Nuôi bò lai Sind làm giàu
Đi lên từ nghèo khó, nhờ nuôi bò lai sind kết hợp với làm kinh
tế trang trại, anh Phan Phước Nhường ở xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức (tỉnh Quảng
Nam) đã vươn lên làm giàu.
Ở vùng quê nghèo thuộc xã Hiệp Hoà, huyện Hiệp Đức (tỉnh Quảng
Nam), gia đình anh Phan Phước Nhường cũng như bao nhiêu gia đình khác ở cái xứ
"khỉ ho cò gáy" này gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn. Tài sản trong gia đình chỉ
có một con trâu, 3 sào ruộng và 5 nhân khẩu, trong đó 2 lao động chính. Cuộc
sống chủ yếu là vào rừng khai thác mây, tre nứa để đem về đồng bằng đổi lấy
lương thực, cái nghèo luôn đè nặng trên đôi vai anh - người trụ cột trong gia
đình.
Không chịu bó tay trước cái nghèo, anh Nhường quyết tâm "đổi đời" bằng
chính sức lao động của mình. Cùng thời điểm này, huyện Hiệp Đức có chủ trương
giao đất lâu dài cho nông dân phát triển kinh tế vườn và kinh tế trang trại, anh
được giao chăm sóc 5 ha cây cao su. Bên cạnh đó, anh được hỗ trợ vay 15 triệu
đồng với lãi suất ưu đãi và mượn của bà con họ hàng, anh quyết định mua 20 con
bò (giống bò vàng địa phương) phát triển chăn nuôi. Để đảm bảo thức ăn cho đàn
bò, anh đã đầu tư trồng 12 sào cỏ voi và tận dụng thêm các phụ phẩm khác như:
sắn, ngô, khoai… bổ sung các chất khoáng, vi lượng cho đàn bò.
Sau 5 năm chăm sóc, đàn bò đã tăng lên 30 con, trong đó có 20
con bò nái sinh sản. Trong quá trình chăn nuôi, anh Nhường không ngừng học hỏi
kinh nghiệm các mô hình làm kinh tế giỏi trong huyện, tham khảo các loại sách
khuyến nông, tuy nhiên do giống bò vàng địa phương chăn nuôi chủ yếu là thả
rông, nên đạt hiệu quả kinh tế không cao và anh lại chuyển sang đầu tư chăn nuôi
bò lai sind.
Hiện nay, anh Nhường có 45 con bò lai sind, trong đó có 35 bò
sinh sản và 10 con bò nuôi để vỗ béo bán thịt. Theo dự tính đến cuối năm 2006,
anh sẽ có thêm 20 bê con nữa. Nhờ tập trung phát triển chăn nuôi bò lai sind mà
kinh tế gia đình anh Nhường từ nghèo khó đã vươn lên khá giả, thu nhập bình quân
hơn 90 triệu đồng/năm. Cùng với chăn nuôi bò, anh tiếp tục đầu tư trồng các loại
cây công nghiệp ngắn và dài ngày. Được huyện Hiệp Đức giao thêm 10 ha đất lâm
nghiệp để mở trang trại, một lần nữa anh lại tìm đến cán bộ khuyến nông để được
tập huấn hướng dẫn cách chọn giống cây trồng phù hợp với đất, kỹ thuật trồng và
chăm sóc.
Đến nay, anh đã trồng được 6 ha cây keo lai, gió bầu, diện tích
đất còn lại anh dùng để trồng ngô, sắn và các loại cây khác. Sắp tới anh Nhường
trồng thêm 10 ha cây keo lai, đào ao thả 4.000 đến 5.000 con cá rô phi, trắm cỏ,
chép hồng. Trang trại tổng hợp của anh Nhường còn giải quyết việc làm cho 350
đến 400 lao động nhàn rỗi ở địa phương mỗi khi đến mùa vụ và 5 lao động thường
xuyên làm việc cho gia đình anh với mức lương bình quân 500 ngàn
đồng/người/tháng.
Không chỉ giỏi về làm kinh tế, mà gia đình anh Nhường còn là
một gia đình đi đầu trong việc tham gia hưởng ứng các hoạt động xã hội, công tác
đền ơn đáp nghĩa… Anh đã giúp đỡ các gia đình trong xã gặp hoàn cảnh khó khăn về
vốn, kỹ thuật để phát triển sản xuất, đồng thời giao 10 con bò cho 5 hộ gia đình
nuôi. Sau khi bò đẻ và đến thời kỳ tách bê con thì anh chuyển sang cho hộ gia
đình khác nuôi. Nhờ được giúp đỡ theo phương thức này mà nhiều hộ nông dân trong
xã Hiệp Hoà từng bước vươn lên thoát nghèo.
Nguồn tin: Trung tâm Tin học Bộ NN&PTNT |