Lão nông Ba Nhơn và "địa chỉ xanh" đáng tin cậy
Năm 1975, từ một hộ nghèo, sống nhờ vào rẫy bắp ở đuôi cồn Khương (P An Thới, Q Bình Thủy), nay phần đất ấy đã trở thành “địa chỉ xanh”chuyên cung cấp giống xoài cát Hòa Lộc cho Viện Cây ăn quả miền Nam. Người chủ hộ này còn tích cực giúp nhiều nông dân làm ăn thoát nghèo, được Hội Nông dân TP Cần Thơ giới thiệu điển hình nông dân sản xuất giỏi đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày miền Nam Hoàn toàn giải phóng. Đó là trường hợp của lão nông Lâm Văn Nhơn, 73 tuổi…
Theo hướng dẫn của chú Nguyễn Văn Hoạch, Chủ tịch Hội Nông dân phường An Thới, từ đường Cách mạng Tháng Tám rẽ vào hẻm mộ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, đến cuối con hẻm, tôi gởi xe ở căn nhà nằm cặp bờ rạch cồn Khương, bắt tay làm loa gọi ơi ới thì người nhà của ông Ba Nhơn ở bờ sông bên kia đưa xuồng qua rước. Mà hôm đó, đâu chỉ mình tôi, điểm giữ xe này có đến hàng chục chiếc xe đang đậu, chị chủ nhà nói: “Cả tháng nay, ngoài khách đến mua xoài còn nhiều người qua bển mời ổng mua cá giống”. Gặp tôi ông Ba Nhơn cười khoe: “Tôi mới mua 2,5 công đất bờ cồn với giá 25 triệu đồng, bỏ thêm 50 triệu đồng để cắm cọc làm đê bao, tận dụng toàn bộ diện tích làm mặt ao nuôi 40.000 con cá tra”. Ao cá to đùng với bờ đê cao ngang thắt lưng, nằm cặp khu vườn giữa bốn bề sông nước mát rười rượi, khách đến tham quan ngồi trên chiếc võng đong đưa giữa hai hàng xoài, có thể tha hồ ngắm nghía bên kia sông, nơi cây cầu bắc qua khu biệt thự cồn Khương chỉ cách một vạt vườn. Tôi hỏi:-“Bác định xây dựng khu vườn này thành điểm du lịch sinh thái?”. Ông Ba Nhơn cười hiền hậu: “Khi cồn Khương được quy hoạch khu biệt thự, đã có người đề nghị tôi liên kết mở nhà hàng làm điểm du lịch, nhưng tôi từ chối vì dồn sức đầu tư nuôi heo – cá, để hàng năm lấy được nguồn phân hữu cơ từ đáy ao bồi bổ cho vườn xoài. Nếu chăm bẵm vào nguồn phân hóa học, chẳng bao lâu đất sẽ bạc màu không cứu vãn được”.
Đưa tôi đến khu vườn có 120 gốc xoài cát Hòa Lộc trên 40 năm tuổi, ông Ba Nhơn tâm sự: “Hàng xoài này được trồng từ năm 1964, đến năm 1975 thì cây nào cây nấy to đùng, nhưng cả năm thu hoạch chỉ một mùa. Năm nào xoài thất, khổ đã đành, nhưng trúng mùa thì cũng xót lòng vì bị thương lái ép giá. Để nuôi 10 đứa con ăn học, vợ chồng phải quần quật trên 5 công rẫy, hết trồng bắp, lại trồng khoai. Tôi nấu, bà xã mang ra chợ bán, mỗi ngày bơi xuồng qua lại con rạch cồn Khương này không biết bao nhiêu bận để đưa con đi học, đưa vợ đi bán. Năm 1993, nhãn long được giá, vợ chồng tôi định bán xoài cho người ta mua xẻ làm ván để chuyển sang trồng nhãn. Thật may mắn, chính quyền địa phương giới thiệu các nhà khoa học như: Tiến sĩ Nguyễn bảo Vệ, Tiến sĩ Trần Văn Hòa của Trường ĐH Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Ngẩu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Cần Thơ (cũ) đến đây thí điểm kỹ thuật sử dụng phân bón lá để kích thích cho cây ra hoa, đậu trái và cách phòng trừ dịch hại. Tôi liên tiếp trúng mùa, cũng nhờ các nhà khoa học hướng dẫn thủ tục tham dự Hội thi trái ngon do