Tìm kiếm thông tin:
  Chuyên đề Bạn nhà nông
Nuôi
Trồng
Giống
Vật tư
Thiết bị - Công cụ
  Nhà nông tôn vinh
DNghiệp thân thiện
SPhẩm ưa chuộng
Nông dân thành đạt
  Trao đổi kinh nghiệm
Kinh nghiệm SX
Hỏi & đáp
  Danh bạ Bạn nhà nông
Cơ quan - Ban nghành
Hội - Hiệp hội
DN Sản xuất
DN Chế biến
DN D.Vụ-Thương mại
Trang trại
  Giới thiệu Bạn nhà nông
Website
Cẩm nang
Hồ sơ
Liên hệ


 Nông dân thành đạt

Ông “gọi cá”

Biển động. Hàng trăm con tàu nối đuôi vào cửa biển Sa Kỳ (xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) với khoang thuyền trống. Lão ngư Trần Túc chép miệng nói: “Gió kiểu này chỉ tàu Ba Thức mới đánh được. Thằng đó có tài như biết gọi cá đến để vây bắt vậy”. Theo hướng tay lão, tôi nhìn ra phía biển. Ba chiếc tàu của Ba Thức thả neo, trên boong Ba Thức người to lớn đang mướt mồ hôi cùng bạn chài khuân cá xuống tàu...

Học cầm súng rồi học bơi

Cao 1,73m, nặng 91kg, nước da đen giòn, mới nhìn qua đã biết là dân biển rặc ri, thế nhưng đến 24 tuổi Ba Thức mới tập tành xuống tàu đi bạn. Ba Thức kể: “Hồi nhỏ, ba mẹ cưng có cho đi biển đâu. Năm 1974, học lớp đệ lục (lớp 6), theo đội công tác bí mật đến thăm ông cậu ruột ở huyện đội Đông Sơn rồi mê, xin ở lại làm giao liên...”.

Đất nước thống nhất, Ba Thức là bộ đội tỉnh, rồi được tăng cường vào đội trinh sát Quân khu 5, tham gia chiến dịch tình nguyện ở Campuchia, sau đó truy lùng bọn phỉ ở Mường Khung, Mường Khẳm, tỉnh Chămpaxăc thuộc nước bạn Lào.

Đến năm 1983 phục viên mang theo tấm Huân chương Chiến công hạng 3, anh Thức về quê. Người con gái bên kia sông Sa Kỳ thương anh bộ đội bèn đồng ý cho mang lễ sang cầu hôn và ba vợ cho xuống chiếc ghe máy đi lộng kiếm con cá con tôm đắp đổi qua ngày.

Cánh dân chài phì cười vì Ba Thức nguyên là trinh sát mặt ngầu không chịu nổi mà cứ chiều chiều ôm cái phao ganh (làm bằng xốp) tập bơi, rồi tập chèo, tập đứng cân bằng trên thuyền để kéo lưới.

Nhưng kệ, không biết thì học - Thức nghĩ vậy. Được vài năm, bố vợ tuổi cao, bán ghe máy lên bờ, anh Thức đành ôm gói tìm tàu khác đi bạn. “Đó là những tháng ngày khó khăn nhất của mình” - anh Thức nói vậy, rồi chỉ ra bờ sông Cầu - một nhánh đổ ra sông Kinh nay nhà cửa san sát.

Ở đó, sau khi cưới vợ Ba Thức chỉ đủ sức làm ngôi nhà tranh, vách đất phải bồi thêm giấy. Ở đó, có hôm hết gạo thấy bà con gánh củ lang đi ngang, nói trớ là xin vài củ “bởi tụi nhỏ thèm” nhưng thực tình là để anh ăn trừ bữa.


