyết chí làm ăn, vợ chồng anh Bù đã khá lên nếu không muốn nói hiện là một “đại gia” ở nông thôn huyện Thạnh Phú, Bến Tre. Chuyện càng thành đạt hơn nữa của đôi vợ chồng này, đó là anh chị có 3 đứa con, đứa con gái đầu lòng Hồ Bảo Ngân đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Long, hiện đang dạy học tại Trường PTCS xã Tân Phong (Thạnh Phú) và con trai là Hồ Trung Thông đang theo học Đại học Thủy sản tại Bến Tre. Với Bảo Ngân, cũng giống như mẹ mình, ngoài giờ đến trường, khi về nhà thì liền sáp vào phụ với cha trong sản xuất tôm càng…
Nguồn tin: Báo Sài Gòn giải phóng |