Trung tâm Cây ăn quả Long Định (nay là Trung tâm Cây ăn quả miền Nam) tổ chức lần thứ 1 vào ngày 20-4-1996. Tôi đoạt giải Nhất với số điểm tuyệt đối (600 điểm) trong cả 2 phần thi: tổ chức vườn và trái xoài nặng 750 gam đạt chất lượng trái ngon, tiền thưởng 5 triệu đồng (trị giá hơn 1 cây vàng). Sau Hội thi, Viện Cây ăn quả miền Nam đã đưa 9 kỹ sư về đây hướng dẫn, giúp gia đình tôi thực hiện kỹ thuật ghép bo để giữ được giống cây xoài cát Hòa Lộc đầu dòng và ký hợp đồng mua hàng chục ngàn cây giống/năm. Riêng năm 2004, tôi cung ứng gần 30.000 cây giống và tham gia Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Cần Thơ được nhận Huy hiệu Bạn nhà nông”. Chỉ vào gốc xoài có ghi chữ “CT1” bằng nước sơn màu vàng, chứng nhận cây giống đầu dòng do Viện cây ăn quả miền Nam đánh dấu, ông Ba Nhơn phấn chấn: Khi được cấp chứng nhận “địa chỉ xanh” và được ký hợp đồng bao tiêu cây giống, tôi đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để mua đất, cất căn nhà kiên cố bên hẻm mộ cụ thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa làm điểm giao dịch thương hiệu xoài cát Hòa Lộc Ba Nhơn. Đồng thời, mua sắm thêm một số phương tiện phục vụ sản xuất như máy nổ nén hơi để phun xịt phân, thuốc trên tán xoài, máy bơm nước tưới tiêu, máy nổ 7,5 mã lực để chạy ghe”. Từ đó, ông Ba Nhơn làm ăn theo kiểu cuốn chiếu, các loại phân bón, hóa chất đều được đại lý bán theo hình thức gối đầu, còn xoài thì lại bán thẳng cho các chủ vựa qua điện thoại… không còn cảnh bị tư thương ép giá.
Nói thì đơn giản, nhưng nhìn anh Mười Tấn, con rể thứ 10 của ông Ba Nhơn ngồi lựa đống hột xoài to tướng để đem ương thì mới hiểu để có một cây giống xoài cát Hòa Lộc phải tốn rất nhiều công sức và thời gian. Vì phải ương hột từ 15-18 tháng, khi gốc cây to bằng ngón chân cái mới thực hiện kỹ thuật ghép bo, công việc gồm: Lấy mắc nhánh của cây xoài cát Hòa Lộc đầu dòng ghép vào giữa thân cây xoài ương, chờ cho phần bo đâm chồi, tức là đã chuyển nạp được gien đầu dòng thì cắt đọt, bứng gốc, vô bầu và tiếp tục dưỡng cho cây đâm nhánh cứng cáp mới xuất hàng. “Mua cây giống này về trồng 2 năm thì cho trái, rút ngắn thời gian gần 4 năm so với cách ương hột truyền thống”. -Anh mười Tấn nói. “Mỗi năm, cần đến 30.000 hột xoài để ương cây thì lấy đâu ra?”- Tôi hỏi. -Mười Tấn cười xòa: “Mua lại của bà con xung quanh và đặt hàng qua lực lượng công nhân vệ sinh thu gom rác giống như mua phế liệu vậy, mỗi hột giá 200 đồng, lúc hút hàng lên đến 800 đồng/hột”. Khách hàng đến mua cây giống, ông Ba Nhơn cho bản photo tài liệu hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và còn căn dặn: “Phải trồng mỗi cây cách nhau 4,5 mét, đừng tham, trồng khít vừa hao giống lại vừa nhỏ trái. Khi xoài kết bông, quan trọng nhứt là trong tháng đầu phải thường xuyên quan sát, nếu phát hiện bọ trỉ, rệp xám phải kịp thời phun thuốc, liều lượng có ghi rõ trong tài liệu này. Hiện thị trường đang quảng cáo loại phân bón gốc để kích thích cây mau ra hoa, nhưng loại này chỉ dùng cho xoài 8 năm tuổi với cây tơ mình nên kích thích ra hoa theo dạng phun sương...”.