Ông Ba Thức

Lòng bàn tay và lòng biển

Xuống tàu ra khơi, Ba Thức nhận thấy biển mênh mông nhưng cũng chỗ sâu, chỗ cạn, chỗ có rạn, chỗ chỉ toàn bùn nên muốn giỏi nghề phải bỏ công tìm hiểu. Ba Thức nhớ hồi đi trinh sát mò vào tận đồn địch là phải nhớ để giúp cấp trên làm sa bàn cho trận đánh. Bây giờ ra biển chẳng khác gì hồi đi trinh sát. Nghĩ vậy, nên Ba Thức âm thầm mua quyển vở học trò giấu trong khoang.

Mỗi chuyến đi anh ghi chép ngày đánh bắt, sức gió, tập đọc tọa độ trên bản đồ và nhất là khi đánh được cá càng phải ghi tường tận vùng ngư trường để theo dõi đến mùa sau con cá có qui tụ lại nơi cũ không. Cứ tích lũy như vậy, dần dà khu vực ngư trường Quảng Ngãi và các tỉnh lân cận nằm trong lòng bàn tay.

Ba Thức đi bạn với chủ tàu Trần Túc được hai năm, rồi một hôm sau một chuyến trở về đầy ắp cá, cả chủ tàu lẫn người đi bạn ngồi nhậu. Xoa đôi tay sần nốt chai, to bè, Ba Thức nói lời cảm ơn và xin từ biệt.

Ông Túc trố mắt: “Cái thằng! Có phải lòng mày như con nước chia hai, bỏ tàu của tao đi làm cho chủ mới?”. Khi nghe anh Thức nói đã âm thầm tích cóp được 50 triệu, vay thêm ngân hàng và bà con 70 triệu đóng chiếc tàu cá 45CV, ông ngả người tợp một chén rượu rồi khà lên một tiếng: “Cái thằng bạo thiệt...”.

Trên khúc sông mà bảy năm trước Thức tập bơi, giờ anh tập lái tàu. Nhiều người thấy thán phục chứ không cười nữa. Qua vài buổi tập, anh đưa luôn chiếc tàu ra khơi. Rồi sẵn Nhà nước cho đi học cấp bằng thuyền viên, thuyền trưởng, anh lại cắp vở đi học...

Tôi theo Ba Thức xuống tàu. Nhìn những mẻ lưới dày, Ba Thức nói: “Vùng biển Trung Trung bộ có nhiều chỗ nông sâu, thế nhưng lưới truyền thống chỉ dài 370m và sâu 120m nên có hồi tung lưới con cá sổng ra ngoài, thế là mình cải tiến lưới dài 420m và sâu 140m”.

Lật chiếc máy kéo lưới, anh nói: “Đây là kết quả của chuyến vào tham quan xí nghiệp đánh cá ở Bà Rịa - Vũng Tàu...”. Thế nhưng, khi mua về Ba Thức đưa máy vào kéo thấy lưới trượt hoài, tốc độ cũng chậm nên anh cho làm bánh xe rộng hơn.

Bây giờ với một mẻ lưới kéo tay mất 3 giờ, còn với tàu của Ba Thức chỉ mất khoảng 45 phút. Cứ như vậy, mỗi đêm tàu của Ba Thức đánh bắt được 4-5 mẻ là chuyện thường.

Ba Thức chưa qua một trường quản lý nào, nhưng anh hiểu cánh dân chài quen sóng gió, cực nhọc chưa chắc nản, nhưng thiếu công bằng, minh bạch là họ ngoảnh mặt liền. Ba Thức chọn cách quản lý dưới dạng tổ hợp tác. Những người đi bạn không có điều kiện góp vốn thì góp công làm ăn tính bằng điểm rồi qui ra tiền.

Cách làm ăn rạch ròi, nghiêm túc nhưng cởi mở và có kinh nghiệm nên tàu của Ba Thức trở thành tàu làm ăn có hiệu quả nhất của làng biển. Có những mẻ lưới tàu anh đạt trên 20 tấn cá, bán được trên 200 triệu đồng.

Riêng Ba Thức mỗi năm trừ chi phí xăng dầu, tính cho người đi bạn đổ đồng thu nhập trên 800 triệu. Làm ăn khấm khá nên từ tay trắng giờ Ba Thức có ba chiếc tàu trang bị khá đầy đủ máy tầm ngư, máy định vị, trị giá trên vài tỉ đồng.