Đi trên bờ liếp, lão nông Ba Nhơn đã thể hiện tình yêu cây trái qua cử chỉ nhẹ nhàng nghiêng người để không va đụng vào những nhánh xoài trĩu bông, thủ trong túi chiếc kính lúp, phát hiện nhánh bông nào có dấu hiệu khác thường thì lôi kính ra soi thật kỹ. Ông Ba Nhơn giải thích: “Con bọ trỉ nhỏ quá, tui phải dùng kính mới phát hiện được”. Cùng tôi đi mút các liếp xoài, lại đến 50 gốc nhãn xuồng, ông Ba Nhơn kể, khi có nguồn thu khá lớn từ việc ghép bo xoài thì nhãn long trên thị trường bị rớt giá thê thảm, nhiều người đã đốn bỏ để trồng nhãn xuồng, phần ông quyết định “đi tắt” bằng cách xuống tận chợ Lách (Bến Tre) mua bo mang về ghép. Giọng ông Ba Nhơn hồ hởi: “Lúc đó, bo nhãn xuồng quý như vàng, phải thân tình lắm nhà vườn mới bán giá 3.000 đồng/mắc bo. Thằng con rể lái honda còn tui xách theo một giỏ quần áo cũ để thấm nước ủ cho bo không bị khô mủ, mang về ghép tốc hành trong 2 ngày, lại chạy đi mua tiếp... Cuối năm ấy, 50 gốc nhãn long của tui đã chuyển thành nhãn xuồng”. Nhẩm tính: Từ năm 2000 đến nay, mỗi năm ông Ba Nhơn thu hoạch hơn 25 tấn xoài trái, 1 tấn nhãn cơm xuồng và cung ứng ra thị trường khoảng 15 ngàn cây giống xoài cát Hòa Lộc, trừ chi phí lãi ròng trên 250 triệu đồng.
Nhiều năm rồi, ông Ba Nhơn có thói quen mỗi sớm mai đều đạp xe ra chợ Bình Thủy uống cà phê với người em út và kèm theo giỏ xoài trái hay vài ba cây giống cho người quen đặt hàng, ai thiếu vốn ông sẵn lòng bán gối đầu đợi đến khi thu hoạch. Ông nói: “Tôi từng trải qua cảnh nghèo nên rất vui khi giúp các hộ nghèo nhưng chịu khó làm ăn”. Khi Cần Thơ lên thành phố, cồn Khương được quy hoạch khu biệt thự sang trọng, hầu hết các hộ có đất đều nảy sinh tâm lý chờ quy hoạch, không đầu tư mở rộng sản xuất. Ông Ba Nhơn đã tiếp tay với chính quyền địa phương ra sức làm đê bao chống sạt lở, không để xảy ra tình trạng ngập lũ làm thiệt hại hoa màu, đồng thời động viên bà con đừng để đất bị hoang hóa nên ai thích trồng xoài ông sẵn sàng hỗ trợ cây giống. Trong đó, có ông Đỗ Văn Đời, ở đuôi cồn Khương đã có 150 gốc xoài cát Hòa Lộc đang kỳ trái chiếng. Ông Đời nói: “Có được vườn xoài này, tôi yên tâm lo cho các con học lên đại học. Cũng nhờ bác Ba Nhơn khuyên tôi nên cải tạo vườn, mới được như vầy. Nếu thành phố quy hoạch đến khu này thì lúc đó các con tôi đã có việc làm ổn định, cuộc sống gia đình cũng không bị ảnh hưởng”. Là thành viên trong Hội Khuyến học của phường, ông Ba Nhơn còn nhận giúp cho con em của 5 hộ cận nghèo được đến trường bằng cách tặng đồng phục, tập sách và nhận cha, mẹ vào làm vườn với mức tiền công từ 30.000-50.000 đồng/ngày. Anh Lê Văn Dược, ở Khu vực 2, đang giúp việc cho ông Ba Nhơn, bộc bạch: Những lúc cùng chúng tôi làm việc, bác Ba thường kể nếu không ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thì gia đình bác sẽ không có được như ngày nay và khuyên tôi nên cố nuôi 3 đứa con ăn học đến nơi đến chốn, trang bị tri thức là cách giúp thế hệ đời sau làm giàu căn cơ nhất. Tôi rat tin tưởng vì 10 người con của bác Ba Nhơn đều được ăn học, có việc làm ổn định”.
Giẫm chân lên lớp bùn non khô mịn được vét từ đáy ao, nghe kinh nghiệm làm ăn của vị lão nông Ba Nhơn gắn với mảnh đất cồn Khương gần 50 năm, tôi tâm đắc lời nhận xét của đồng chí Nguyễn Thanh Hùng, Bí thư Chi bộ Khu vực 2, phường An Thới, láng giềng của ông Ba Nhơn: “Bác Ba Nhơn là nông dân tiêu biểu của thời kỳ CNH, HĐH. Dù trình độ văn hóa chỉ hết lớp 5, nhưng cần cù lao động, làm ăn có kế hoạch, biết nắm bắt nhu cầu xã hội, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vươn lên làm giàu và tích cực chia sẻ với bà con láng giềng. Hội Nông dân và chính quyền địa phương thống nhất bình chọn bác Ba Nhơn là điển hình tiên tiến trong phong trào nông dân sản xuất giỏi, đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba trong dịp kỷ niệm 30 năm Ngày miền Nam Hòan toàn giải phóng”.
MINH NGUYỆT |