Giàu có nhưng Ba Thức vẫn giữ nguyên tác phong của anh lính thuở nào. 20 lao động càng làm ăn với Ba Thức càng mê. Ngư dân Lê Mười đi bạn trên tàu Ba Thức nói: “Bây giờ mình đã sắm được chiếc tàu công suất 33 CV nhưng làm chủ không bằng đi bạn với ông Thức, bởi đi với ổng mới học hỏi được nghề”.

“6 chức”

Ba Thức tên đầy đủ là Nguyễn Trí Thức, 45 tuổi. Đâu chỉ chuyện làm biển, anh hiện “vác tù và hàng tổng” với sáu chức vụ không lương, nào chủ tịch Hội Nghề cá xã Tịnh Kỳ, thành viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN xã, đội trưởng đội đánh bắt hải sản xa bờ xã Tịnh Kỳ, ban chấp hành Hội Khuyến học xã Tịnh Kỳ, hội trưởng hội phụ huynh Trường PTTH Sơn Mỹ, hội trưởng hội phụ huynh Trường THCS xã Tịnh Kỳ.

Mặc dù làm hội trưởng phụ huynh học sinh mà anh chẳng là phụ huynh em nào cụ thể. Cách đây năm năm, cha mẹ đi vắng, đứa cháu của Ba Thức là Phạm Quốc Bảo sang nhà nhờ đi họp phụ huynh. Ba Thức đến trường họp, sướng miệng phát biểu rồi được bầu cái rụp làm hội trưởng.

Cháu ra trường, con trai vào trường rồi cũng tốt nghiệp, nhưng cái chức hội trưởng phụ huynh thì Ba Thức vẫn giữ. Ba Thức xin trường và xã một “đặc ân” là có họp hành gì chịu khó báo trước ba hôm để sắp xếp không ra biển.

Ngoài chuyện dốc hầu bao ủng hộ nhà trường, Ba Thức còn nhiều lần “bị gậy” đi xin các mạnh thường quân gốc quê nhà thành đạt ở nơi xa để phát học bổng cho trẻ em nghèo học giỏi.

Ba Thức nheo mắt: “Nói thiệt hồi nhỏ chiến tranh không có điều kiện học hành nên làm cái gì cũng khó. Nghĩ vậy mà mình cố gắng vun đắp để cuộc sống của tụi nhỏ tốt hơn chớ”.

Nguồn tin: Võ Quý Cầu (TT)


° Các tin khác
• Điều khiển hải đường nở hoa vào dịp Tết
• Giàu lên nhờ đa canh
• Ông chủ vườn ươm
• Trồng rau má, thu bạc triệu
• Nuôi bò lai Sind làm giàu
• “Vua” lúa giống
• “Vương quốc cây giống, hoa kiểng”
• Tỷ phú sò
• "Cây hàng hoá"
• "Cây hàg hoá"
• Người chuyên canh giống điều cao sản
• Người đưa thương hiệu chè Châu Giang ra thị trường nước ngoài
• Xây nhà cao tầng nhờ rau xanh
• K'Cân giúp bà con thoát nghèo
• Những nông dân triệu phú ở Mễ Sở
• Thu bạc triệu từ nuôi dê
• Ông chủ dưa
• Anh Tư
• "Hiệp sĩ" của làng
• "Lão nhím"
• Làm giàu từ gà ác
• Làm giàu từ chăn nuôi lợn
• Làm giàu nhờ chăn nuôi
• Những triệu phú vùng trung du
• Ông "hũ gạo tình thương"
• Chủ trang trại CITES Ba Vũ
• Chợ cỏ miền Tây…
• Tích vốn bằng bò
• Lập nghiệp từ một con bò
• Chủ trang trại chăn nuôi gia cầm

 

Trang web được thiết kế và lưu trữ tại VietnamNetweb